|
Vận chuyển bò về trạm cách ly ở xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình. (Ảnh chụp ngày 9-8) |
Những trạm cách ly đối phó
Cửa khẩu Cha Lo những ngày này vẫn nhộn nhịp, bởi ngoài một lượng lớn các mặt hàng truyền thống như trái cây, thạch cao, gỗ, còn có thêm một mặt hàng khá đặc biệt nữa được nhập khẩu qua đây, đó là trâu, bò với số lượng mỗi tháng lên tới khoảng 2.000 con.
Dẫn chúng tôi đi khảo sát cửa khẩu là một tay buôn bò chuyên nghiệp người Nghệ An. Vừa dẫn đường, tay buôn bò này vừa liến thoắng: Nếu các ông muốn mua bò sống về để giết thịt phải lên đây, bao nhiêu cũng có. Ở đây "làm" (kiểm dịch) dễ lắm, không "rát" như ở Lao Bảo (Quảng Trị) đâu.
Qua lời giới thiệu của tay lái bò này, chúng tôi được biết, do lượng trâu, bò được "dồn" từ hai cửa khẩu Lao Bảo và Cầu Treo (Hà Tĩnh) về Cha Lo ngày một nhiều, từ cuối 2009, nên tại đây đã hình thành 3 trạm cách ly để trâu, bò "quá cảnh" trong thời gian đợi kết quả kiểm dịch (trong đó 1 trạm hiện không hoạt động). Các khu cách ly này cách cửa khẩu Cha Lo chừng 5km, nằm trên bản Cha Lo, xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá. Thế nhưng, trên thực tế các trạm cách ly này "có như không".
Trong vai chủ lò mổ trâu, bò ở Nghi Phú (Vinh, Nghệ An) đi lùng sục nguồn "hàng", chúng tôi đã dễ dàng tiếp cận được với trạm cách ly trâu, bò của Công ty TNHH Bắc Nghĩa (trụ sở tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình). Trạm cách ly này có 3 khu được xây dựng khá tạm bợ, ngoài cổng có đề chữ "không phận sự miễn vào", song trên thực tế chúng tôi vẫn ra vào dễ dàng. Cả trạm cách ly hiện chỉ còn… 3 con bò đang được nuôi nhốt tại đây.
Trong lúc chúng tôi làm việc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo, ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Bắc Nghĩa đã cùng một nhân viên đi xe máy lên tìm chúng tôi. Ông Tâm và nhân viên này đã vặn hỏi và yêu cầu phải xoá toàn bộ ảnh mà chúng tôi vừa chụp ở trạm cách ly của công ty này.
Tiếp chuyện chúng tôi là ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc công ty. "Bọn em đang muốn lấy khoảng 10 con bò về, dạo này hàng trong nước khan hiếm quá, bác có thể nhập về cho em ngay được không?" - chúng tôi hỏi. "Giờ thì hàng không có, nhưng nếu cần các anh phải đợi mấy hôm nữa, mà đã lấy là mỗi lô hàng tôi phải xuất 20 con, chứ không bán lẻ. Các anh rủ thêm vài người nữa mua chung cho đủ xe" - ông Tâm đáp. "Nhưng còn giấy kiểm dịch thế nào, nghe nói khi nhập về phải đợi 15 ngày sau mới xuất được hàng?". "Yên tâm, các chú thích lấy hàng lúc nào cũng được, làm gì có chuyện 15 ngày, cùng lắm là 5-7 ngày, chậm nhất là 10 ngày thôi" - ông Tâm khẳng định.
Rời trạm cách ly của Công ty Bắc Nghĩa, chúng tôi sang một trạm cách ly khác ở cách đó không xa. Trạm này không đề tên công ty, nhưng nhốt nhiều bò hơn trạm của Bắc Nghĩa. Một chị gác cổng tưởng chúng tôi là khách mua hàng, dẫn vào giới thiệu: "Hôm nay, các anh đến vào đúng hôm không có bò về rồi, chứ phải hôm bò về đông, tha hồ mà chọn".
