Tranh cãi về việc thu hồi bằng tiến sĩ "giấy" của linh mục ấu dâm
Tranh cãi về việc thu hồi bằng tiến sĩ của linh mục suy đồi đạo đức
Trọng Hà (Theo Cascade)
Chủ nhật, ngày 15/12/2024 06:37 AM (GMT+7)
Patrick O’Donnell, một cựu linh mục, từng thừa nhận lạm dụng ít nhất 30 trẻ em, trong đó sáu nạn nhân đến từ Trường St. Paul tại Seattle, Mỹ, nơi ông sử dụng vai trò nghiên cứu sinh để tiếp cận các học sinh.
Patrick O’Donnell, một cựu linh mục và nhà nghiên cứu từng được xem là biểu tượng trí thức, hiện đang đối mặt với những tranh cãi kéo dài về việc có nên thu hồi bằng tiến sĩ của ông ta hay không. Được biết, trong suốt những năm 1970 và 1980, O’Donnell đã lạm dụng hơn 65 trẻ em, gây chấn động dư luận và làm tổn hại uy tín của Giáo phận Spokane. Ông từng thừa nhận lạm dụng ít nhất 30 trẻ em, trong đó sáu nạn nhân đến từ Trường St. Paul tại Seattle, nơi ông sử dụng vai trò nghiên cứu sinh để tiếp cận các em học sinh.
O’Donnell đã nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Washington (UW) vào năm 1978 với luận án mang tên “Evoking Trustworthy Behavior of Children and Adults in a Prisoner’s Dilemma Game” (tạm dịch: Khơi gợi hành vi đáng tin cậy của trẻ em và người lớn trong trò chơi Tiến thoái lưỡng nan của tù nhân - một trò chơi nghiên cứu về sự hợp tác giữa những người trong cuộc, được đưa ra lần đầu bởi nhà toán học người Mỹ Albert W. Tucker). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nghiên cứu của ông không chỉ vi phạm đạo đức mà còn có liên quan trực tiếp đến hành vi lạm dụng tình dục trẻ em.
Tranh cãi về việc thu hồi bằng tiến sĩ của linh mục suy đồi đạo đức
Các nhà hoạt động, bao gồm giáo sư Dan O’Leary của Trường Cao đẳng Pomona, đã nỗ lực từ năm 2018 nhằm thuyết phục UW thu hồi bằng tiến sĩ của O’Donnell. Tuy nhiên, UW tuyên bố không thể tìm thấy đủ bằng chứng cho thấy O’Donnell gian lận hoặc vi phạm trong quá trình nghiên cứu học thuật để đáp ứng tiêu chuẩn thu hồi bằng cấp.
Quyết định liệu có nên thu hồi bằng tiến sĩ của O’Donnell đã tạo ra một cuộc tranh luận lớn về việc liệu có thể tách biệt giữa nghiên cứu học thuật và đạo đức cá nhân hay không. Một số ý kiến cho rằng bằng tiến sĩ chỉ phản ánh khả năng học thuật, không phải nhân cách. Giáo sư Paul Appelbaum, một chuyên gia về đạo đức y khoa, cho rằng thu hồi bằng tiến sĩ của O’Donnell có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm, làm xói mòn nguyên tắc khách quan trong giáo dục đại học.
Tuy nhiên, các nạn nhân và các nhà hoạt động, như bà Mary Dispenza từ Mạng lưới những người sống sót bị linh mục lạm dụng tại Seattle, khẳng định rằng việc thu hồi bằng cấp là biểu tượng quan trọng của công lý, dù hành vi phạm tội đã diễn ra hàng chục năm trước. Bà Dispenza nhấn mạnh: "Nếu có thể sửa sai, hãy làm điều đó, bất kể thời gian đã trôi qua".
Trong khi đó, giáo sư O’Leary tiếp tục tìm kiếm bằng chứng để củng cố lý lẽ rằng O’Donnell không xứng đáng giữ danh hiệu tiến sĩ. Ông đã phát hiện nhiều đoạn trong luận án tiến sĩ của O’Donnell sao chép nguyên văn từ luận án thạc sĩ trước đó tại Đại học Gonzaga mà không trích dẫn. Theo quy định hiện nay của UW, hành vi này được coi là tự đạo văn và có thể đủ điều kiện để thu hồi bằng cấp.
Trên thực tế, việc thu hồi bằng cấp học thuật là vô cùng hiếm hoi và thường chỉ áp dụng cho các trường hợp gian lận hoặc vi phạm học thuật nghiêm trọng. Một số tiền lệ trong quá khứ, như Đại học Virginia thu hồi bằng do hành vi tham nhũng hoặc MIT thu hồi bằng của một sinh viên liên quan đến cái chết do rượu, đều dựa trên các hành vi vi phạm đạo đức liên quan đến học thuật hoặc sinh viên. Tuy nhiên, việc liên kết hành vi phạm tội ngoài xã hội với nghiên cứu học thuật vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Đại học Washington, trong nỗ lực xác minh các cáo buộc, đã điều tra liệu nghiên cứu của O’Donnell có liên quan đến hành vi lạm dụng hay không. Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng cho thấy các em học sinh tham gia thí nghiệm trong luận án tiến sĩ của ông bị lạm dụng trực tiếp. Ngay cả các nạn nhân như Jim Biteman, người từng bị O’Donnell lạm dụng dưới danh nghĩa "nghiên cứu", cũng không thể chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa hành vi này và luận án của ông.
Điều đáng nói, luận án tiến sĩ của O’Donnell nghiên cứu về lòng tin giữa trẻ em và người lớn, một chủ đề bị xem là "mỉa mai bi thảm" khi so sánh với hành vi của ông. Nhiều nhà hoạt động cho rằng UW cần thể hiện lập trường mạnh mẽ, không chỉ để bảo vệ uy tín học thuật mà còn gửi đi thông điệp rõ ràng về trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục.
Tranh cãi xung quanh bằng tiến sĩ của Patrick O’Donnell phản ánh một vấn đề phức tạp trong giáo dục đại học: liệu bằng cấp học thuật có nên phản ánh đạo đức cá nhân của người nhận? Mặc dù các nạn nhân và nhà hoạt động tiếp tục kêu gọi thu hồi bằng cấp của O’Donnell, Đại học Washington vẫn duy trì lập trường thận trọng, nhấn mạnh rằng mọi quyết định cần dựa trên bằng chứng xác thực về vi phạm học thuật.
Tuy nhiên, những phát hiện mới về việc tự đạo văn trong luận án của O’Donnell có thể mang lại bước ngoặt trong vụ việc. Nếu chứng minh được rằng O’Donnell đã gian lận học thuật, UW sẽ có lý do chính đáng để thu hồi bằng tiến sĩ của ông, đồng thời bảo vệ giá trị và uy tín của học thuật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.