Tờ Telegraph (Anh) mới công bố bản đồ chiều cao dựa trên số liệu của Average Height - tổ chức lưu trữ dữ liệu về chiều cao trung bình của hầu hết các quốc gia.
Theo đó, chiều cao trung bình nam giới Việt Nam (1,621m) thấp thứ tư thế giới - chỉ hơn Philippines, Bolivia và nước “đội sổ” là Indonesia. Phụ nữ Việt Nam cao trung bình 1,522m, đứng thứ bảy trong danh sách lùn nhất.
Theo số liệu mà ngành y tế Việt Nam công bố, hiện chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7cm - thấp hơn 13,1cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, nữ là 153cm - thấp hơn chuẩn 10,7cm.
Theo PGS-TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), chiều cao trung bình của người Việt Nam thậm chí kém tới 8cm so với trung bình khu vực.
Em bé người Việt trong ảnh (trái) chỉ ít hơn người bạn Pháp của mình 1 tuổi, nhưng thấp hơn đến gần 40cm. Ảnh: Loan Lê
Người Việt lùn không phải do gene
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, chiều cao của người Việt hiện nay chênh lệch đến như vậy so với các nước không phải do di truyền. Bằng chứng là một nhóm nhà khoa học Pháp khi nghiên cứu một quần thể dân cư có cha mẹ gốc Việt, nhưng sinh trưởng ở châu Âu đã nhận thấy rằng chiều cao trung bình của họ tương đương với người gốc Pháp.
Đâu là nguyên nhân khiến người Việt thấp như vậy? Các sai lầm về dinh dưỡng là điều dễ nhận thấy nhất. Theo TS Phạm Thị Thúy Hòa - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, sai lầm này diễn ra ngay ở giai đoạn vàng thứ hai về phát triển chiều cao (2 năm đầu đời). Chỉ 20% trẻ em được bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, trong khi sữa mẹ là nguồn canxi dễ hấp thu, giúp đạt chiều cao tối đa.
Tuy việc người Việt chưa có thói quen uống sữa được cho là điểm yếu về cung cấp canxi nhưng theo bà Hòa, người Việt không thiếu nguồn cung canxi mà do chính chế độ ăn bất hợp lý khiến chất này không được hấp thu hiệu quả: Trẻ em ăn không đủ dầu mỡ - chất hòa tan vitamin D, ăn quá nhiều đạm khiến một phần canxi trong cơ thể bị đẩy ra ngoài khi chuyển hóa… Đó là chưa kể trẻ em Việt rất hay mắc các bệnh nhiễm trùng nên không có cơ hội hấp thu dinh dưỡng tốt để cao lớn.
Bản đồ chiều cao trung bình nữ giới của các nước do Telegraph công bố (màu trắng thể hiện quốc gia chưa có số liệu). Chiều cao trung bình của nữ giới Việt Nam là 1,522m.
ThS-BS Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng - cho biết, người Việt không còn thiếu ăn nhưng chiều cao vẫn xếp hàng chót do thiếu vi chất, đặc biệt là kẽm, canxi, vitamin D, sắt… “Học sinh tiểu học của chúng ta đang thiếu tới 50% vi chất dinh dưỡng. Khẩu phần ăn hằng ngày của người Việt - cả trẻ em và người lớn - mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu canxi”.
2/3 nguyên nhân ngoài dinh dưỡng
Theo ThS Hải, trong các yếu tố quyết định chiều cao, vai trò của dinh dưỡng chỉ chiếm 32%, di truyền chiếm 23%, vận động và các thói quen sinh hoạt (giấc ngủ) chiếm hơn 40%. Có một thực tế dễ nhận thấy là người Việt rất ít vận động thể lực - hoạt động kích thích tiết hormone tăng trưởng.
Chương trình giáo dục chỉ chú trọng bồi dưỡng kiến thức, một số trường thậm chí còn không có chỗ để trẻ chạy nhảy. Về nhà, trẻ phải học thêm hoặc mài giũa bài vở, thời gian còn lại được xem tivi, chơi điện tử cho xả stress. Trẻ bước chân ra khỏi nhà đã có xe đưa đón. Tóm lại, học sinh Việt Nam có rất ít cơ hội cho cơ xương khớp rèn luyện.
“Một nguyên nhân quan trọng khiến trẻ em Việt Nam thấp lùn chính là áp lực học hành” - BS Hải nói. “Chính vì phải học quá nhiều nên trẻ không có được chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp với quy luật sinh lý. Trẻ học khuya, ngủ ít và muộn. Trong khi đó, hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 10-12 giờ đêm khi trẻ đang ngủ say”.
Làm thế nào để người Việt cao hơn?
“Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” hướng tới mục tiêu “tầm vóc người Việt Nam được cải thiện rõ rệt” đến năm 2030. Mục tiêu này được đặt ra một cách cụ thể hơn trong “Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2010-2030”: Tăng 3cm chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam trong 9 năm; 55% số trường phổ thông có câu lạc bộ thể thao, có đủ giáo viên và cơ sở vật chất để học sinh tập chơi các môn thể thao nội - ngoại khóa... vào năm 2020.
Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí nên đề án này chỉ mới triển khai ở bước nghiên cứu những yếu tố tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt, trẻ em mỗi vùng thiếu những chất gì để phát triển chiều cao. Đến lúc này, ý nghĩa lớn nhất của đề án - theo PGS Hòa - là “đánh động để mọi người có ý thức tham gia vào việc nâng tầm vóc người Việt”; còn việc thực hiện các giải pháp cụ thể tăng chiều cao phải đưa về quy mô gia đình.
PGS-TS Hòa khuyến cáo, cần tận dụng 3 giai đoạn vàng phát triển chiều cao: Thời kỳ bào thai (nhất là từ tháng thứ tư), 2 năm đầu đời và thời kỳ tiền dậy thì (9-10 tuổi với bé gái và 11-12 tuổi với bé trai). Muốn cao, không phải chỉ bổ sung canxi mà cần cung cấp đủ cả vitamin A, D3, kẽm, sắt, axít folic. Bởi tăng trưởng không chỉ liên quan đến ăn uống, cha mẹ cần thiết lập chế độ vận động, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý cho con. Trẻ cần hoạt động thể lực đủ lượng và chất, ngủ đủ và đúng với đồng hồ sinh học.
Bà Thúy Hòa nhấn mạnh: “Đừng cho rằng chỉ trẻ em đang tuổi ăn tuổi lớn mới cần áp dụng các phương pháp hỗ trợ chiều cao. Người đã hết tuổi cao cũng cần có chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý để tạo cơ sở tốt nhất cho thế hệ sau phát triển chiều cao tối đa”.
Hòa An (Khoa học & Phát triển)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.