Trẻ em vui chơi dịp Trung thu: Nhiều tai nạn rình rập

Thứ ba, ngày 27/08/2013 13:12 PM (GMT+7)
Tết Trung thu là dịp để trẻ nhỏ được vui chơi thoả thích. Nhưng, vì thiếu hiểu biết cộng thêm sự bất cẩn từ gia đình, trẻ có nguy cơ gặp phải những tai nạn đáng tiếc.
Bình luận 0
Hoạ từ trò chơi múa lân

Dù còn khá xa mới tới Tết Trung thu nhưng tại nhiều vùng quê, không khí “trông trăng, phá cỗ” đã rộn ràng. Hàng quán bày bán bánh trung thu, đồ chơi cho trẻ em cũng nhiều hơn, đa dạng về mặt hàng, bắt mắt về màu sắc.

Các em tập múa lân ngay giữa đường, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Các em tập múa lân ngay giữa đường, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Chị Đào Thị Tâm (xã Hoằng Tiến, Hoằng Hoá, Thanh Hoá) thừa nhận: “Nhà nghèo, nên việc lo Tết Trung thu cho con cũng hạn chế. Thường năm nào cũng phải cận ngày tôi mới mua cho con chiếc đèn ông sao để đi rước đèn”. Và vì không có đồ chơi nên hàng ngày đứa con 9 tuổi của chị vẫn thường chạy theo các bạn đi học múa lân, hay chơi đèn tự chế. “Có hôm cháu về tới nhà kêu đau cơ xương, hỏi ra mới biết con đi theo đội múa lân, học múa. Sau cả tuần cháu kêu đau nhức không dứt, tôi đưa cháu đi khám thì bác sĩ kết luận cháu bị vẹo xương sống cổ, vận động quá sức và sai tư thế khiến cháu bị căng cơ” – chị Tâm lo lắng.

Tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác, chuyện trẻ em tụ tập, rủ nhau múa lân, tự chế đồ chơi… vào mỗi dịp Tết Trung thu là chuyện thường gặp. Những đội lân “nhí” ra sức tập dượt, thu hút nhiều trẻ em đi theo cổ động trên tuyến đường giao thông, rất nguy hiểm. Bà Nguyễn Thị Lan ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng cho rằng: “Không chỉ gây ách tắc đường phố, việc các em tập múa lân còn có những màn trình diễn “hoả công” như phun lửa, dễ gây hoả hoạn hoặc gây cháy bỏng”.

Gia đình cần cẩn trọng hơn với con trẻ

Theo bác sĩ Lê Như Quỳnh, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá, việc trẻ gặp phải tai nạn thương tích khi vui chơi trung thu là không nhiều, nhưng thường để lại những hậu quả rất nặng nề. “Cách đây 2 năm, khoa Chấn thương của bệnh viện cũng đã từng tiếp 2 bệnh nhi gãy tay khi múa lân, bị bỏng vùng mặt do đốt đèn ông sao. Ngoài ra, có một vài vụ trẻ bị ngộ độc do nhiễm chì vì tiếp xúc với đồ chơi không đảm bảo” – bác sĩ Quỳnh nói.

Bà Phạm Thị Hải Hà (Cục Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Bộ LĐTBXH) cho biết: “Cục đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ ký công văn chỉ đạo các tỉnh, thành thực hiện nghiêm hướng dẫn tổ chức Trung thu cho các em. Chúng tôi cũng cảnh báo các gia đình lưu ý trong việc lựa chọn, sử dụng đồ chơi cho trẻ”.

Theo chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: “Cha mẹ cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đồ chơi, bánh kẹo thực phẩm cho trẻ trong dịp Trung thu. Tránh mua, sử dụng các loại đồ chơi có hình ảnh quá bắt mắt, màu sắc loè loẹt, nguồn gốc không rõ ràng”.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất thì cho rằng: “Bố mẹ và người lớn cần nâng cao cảnh giác trong việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Nên mua đồ chơi mang tính nhân văn, không nên mua hoặc khuyến khích trẻ nhỏ chơi trò chơi bạo lực vì điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách, tác phong… của trẻ sau này”.

Quốc Kỳ - Minh Nguyệt (Quốc Kỳ - Minh Nguyệt )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem