Tránh bẫy thu nhập trung bình

Thứ tư, ngày 08/12/2010 09:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại Hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) khai mạc tại Hà Nội hôm qua, các đại biểu đã đề cập nhiều đến các cơ hội và thách thức của Việt Nam với vị trí là nước có thu nhập trung bình.
Bình luận 0

Cái bẫy vô hình nhưng nguy hiểm

Điều được các nhà tài trợ và đầu tư nước ngoài công nhận rộng rãi là Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh trong thời gian đầu xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đây cũng là yếu tố rất quan trọng, giúp ngăn chặn những tác động xấu nhất, góp phần duy trì tăng trưởng.

 img
Các nhà đầu tư nước ngoài trao đổi bên lề hội nghị.

Liên Hợp Quốc - một đối tác tài trợ lớn của Việt Nam thừa nhận, Việt Nam đang nỗ lực củng cố địa vị của mình với tư cách là một trong những nền kinh tế hiệu quả nhất khu vực châu Á- Thái Bình Dương, với GDP gần như chắc chắn đạt được trong cả năm 2010 là 7%.

Tuy nhiên, các nhà tài trợ cho rằng, thành công luôn song hành cùng với thử thách. Giám đốc Ngân hàng Thế giới, bà Victoria Kwakwa cho rằng, ở một vị trí mới, Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều cơ hội, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, vì vậy, đây là thời điểm để bàn về chính sách một cách cẩn trọng hơn và các nhà tài trợ nước ngoài muốn nghe câu trả lời rõ ràng từ Chính phủ Việt Nam về chính sách ổn định kinh tế trong thời gian tới.

Ông John Hendra - điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định, những thách thức mới yêu cầu Việt Nam tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và tránh “bẫy” của nước có thu nhập trung bình liên quan đến những mức độ cao hơn trong tăng trưởng và phát triển con người.

Thậm chí, ông Matthias Duhn - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận định, Việt Nam còn có "nguy cơ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tức là tình trạng bất lực, không thoát khỏi mô hình kinh tế dựa trên lao động rẻ và phương pháp sản xuất công nghệ thấp"…

Các nhà tài trợ hiến kế, để tránh cái bẫy này, Việt Nam phải nâng cao năng lực quản trị, cần tạo ra một môi trường cạnh tranh cân bằng và bình đẳng hơn giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; lựa chọn hướng tăng trưởng không phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với các chính sách rộng mở, quan tâm hơn tới người nghèo, tăng cường khả năng chống đỡ của người nghèo với các yếu tố bên ngoài, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.

Vẫn cần nguồn vốn ODA

Bên cạnh việc hiến kế thoát “bẫy” thu nhập thấp, tại hội nghị, đại diện các đối tác phát triển: Liên Hợp Quốc, EU, Nhóm G4 (New Zealand, Thụy Sĩ, Nauy, Canada), ADB, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đóng góp ý kiến cho Việt Nam xung quanh vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường hợp tác công - tư, phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, thực hiện bình đẳng giới... Các nhà tài trợ cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Hội nghị sẽ làm việc hết ngày hôm nay (8-12), với chủ đề thảo luận tiếp theo bảo đảm an sinh xã hội, và tương lai của quan hệ đối tác phát triển khi Việt Nam là nước có thu nhập trung bình. Cam kết ODA mới cho Việt Nam cũng sẽ được công bố tại phiên bế mạc hội nghị chiều nay.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Tuy đã ra khỏi danh sách nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng Việt Nam vẫn là nước nghèo.

Trong thời gian tới, cùng với nguồn lực trong nước, ODA vẫn tiếp tục là nguồn vốn quan trọng đối với Việt Nam với nhu cầu dự kiến cho giai đoạn 2011 - 2015 là hơn 30 tỷ USD. Phó Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ.

Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn ODA. Trong 17 năm qua, các nhà tài trợ đã cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam trên 56 tỷ USD. Nguồn vốn này thực sự là nguồn lực quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường thể chế, phát triển các lĩnh vực xã hội, như y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem