Trần Tuấn và “Uống cafe trên đường của Vũ”: Cây táo vẫn nở hoa

Đông Hà Thứ tư, ngày 26/07/2017 06:55 AM (GMT+7)
Tôi đọc thơ Trần Tuấn, thường thấy ở đó nhiều tầng nghĩa của chữ. Đọc những bài báo Trần Tuấn viết, thấy đầy rẫy thông tin. Nên khá bâng khuâng khi cầm tập sách mới của anh trên tay. Không biết những trang sách ấy chứa đựng những gì? Khó như thơ hay bộn bề như báo?
Bình luận 0

Ăm ắp phận người

Vậy mà, từ những trang sách đầu tiên của ký sự, tôi khó lòng dứt ra được. Dẫu 32 bài viết trong tập sách là những bài rời, nhưng chất giọng vừa trữ tình cuốn hút, vừa sôi nổi đầy ắp tư liệu, mở ra những thứ mới mẻ, hấp dẫn lẫn sự say mê trong cách kể chuyện của Trần Tuấn, khiến người đọc cứ hết trang này lại muốn giở tiếp sang trang kia, hết chuyện này lại muốn theo dõi tiếp chuyện kia. Tôi hình dung, đôi mắt ấy, gương mặt ấy, giọng nói ấy, kể cho người đối diện những điều mình biết, những chuyện mình hay, một cách say mê nhiệt huyết. Và người đọc ngồi nghe mê mải.

img

Bìa sách “Uống cafe trên đường của Vũ”. Ảnh: Đ.H

Hình như, bởi vì yêu văn chương, am hiểu văn chương nên khi viết về một vấn đề gì của cuộc sống, dưới hình thức là một bài báo, Trần Tuấn thường dẫn người đọc đi từ/đến một áng văn chương. Nên văn báo anh đẹp như văn chương là phải.

Nhà thơ Đông Hà 

Tôi thích tập sách này ở cách kể chuyện về con người của anh. Đó là nhiều câu chuyện kể về đời người được nhìn dưới con mắt của một nhà báo, nên hình ảnh con người được chép lại bằng sự thật. Đó là những người thợ xẻ núi đục đá, là con cái của họ. Là những phận người ở các tộc thiểu số với cái đói nghèo cơ cực khốn khó còn bủa vây. Là những ngư dân vùng biển miền Trung nhiều tai ương lắm bất trắc nhưng vẫn không rời bỏ quê hương, vẫn đêm ngày bám biển, giữ biển cho Tổ quốc, giữ cát cho làng mạc, giữ lòng yêu nước cho con cháu của mình. Là những người lính cảnh sát biển với nhiều góc khuất về cuộc đời, về sự thầm lặng, về cam go nơi đầu sóng ngọn gió với bao hiểm nguy hiển hiện từng ngày từng giờ...

Nhìn một cách khái quát, nhân vật trong từng bài viết của Trần Tuấn trải dài trên mọi độ tuổi, mọi ngành nghề, mọi miền, từ xuôi đến ngược, từ Hoàng Sa hiểm nguy đến đỉnh núi Cà Tang khó nhọc, từ nơi văn minh hiện đại nhất trong con đường hầm tân tiến Hải Vân, đến những bữa ăn lầm lụi rau rừng với vài con cá bé bằng ngón tay nơi rừng sâu nước độc tận cùng hốc núi của đồng bào Chứt… Tất cả hiện ra rõ ràng, bởi văn của Trần Tuấn được viết bằng sự trải nghiệm mắt thấy tai nghe tâm đồng cảm, khác biệt với sự tưởng tượng hư cấu của lối văn truyện của nhà văn.

Đời vẫn đẹp..

img

  Buổi ra mắt sách “Uống cafe trên đường của Vũ”. Đ.H 

Trần Tuấn làm thơ và được ghi nhận. Anh viết báo bởi đó là nghề. Nhưng với những trang viết này, tôi lại thấy anh ở vai trò nhà văn nhiều hơn. Dẫu tất cả những điều anh viết, đều bắt nguồn từ sự thật, từ những chỗ anh đến, những thứ anh tìm, những điều anh nghiền ngẫm, nhưng đọng lại trong tôi, những con người bình thường trở thành hình ảnh văn học, những câu chuyện sự thật thành điển hình văn xuôi, và những góc nhìn thiên nhiên bỗng trở nên trữ tình, đẫm chất thơ, chất bi, chất hùng.

Hình như, bởi vì yêu văn chương, am hiểu văn chương nên khi viết về một vấn đề gì của cuộc sống, dưới hình thức là một bài báo, anh thường dẫn người đọc đi từ/đến một áng văn chương. Nên văn báo anh đẹp như văn chương là phải. Trong “Không mưa ở Nhã Nam”, “Đạp xe sang sông”, “Nắng Chăm”, “Trăm tuổi khói sương”, “Ánh sáng kinh thành trong lòng đất”, “Người linh sơn”…, những câu chuyện ngày nay được kể lại bằng giọng trầm váng vất huyền sử, như đưa người đọc vào một cõi khói sương bảng lảng đầy liêu trai.

Tôi thích bài viết được đặt làm tựa đề chính cho cuốn sách. Không hẳn vì xuất sắc, vì hoàn hảo hay vì những điều gì cao xa khác. Chỉ đơn giản vì tôi cũng yêu Lưu Quang Vũ, yêu những câu thơ tài hoa đẫm buồn, yêu những vở kịch chất chứa đầy nỗi cay đắng đớn đau của một thời đại chúng ta sống, như người viết, và nhiều bạn đọc khác, cũng yêu.

Và vì yêu mến, mà chúng tôi vẫn hằng đọc những trăn trở của nhau, để cùng nhau xác tín một niềm tin, rằng, kiểu gì đời vẫn đẹp. Nếu không, tại sao “cây táo lại nở hoa” (thơ Lưu Quang Vũ)… 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem