Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Sáng nay (19.4), trên facebook cá nhân của ĐBQH Lê Thanh Vân đã bày tỏ những dòng chính kiến xung quanh vụ việc nóng bỏng xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Ngoài những dòng viết trên facebook, đại biểu Vân còn có thêm những chia sẻ với báo chí vào chiều 19.4.
Sự việc này xảy ra ở xã Đồng Tâm được cho là khá nhạy cảm, có rất ít người có trọng trách cũng như đại biểu Quốc hội lên tiếng bày tỏ chính kiến, điều gì đã thôi thúc ông lên tiếng, thưa ông?
- Điều mà tôi suy nghĩ đó là mình là ĐBQH, không chỉ là ĐB cho đơn vị bầu ra mình mà còn là ĐB của cả nước, đại diện cho tiếng nói của cử tri, cho lợi ích chung của cả nước. Tôi cũng băn khoăn khi chưa có ĐBQH của Đoàn Hà Nội lên tiếng về vụ việc này, vậy bản thân mình có nên nói hay không(?). Cuối cùng tôi đã lên tiếng.
Một lối vào xã Đồng Tâm bị đổ chướng ngại vật chặn đường từ tỉnh lộ 429 đi vào.
Tôi suy nghĩ, trước hết vụ việc này cần phải có cách thức giải quyết thế nào và việc đối thoại với dân là việc cần phải làm. Chỉ có đối thoại mới mang đến hình ảnh của chính quyền công khai minh bạch và gần dân.
Qua đối thoại mới thấy rõ được nhiều vấn đề, mới xem lại được chủ trương chính sách của Nhà nước đã hợp lòng dân chưa, cách thức điều hành quản lý của Nhà nước đã đúng tâm lý, đúng với mong chờ của người dân chưa, để xem xét sửa đổi.
Cái gì người dân phản ứng chưa đúng thì nhân dịp này trao đổi để cho dân biết cặn kẽ, không làm cho các mâu thuẫn trầm trọng hơn.
Chính điều đấy thôi thúc tôi lên tiếng và đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Tại sao ông lại chọn cách lên tiếng trên trang facebook cá nhân của mình mà không chọn cách khác để lên tiếng, thưa ông?
- Trước hết tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của bản thân với bạn bè, công chúng. Tôi đăng lên facebook nói một cách nghiêm túc và mang tính xây dựng.
Khi biết tôi có ý định viết facebook cá nhân đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đối thoại với người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức, vợ tôi có băn khoăn và can ngăn. Nhưng với vai trò là ĐBQH tôi không thể không lên tiếng.
Theo dõi vụ việc ở xảy ra ở Đồng Tâm, ông có suy nghĩ gì về cách giải quyết của chính quyền địa phương?
- Khi vụ việc này xảy ra, tôi thật sự thấy buồn và lo lắng. Vì mấy năm trước đã từng diễn ra sự việc tương tự, lẽ ra chúng ta phải có bài học rút ra từ những sự kiện ấy để có ứng xử thích hợp. Nếu làm được điều đó chắc chắn không có vụ việc như ở Đồng Tâm, Mỹ Đức.
Tôi suy nghĩ mãi và đã đặt ra nhiều câu hỏi, rõ ràng ở đây có mấy vấn đề.
Một là sự việc diễn ra từ lâu, từ khi quy hoạch sân bay nhưng nhiều năm không sử dụng. Việc chuyển giao đã diễn ra rất nhiều lần trong khi ranh giới giữa đất quy hoạch sân bay với đất nông nghiệp đã không được xử lý triệt để.
Hai là việc đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã có những sai phạm đã bị khởi tố như thông báo của cơ quan công an. Ở đây rõ ràng có chuyện không gương mẫu của cán bộ, lợi dụng chính sách đất đai để trục lợi. Người dân thấy vậy họ cũng muốn giành lại đất, mâu thuẫn bắt đầu từ đấy.
Như ông đã nói, việc đối thoại giữa chính quyền và người dân là cách thức giải quyết căng thẳng tốt nhất hiện nay?
- Vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức chưa thể minh định đâu là sai, đâu là đúng. Dựa trên thông báo của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hà Nội, chúng ta thấy được bối cảnh chung quá trình quy hoạch, chuyển giao đất, ranh giới giữa vùng quy hoạch với vùng liền kề. Như Ban Tuyên giáo nói là có vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất đai.
Bài toán ở đây là chính quyền phải vào cuộc, cấp cơ sở, cấp huyện đã không giải quyết được thì phải cấp thành phố. Chủ tịch UBND các cấp phải là người nắm chắc pháp luật, tường minh chủ trương, theo thẩm quyền phải giải quyết ngay tại chỗ sẽ tháo ngòi ngay từ khi mới chớm, sẽ không dẫn đến tình trạng bức xúc như vậy.
Khi tôi lên tiếng đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đối thoại với dân, tôi nghĩ đây cũng là nguyện vọng chính đáng của người dân.
Xin cảm ơn ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.