Ngoài kỳ vọng việc làm này sẽ giúp tuyên truyền, quảng bá “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du đến đông đảo công chúng, cũng có những lo ngại việc thực hiện không khéo sẽ làm mất đi giá trị và vẻ đẹp vốn có của tác phẩm này.
Gắn Truyện Kiều với di sản văn hóa - một công đôi việc
Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Bộ VHTTDL đã phê duyệt nội dung “Đề án tuyên truyền, quảng bá tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du” do Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng. Theo đề án này, Bộ đã lựa chọn 10 đơn vị nghệ thuật chuyển soạn, đặt lời các bài hát dựa trên nội dung của “Truyện Kiều” thuộc những loại hình nghệ thuật đặc sắc như: Chèo, cải lương, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, dân ca quan họ, dân ca bài chòi, ca trù, hát văn, hát xẩm, ca Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ.
Thời gian thực hiện đề án bắt đầu từ tháng 12.2015 tới hết tháng 12.2016. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Cục Nghệ thuật biểu diễn, được Bộ VHTTDL phê duyệt. Bộ cũng sẽ thành lập Hội đồng nghệ thuật để tham mưu, tư vấn nâng cao chất lượng nghệ thuật và thẩm định tất cả các chương trình, tác phẩm, tiết mục trước khi biểu diễn, phổ biến.
Một cảnh trong vở kịch hình thể “Nguyễn Du và Kiều” do NSND Lan Hương viết kịch bản, đạo diễn. Ảnh: T.L
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, đề án sẽ góp phần đưa “Truyện Kiều” đến gần hơn với công chúng khi được chuyển thể thành các làn điệu dân ca, các hoạt động diễn xướng dân gian. Đây cũng là lần đầu tiên kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức thể hiện với những góc nhìn mới. Đặc biệt, việc gắn “Truyện Kiều” với các loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại như chèo, quan họ, ca trù… vừa giúp quảng bá “Truyện Kiều” vừa góp phần vào việc bảo tồn các di sản.
Hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn đang tiến hành xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí thực hiện. “Tuy đang trong giai đoạn xây dựng, nhưng chúng tôi nghĩ đề án cũng không quá tốn kém, vì thực hiện trên nền tảng có sẵn, từ lời thơ đến nhạc sĩ chuyển thể” - ông Nguyễn Thu Đông - Trưởng phòng Quản lý băng đĩa (Cục Nghệ thuật biểu diễn), cho biết.
Liệu có khả thi?
Việc chuyển thể “Truyện Kiều” sang các loại hình nghệ thuật biểu diễn đã từng được thực hiện, với các trích đoạn cải lương “Hoạn Thư đánh ghen”, “Kim Trọng - Thúy Kiều gặp nhau trong tiết Thanh Minh”..., hay gần đây là vở kịch hình thể “Nguyễn Du và Kiều” của NSND Lan Hương, vở opera ballet “Định mệnh bất chợt” chuyển thể từ “Truyện Kiều” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. Tuy vậy, xung quanh những dự án này vẫn có tranh cãi, người khen kẻ chê. Nhất là việc nàng Kiều được “thổi” lên quá mức, được chuyển sang một dạng khác mà người xem không thấy được con người “cơ bản” như họ vẫn thấy, vẫn hình dung về nàng Kiều.
Chia sẻ với PV, NSƯT Thanh Ngoan - GĐ Nhà hát Chèo Việt Nam - đơn vị được đặt hàng chuyển thể 10 bài hát theo làn điệu chèo từ “Truyện Kiều” - cho biết: “Chúng tôi từng xin được dựng cả vở “Truyện Kiều” chứ không dừng lại ở trích đoạn, nhưng chưa được phê duyệt. Nay Bộ VHTTDL có ý chủ trì thực hiện đề án chuyển thể, nếu được giao thì tôi thấy việc này không quá khó khăn và đề án rất hay, nên làm để đưa “Truyện Kiều” đến gần hơn với công chúng”.
Khác với NSƯT Thanh Ngoan, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long lại tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của đề án. Ông cho rằng hiện nay không phải người trẻ nào cũng yêu thích các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, nên việc mượn loại hình này để lớp trẻ hiểu thêm về giá trị của “Truyện Kiều” sẽ rất khó khăn, trừ khi phải thực hiện thật khéo và hấp dẫn.
Cũng bày tỏ quan điểm về tính khả thi của đề án, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo - Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam - cho rằng, nếu những người thực hiện chuyển thể chắc chắn làm được hay hơn, hấp dẫn hơn thì hãy làm, chứ ngược lại thì không nên.
“Đề án rất hay và mục tiêu rất đúng, quảng bá “Truyện Kiều” để mỗi người dân đều được thưởng thức. Nhưng liệu làm có hay được như lúc nói không, sợ nhất là làm dở hơn, nếu như vậy thì rất lãng phí tiền của Nhà nước. Các nghệ sĩ thường có xu hướng bay bổng, sáng tạo quá đà, mà lại ít tham khảo ý kiến của giới chuyên môn.
Khi chuyển thể một tác phẩm văn học sang kịch bản sân khấu thông thường hiệu quả không cao lắm, vì người đọc đã cảm thụ tác phẩm văn học rồi. Nên muốn làm hay thì lãnh đạo Bộ VHTTDL phải chọn những người vừa có tay nghề về bộ môn được chuyển thể, vừa phải hiểu hết cái hay, cái sâu sắc, giá trị, tư tưởng, tình cảm của “Truyện Kiều”. Mà muốn chuyển thể được hay thì rất cần sự kết hợp giữa các nhà chuyên môn về chèo, cải lương... với những chuyên gia về Kiều, để hiểu hết từng câu, từng lời “châu ngọc gấm huê” của đại thi hào Nguyễn Du” - nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo chia sẻ.
Đặng Chung (Báo Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.