Trao nguồn lực cho IMF để chống khủng hoảng

Thứ hai, ngày 18/06/2012 07:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm nay (18.6), Hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) sẽ khai mạc tại Mexico, với hy vọng sẽ giải được bài toán suy thoái đang đe dọa nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu.
Bình luận 0

Trong lúc cả thế giới đang trông đợi các nhà lãnh đạo có giải pháp đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi những mối đe dọa của một cuộc khủng hoảng tồi tệ, sự chia rẽ và những căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tỏ ra không sẵn sàng và kiên quyết đối với các vấn đề liên quan đến Khu vực đồng euro (Eurozone).

img
Cảnh sát giữ an ninh cho Hội nghị G-20.

Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng vậy. Tất nhiên, vấn đề lớn nhất đó là cuộc khủng hoảng tài chính trong Eurozone đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế thế giới, mà hiện tại chưa có bất kỳ dấu hiệu lắng dịu nào.

Theo ông Andrew Kenningham - chuyên gia thuộc nhóm phân tích kinh tế toàn cầu tại London, có 3 vấn đề mà Hội nghị G-20 có thể làm: Một là tăng cường tiềm lực cho IMF (trong đó phần lớn quốc gia đã thống nhất, ngoại trừ Canada). Hai là thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế phối hợp. Và ba là thuyết phục Đức ủng hộ đề xuất phát hành trái phiếu chung trong khu vực hay thành lập một liên minh ngân hàng.

Ông Kenningham nói: "Ngoài việc xác định tăng cường tiềm lực đáng kể cho IMF - vấn đề đã được thống nhất từ hồi đầu năm nay, tôi nghi ngờ rằng cuộc họp sẽ không đạt được kết quả trên các vấn đề khác".

Đến nay, các nước đã đồng ý đóng góp trên 430 tỷ USD cho IMF và Canada là quốc gia ngoài cuộc. Cùng với quỹ cứu trợ tài chính của châu Âu, tổng giá trị cho vay sẽ lên đến trên 1.000 tỷ USD. Ông Kenningham nói: "Số tiền này sẽ đảm bảo đầy đủ cho một khoản nợ có chủ quyền của Tây Ban Nha hoặc Italia, bởi hai nước này chỉ cần tương ứng khoảng 500 tỷ euro và 700 tỷ euro.

Tuy vậy, nếu IMF sẵn sàng gánh thêm gánh nặng lớn hơn các gói cứu trợ trước đó thì sẽ đủ cho việc cứu trợ cùng một lúc đối với cả Tây Ban Nha và Italia. Điều này cũng cho thấy một thực tế rõ ràng rằng cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro sẽ không thể được giải quyết bằng các khoản cứu trợ riêng lẻ. Nhưng để có một số tiền lớn là một thách thức". Theo ông Kenningham, có rất ít những hy vọng về việc phối hợp hành động của các ngân hàng trung ương lớn.

Không một chuyên gia phân tích nào đặt hy vọng vào việc Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ nhượng bộ trước các nhà lãnh đạo G-20 để đưa ra quyết định cương quyết hơn đối với cuộc khủng hoảng. Chuyên gia phân tích cao cấp Michael Hewson của CMC Markets nói: "Bà Angela Merkel đã phản ứng trước những chỉ trích của các đối tác châu Âu và G-20 khi nói rằng không thể đẩy trách nhiệm giải quyết các vấn đề ở châu Âu cho một mình Đức. Điều này cho thấy bà vẫn giữ lập trường cứng rắn của mình".

Trong khi đó, Tổng thống Mexico Felipe Calderon - người chủ trì Hội nghị G-20, cũng khẳng định các nền kinh tế lớn nhất thế giới phải cam kết đảm bảo một châu Âu vững mạnh và mở hầu bao của họ để tăng cường khả năng của IMF trong việc ngăn chặn tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem