Trang bị xe phân khối lớn kiểm tra gà lậu

Thứ bảy, ngày 22/03/2014 13:52 PM (GMT+7)
Hà Nội hiện có 12 chốt kiểm dịch động vật liên ngành nhưng hiệu quả kém. Sở NN&PTNT Hà Nội đang xây dựng phương án thành lập các đội kiểm dịch động vật lưu động (như cảnh sát giao thông), có thể sử dụng xe bán tải, mô tô phân khối lớn.
Bình luận 0

Có chốt như không

Theo quan sát của PV, nhiều chốt kiểm dịch động vật liên ngành ở các cửa ngõ vào nội thành Hà Nội, dù đầy đủ ban bệ, nhưng kém hiệu quả, do các xe chở gia cầm “né” chốt, thậm chí “băng” chốt khi thiếu, vắng người. Tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 2 (Ngọc Hồi, Thanh Trì), từ 14h30 đến 15h, ngày 17.3, chỉ có một cán bộ trực kiểm dịch. Chốt này nằm đối diện với Trạm kiểm dịch động vật Ngọc Hồi.

Một chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại cửa ngõ Thủ đô
Một chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại cửa ngõ Thủ đô

Qua quan sát trong buổi chiều cùng ngày, chỉ vài xe máy dừng lại xuất trình giấy tờ. Hoạt động kiểm tra chỉ 2-3 phút bằng mắt thường và tay không. Những xe máy chở gia cầm, không che chắn, cán bộ kiểm dịch của chốt mới yêu cầu dừng lại và kiểm tra. Còn những xe bịt kín hoặc ô tô đóng thùng, rất dễ “qua mặt” vì cán bộ chỉ ngồi trong phòng trực.

Tại chốt kiểm dịch liên ngành số 3 (Ba La, Hà Đông), gần như cán bộ kiểm dịch, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông cắm chốt ở đây cũng “ngồi chơi xơi nước”. Theo quan sát của PV, cả buổi chỉ vài xe đi qua xuất trình giấy tờ, nhiều xe máy chở gà, vịt băng qua chốt mà không cần trình giấy tờ kiểm dịch.

Chốt kiểm dịch chỉ đóng ở các ngả đường, mấu chốt kiểm soát dịch là quản lý tại gốc, tăng lấy mẫu phân tích ở các chợ, vệ sinh tiêu độc. Vừa rồi, Hà Nội đã họp với Chi cục Thú y 16 tỉnh phía Bắc (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn....), để phối hợp thông tin dịch bệnh, vận chuyển gia cầm. Gia cầm không có nguồn gốc, không cho vào thành phố.

Ông NguyỄn Huy Đăng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội


Ông Trần Đức Trung, Phó trạm trưởng kiểm dịch động vật này cho biết, từ đầu năm tới nay, chưa phát hiện trường hợp vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. “Anh em vẫn trực ngày 3 ca theo quy định của thành phố”- ông Trung nói.

Trong khi đó, tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín), nơi có lượng lưu thông hàng chục nghìn con mỗi ngày, số cán bộ kiểm dịch liên ngành tăng lên 4 người/ca. Ông Nguyễn Lê Ngà, cán bộ phụ trách chốt kiểm dịch liên ngành tại Hà Vỹ cho biết, từ đầu năm đến nay vẫn chưa phát hiện lô “gà trọc đầu” nào từ Trung Quốc nhập lậu về.

Theo ông Ngà, từ khi có thông tin dịch cúm H5N1 và nguy cơ virus H7N9 từ Trung Quốc vào nước ta, lượng gia cầm ở Hà Vỹ còn 60-70% so trước đây; hiện chỉ khoảng 15-20 nghìn con gia cầm/ngày.

Ông Ngà cũng cho hay, nguy cơ dịch bệnh từ chợ Hà Vỹ là rất lớn, do nguồn gia cầm tứ xứ đổ về, trong đó có thể có trà trộn gia cầm không có nguồn gốc. “Chúng tôi đã tăng cường lấy 1.000 mẫu/tháng để phân tích, nhưng hiện vẫn chưa có mẫu nào dương tính với virus H7N9”- ông Ngà nói.

Dẹp bớt chốt, lập đội lưu động

Ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Thú y Hà Nội cho biết, thành phố vừa bổ sung 3 chốt kiểm dịch liên ngành ở Xuân Mai (Chương Mỹ), Kim Sơn (Gia Lâm) và Trung Hà (Ba Vì), hoạt động đến 1.5.2014. Như vậy, hiện Hà Nội có 12 chốt liên ngành. Theo ông Đảng, từ đầu năm tới nay, các chốt chưa phát hiện lô gia cầm nào không rõ nguồn gốc.

“Phần lớn các chốt kiểm dịch ở các nút giao thông, cơ sở thiết bị hạn chế, chủ yếu kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, phương tiện vận chuyển, số lượng vận chuyển có đúng hồ sơ không, nên sơ sài là đúng thôi. Nếu họ có giấy tờ, thì phun tiêu độc rồi cho họ đi”- ông Đảng nói.

Ông Đảng cho hay, theo quy định, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, qua chốt phải xuất trình giấy tờ. Tuy nhiên, số phương tiện tự nguyện dừng rất ít, nhiều trường hợp lờ đi, khi cảnh sát giao thông yêu cầu họ mới dừng.

Ông Đảng nói: “Với những người không đủ giấy tờ, đương nhiên họ né chốt. Đường thì hàng trăm ngả, chả biết đường nào mà lần. Chẳng hạn ở Ba La có chốt kiểm dịch, họ sẽ không đi vào đường đó nữa, nên chốt sẽ không có tác dụng”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, tới đây sẽ rút bớt những chốt không hiệu quả, sẽ lập đội liên ngành lưu động.

“Đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí phương tiện, như ô tô bán tải, hoặc mô tô phân khối lớn cho các vị ấy đi. Như thế, những ngõ ngách nào mà các đối tượng hay vận chuyển chui thì có thể kiểm tra, xử lý ngay được, còn ngồi một chỗ sẽ rất khó kiểm soát”- ông Đăng nói.
Tiền Phong (Theo Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem