Tại buổi lễ, ông Jeffrey S. Goss, Phó hiệu trưởng Đại học bang Arizona – Giám đốc chương trình HEEAP, cho biết: “Với nhu cầu về nhân lực cho nền công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ có nhiều nữ giới tham gia vào lực lượng lao động có trình độ và tay nghề trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật”.
Bà Hồ Uyên - Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Việt Nam & Malaysia chia sẻ thêm rằng: “Phát triển cơ hội giáo dục cho trẻ em gái và nâng cao năng lực phụ nữ là một trong những trọng tâm phát triển giáo dục và trách nhiệm xã hội của Intel. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Intel trao học bổng cho các nữ sinh ngành kỹ thuật với mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội cho các nữ sinh phát huy năng lực của mình trong lĩnh vực mà các em mạnh dạn lựa chọn. Đây cũng là năm cuối cùng của chương trình học bổng này.”
Chương trình học bổng Nữ sinh Kỹ thuật là chương trình học bổng thường niên được triển khai trong khuôn khổ chương trình HEEAP bắt đầu từ năm 2012 đến năm 2017. Từ khi chương trình được thành lập tới nay đã trao 654 suất học bổng đến các nữ sinh ngành kỹ thuật trong địa bàn TP. HCM và các tỉnh lân cận. Với giá trị tiền mặt là 6,5 triệu đồng/suất, tổng giá trị học bổng sau 6 năm là hơn 4,25 tỷ đồng.
Đây là chương trình được HEEAP phát động dành cho Nữ sinh tiêu biểu 2017 với đối tượng là tất cả các nữ sinh. Các nữ sinh tham dự cuộc thi gửi câu chuyện của mình về học bổng này có ảnh hưởng thế nào tới việc học tập và nghề nghiệp của mình.
Ban tổ chức đã lựa chọn và trao thưởng cho 3 nữ sinh vì câu chuyện của họ đã tạo cảm hứng tốt cho nhiều người. Giải thưởng của cuộc thi cho top 3 là 3 máy quay GoPro HERO Session.
Chương trình HEEAP được khởi xướng từ năm 2010, bao gồm các đối tác ban đầu là Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tập đoàn Intel và Đại học Bang Arizona (ASU), tập trung vào việc phát triển giảng viên trong ngành kỹ thuật, với mục tiêu cung cấp đội ngũ sinh viên tốt nghiệp chất lượng cao và sẵn sàng làm việc để hỗ trợ tính cạnh tranh trong các ngành công nghệ cao của Việt Nam.
Đến nay, HEEAP đã mở rộng phạm vi và quy mô không chỉ bao gồm ngành kỹ thuật mà bao gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM); và không chỉ tập trung phát triển giảng viên mà còn bao gồm đổi mới chương trình giảng dạy, phát triển năng lực lãnh đạo, kiểm định chất lượng và tăng cường liên kết giữa khối doanh nghiệp và sinh viên. Thành viên của liên minh HEEAP cũng mở rộng ra, gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Khu Công nghệ Cao TP.HCM, Tập đoàn Siemens, Tập đoàn Danaher, Tập đoàn Cadence, Tập đoàn National Instruments và Tập đoàn Pearson.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.