Tranh luận về hôn nhân đồng tính: Lo ngại khoét thêm định kiến

Thứ tư, ngày 18/09/2013 08:36 AM (GMT+7)
Đây là nhận định của nhiều đại biểu trong buổi thảo luận lấy ý kiến cộng đồng người đồng tính về Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Bình luận 0
Hội thảo do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức ngày 17.9 tại Hà Nội.

1 trong 70 quyền


Một trong những tiến bộ vượt bậc mà nhiều nhà hành pháp VN khẳng định “rất tiến bộ” là bỏ quy định “cấm kết hôn đồng giới”, đồng thời bổ sung Điều 17d vào dự thảo luật sửa đổi. Điều này quy định: Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Quan hệ tài sản khi người đồng tính chung sống như vợ chồng được giải quyết như đối với điều quy định cho nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Các đại biểu thảo luận ngày 17.9.
Các đại biểu thảo luận ngày 17.9.

TS Lê Quang Bình – Viện trưởng iSEE cho biết, nhìn qua thì cảm thấy sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình khá tiến bộ, đã cởi mở hơn với người đồng tính, tuy nhiên về bản chất vẫn không thay đổi vấn đề, vì vừa mở đã... chặn.

Phân tích về các sửa đổi trong Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, TS Bùi Minh Hồng– thành viên ban sửa đổi luật của Bộ Tư pháp khẳng định: “Dự thảo sửa đổi không thay đổi định nghĩa “kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Điều đó đồng nghĩa với việc không công nhận mối quan hệ hôn nhân giữa 2 người đồng tính, không thừa nhận việc chung sống giữa 2 người đồng tính là quan hệ vợ chồng”.

TS Hồng cũng phân tích, sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình với mục tiêu tôn trọng quyền chung sống của những người đồng tính, nếu như giữa hai người có tổ chức đám cưới thì chính quyền cũng không được phép can thiệp thô bạo về mặt hành chính (xử phạt) như trước kia.

Theo so sánh của iSEE, Luật Hôn nhân và Gia đình cho dù có sửa đổi thì người đồng tính cũng chỉ có 1 trong 70 quyền so với người dị tính (quyền xác định cha mẹ và con). “Chúng em đều là công dân Việt Nam, có đóng góp xã hội, tại sao lại chỉ được hưởng 1 quyền trong 70 quyền về hôn nhân và gia đình?”- một người đồng tính nữ tham gia hội thảo bức xúc.

Chỉ giải quyết “tan vỡ”

Anh Trần Khắc Tùng – Giám đốc nhóm chia sẻ và kết nối ICS cho biết: “Không công nhận hôn nhân đồng tính nhưng lại quy định thêm về quyền phân chia tài sản, quyền thừa kế cho những cặp đồng tính chung sống như vợ chồng, tôi cảm giác như sửa đổi luật chỉ chờ người đồng tính chia tay để giải quyết hậu quả mà thôi”.

Theo TS Lê Quang Bình: “Việc coi các cặp đồng tính chung sống như vợ chồng như các cặp nam–nữ chung sống không kết hôn khác giúp người đồng tính không cảm thấy bị phân biệt đối xử, không bị khoét sâu thêm định kiến về sự khác biệt”.


Anh Tùng có 2 người bạn nam chung sống với nhau. Có lần, người yêu của anh ấy bị tai nạn giao thông, cần phải mổ gấp, bệnh viện yêu cầu người nhà ký cam kết mổ, gia đình người yêu đã mất liên lạc từ lâu, nhưng anh không được quyền ký. Khi ra ngân hàng rút tiền từ tài khoản của người yêu, anh cũng không được quyền vì không có giấy ủy quyền. Người yêu của anh đã suýt mất mạng vì sự chờ đợi vô lý như vậy...

Trả lời về nỗi bức xúc này, TS Hồng cho biết, theo luật pháp hiện nay chỉ có những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống mới được đại diện ký kết vào những văn bản có bảo hộ, chịu trách nhiệm. Vì thế, khi đã xác định sống chung, người đồng tính nên chuẩn bị các thỏa thuận, xác định về trách nhiệm “làm thay” khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Nhưng luật cũng chưa có quy định cụ thể nên đối với mỗi vấn đề, người đồng tính lại phải có một giấy ủy quyền riêng như quyền ký giấy đi viện, quyền ký giấy tờ liên quan ngân hàng, tài sản… “Như vậy, đi đến đâu, chúng tôi cũng phải khư khư hàng đống giấy tờ; đồng thời luôn cảm thấy đời sống tình cảm của mình không chính danh, phải lén lút, gượng gạo”– anh Trần Khắc Tùng bày tỏ.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem