Trẻ mắc tay chân miệng nguy kịch, bệnh viện "ăn đong" từng liều thuốc điều trị
Trẻ mắc tay chân miệng nguy kịch, bệnh viện TP.HCM "ăn đong" từng liều thuốc điều trị
Bạch Dương
Thứ sáu, ngày 23/06/2023 11:52 AM (GMT+7)
Số trẻ mắc tay chân miệng đang tăng lên từng ngày tại TP.HCM, đáng lo ngại khi số ca chuyển nặng (độ 3, 4) cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Các bệnh viện đứng trước nỗi lo thuốc điều trị tay chân miệng đang cạn kiệt.
PGS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm, có 2.583 trẻ đến khám và 431 trẻ nhập viện vì tay chân miệng. Trong đó, 24 ca nặng và 4 ca tử vong (ở tỉnh chuyển lên).
Số lượng bệnh nhi không tăng nhưng tỷ lệ nặng và tử vong cao gấp nhiều lần so với năm 2022. Hiện bệnh viện đang có 68 ca tay chân miệng nội trú với 6 ca thở máy, 1 ca lọc máu. Các bệnh viện đều nhận định, vấn đề thiếu thuốc điều trị, như Gamma Globulin và Phenobarbital truyền tĩnh mạch cho bệnh nhi tay chân miệng đang thực sự báo động.
Tỷ lệ ca phải thở máy khi chuyển độ nặng 3, 4 cao vì thiếu thuốc đặc trị. Trong khi Phenobarbital truyền tĩnh mạch dự kiến được cung ứng trong tháng 7, thì Gamma Globulin đang khan hiếm trên toàn cầu.
"Nếu các bệnh viện sử dụng thuốc Gamma Globulin theo đúng phác đồ, số thuốc dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt sau 1-2 tuần", bác sĩ Hùng nói.
Vì thế, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh nhiệt đới, đã họp và thống nhất phương pháp điều trị tạm thời, điều chỉnh sử dụng loại thuốc trên hết sức cân nhắc.
"Ví dụ, nếu trẻ mắc tay chân miệng nặng cần dùng 2 liều Gamma Globulin theo phác đồ, thì nay dùng 1 liều theo dõi và đánh giá tiếp. Đây là giải pháp tình thế khó khăn với các bác sĩ, nhằm đủ thuốc cho những ca nặng hơn. Chúng tôi đang làm hết sức để cứu sống từng cháu bé, hội chẩn và cân nhắc rất kỹ để đưa ra quyết định như vậy. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý vẫn phải trình Bộ Y tế xem xét", bác sĩ Hùng trăn trở.
Mặc dù bác sĩ có thể sử dụng thuốc thay thế như Pentaglobin, nhưng thuốc này có chi phí cao và ảnh hưởng trong thanh toán bảo hiểm y tế.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian chờ các nguồn cung thuốc đầy đủ hơn, các bác sĩ sẽ hội chẩn để có quyết định tốt nhất cho bệnh nhi, nhưng vẫn để dành thuốc cho ca nặng hơn sau đó. Hết tuần này, phía Nam có thể sẽ có thêm 4.000 lọ Gamma Globulin, để duy trì tiếp.
Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, về việc thiếu thuốc điều trị tay chân miệng.
ThS Nguyễn Thành Lâm, Cục Quản lý dược, cho biết huyết thanh Gamma Globuline (được dùng thay thế khi không có Phenobarbital) đang thiếu, bởi qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19 số lượng người đi hiến máu giảm trầm trọng, trong khi đó Gamma Globulin được bào chế từ máu người lớn. Vì thế, việc thiếu Gamma Globulin xảy ra trên toàn cầu.
Hiện tại, có khoảng 300 lọ còn ở kho của Bệnh viện Chợ Rẫy, trên 2.000 lọ tại kho của một công ty dược. Khoảng giữa tháng 8, thuốc có thể nhập về thêm.
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết trong trường hợp thiếu Gamma Globulin, bệnh viện có thể xin đề xuất thay thế bằng thuốc khác. Việc thử nghiệm dùng sớm corticoid cho trẻ tay chân miệng có thể thực hiện và báo cáo lại Bộ Y tế.
Hiện nay, trẻ mắc tay chân miệng được điều trị tại 4 bệnh viện của TP.HCM, gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Khoa nhi của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Theo PGS Nguyễn Thanh Hùng, cần có quy định về chuyển tuyến, nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện, đảm bảo bệnh nhân được điều trị tốt nhất mà không quá tải cục bộ.
Bộ Y tế cũng bày tỏ lo ngại, nếu bệnh nhân tay chân miệng nặng khắp nơi tập trung về TP.HCM sẽ khó có thể gánh được. Do đó, cần tăng cường năng lực của các bệnh viện tuyến dưới, cần đánh giá xem trẻ mắc tay chân miệng đang được chuyển tuyến đúng hay không vì nhiều ca ở tỉnh chuyển lên rất muộn và nặng.
Theo các chuyên gia, năm 2023, dịch tay chân miệng tăng cao ngay mùa hè, sớm hơn mọi năm (vào mùa tựu trường). Mặc dù số ca không tăng nhưng lượng bệnh nặng tăng so với những năm trước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, hiện nay dịch tay chân miệng đang nổi trội và thời gian tới có thể là sốt xuất huyết. Các đơn vị tại TP.HCM đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương giao Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng 1, báo cáo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn về việc điều chỉnh phương án điều trị tay chân miệng tạm thời để sớm áp dụng với các bệnh viện trên toàn quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.