Chị này cho hay, bò ở đây nhập về là xuất đi ngay. Thường thì sau khi qua được trên cửa khẩu, bò sẽ được tập kết tại trại này, rồi chuyển lên xe mới để chở về dưới xuôi bán luôn, chỉ có một vài con do nhỏ yếu khách chê thì giữ lại đợi bán chuyến sau. Trạm cách ly này có 3 khu chuồng khá rộng, có thể tới vài trăm con trâu, bò, nhưng cũng được xây dựng khá tuềnh toàng, nước thải, phân bò xả bừa bãi xung quanh các chuồng nuôi. Khi chúng tôi ghé vào (ngày 9-8), chỉ còn 2 chuồng có bò với chừng hơn 20 con, trong đó có rất nhiều con không được kẹp thẻ tai (thủ tục bắt buộc trước khi thông quan).
|
Rất nhiều bò không được kẹp thẻ tai vẫn thông quan và đưa về trạm nuôi cách ly. |
Trâu, bò dễ dàng lọt "lưới" kiểm dịch
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn trâu, bò được nhập về qua cửa khẩu Cha Lo chủ yếu là từ Thái Lan. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam sang Thái Lan mua bò, rồi gom về một mối sau đó đưa sang Việt Namqua Lào. Trâu, bò sau khi "quá cảnh" ở Lào sẽ lập tức được vận chuyển bằng những chuyến xe ôtô mang biển số Lào về Cha Lo.
Để đưa trâu, bò vào được Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu phải mở tờ khai hải quan cho từng lô hàng, đồng thời Trạm kiểm dịch của Cơ quan Thú y vùng III (trụ sở tại Vinh, Nghệ An) sẽ kiểm tra lô hàng, lấy mẫu máu xét nghiệm, rồi kẹp thẻ tai.
Phần lớn số trâu, bò được nhập về qua cửa khẩu Cha Lo đều không thực hiện đúng quy trình kiểm dịch, thời gian nuôi dưỡng cách ly theo điều 14, Nghị định 40/CP ngày 24-4-2009 của Chính phủ về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y". Đa số các chủ hàng đều không chấp hành hoặc chấp hành nhưng chưa đủ thời hạn theo dõi cách ly kiểm dịch đã đưa ra sử dụng, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu. Lỗi này có mức xử phạt từ 15-20 triệu đồng/lần vi phạm.
Ông Hoàng Kim Đồng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo cho biết: "Sau khi Cơ quan thú y vùng III cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu, chúng tôi mới đóng dấu thông quan để đưa trâu, bò về khu cách ly. Còn việc kiểm soát tiêu thụ trâu, bò từ khu cách ly vào nội địa là của cơ quan thú y". Thế nhưng, như chúng tôi đã đề cập ở trên, tại một khu cách ly có rất nhiều con bò không được kẹp thẻ tai.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo, trong thời gian nửa tháng (từ 26-7 đến 9-8), đã có hơn 1.100 con trâu, bò các loại đã được thông quan, đưa về các khu cách ly để chờ kết quả kiểm dịch. Tuy nhiên, tại thời điểm mà chúng tôi ghi nhận (ngày 9-8, tức chưa hết thời gian cách ly theo quy định), tại 2 trạm cách ly chỉ còn chừng 24-25 con bò. Điều đó, có nghĩa là đã có hơn 1.000 con bò chưa được kiểm dịch đã "lọt" sâu vào nội địa nước ta. Đây là điều vô cùng nguy hiểm, vì phần lớn số trâu, bò này đều dùng để giết mổ bán thịt tại các tỉnh như Hải Dương, Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh...
Theo tiết lộ của một doanh nghiệp cũng từng nhập khẩu trâu, bò về qua cửa khẩu Cha Lo, có trường hợp trâu, bò nhập về buổi sáng, buổi chiều đã được cấp giấy kiểm dịch cho đi ngay. Bản thân công ty cũng đã được cấp kiểu này, như ngày 17-7 nhập trâu, bò về, đến 19-7 đã được cấp chứng nhận kiểm dịch cho đi. Các doanh nghiệp không muốn trâu bò "lưu" lại lâu do nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn, cộng với việc nếu để trâu, bò lại lâu sẽ phải tốn thêm tiền thức ăn, chưa kể trong thời gian đó trâu, bò sẽ bị hao thịt.
Theo tiết lộ của một doanh nghiệp, việc buôn trâu, bò từ Thái Lan đem lại nguồn thu siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp, trung bình mỗi con trâu (bò) mua tại Thái Lan có giá không đến 10 triệu đồng, song khi nhập về Việt Nam bán, mỗi con có giá từ 15-20 triệu đồng. Vì lý do đó, gần đây tại khu vực này đã xảy ra tình trạng giành giật địa bàn hoạt động, khiến tình hình càng trở nên phức tạp.
(Còn nữa)
Lê Hân - Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.