Cô Mai (giáo viên tiểu học) kể lại, từng hơn 10 năm dạy học sinh lớp 1 nên cô rất hiểu tâm lý bọn trẻ. Tuy nhiên trường hợp bé Minh thì lần đầu tiên cô gặp phải. Bình thường bé là đứa trẻ cực kỳ hiếu động, bé hiếm khi ngồi yên được cả một tiết học.
Hầu hết trẻ bịa chuyện nhằm thu hút sự chú ý.
Điều đặc biệt là, mỗi khi ra chơi bé thường kể chuyện gia đình mình với niềm hân hoan phấn khởi. Bé nói nhà bé có một em gái, bố bé là giám đốc nên hàng ngày đều có ô tô đến đón đi làm. Nhà bé ở là một biệt thự với 3 người giúp việc. Cuối tuần nào bé cũng được bố mẹ cho đi chơi, đi ăn ở khách sạn 4 sao…
“Vì cũng mới vào đầu năm học, trong khi lớp đông học sinh nên tôi cũng chưa nắm được hết hoàn cảnh gia đình từng cháu một. Nên vẫn cứ tin những điều cháu nói là đúng. Ai dè, một hôm nghe các bạn kể bố bạn Minh bị xã hội đen chém, đứt cả bàn chân phải vào viện cấp cứu, tôi thực sự hoảng hồn, sợ ảnh hưởng đến tâm lý của cháu nên mới gọi điện cho mẹ Minh để hỏi thăm. Ai ngờ, mẹ bé khẳng định không có chuyện đó” – Cô Mai nói.
Sau này, mẹ Minh cũng đã phải nhờ cô can thiệp giúp vì bé Minh rất hay bịa chuyện. Không chỉ bịa khi đến lớp, mỗi khi chơi với các bạn cũng xóm, Minh cũng hay kể mình là hoàng tử; và nhà ông bà ngoại Minh thì ở tận… sao hỏa. Kỳ thực bố Minh chỉ là cán bộ bình thường, ở nhà tập thể, cuộc sống bình thường chứ không hẳn tuần nào cũng được đi ăn ở nhà hàng hay có tới… 3 người giúp việc.
Theo TS. BS Lã Thị Bưởi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục thì nhiều trẻ vẫn hay bịa chuyện thường gặp ở độ tuổi 7- 8 tuổi trở lên khi trẻ bắt đầu đến trường. Điều này thể hiện sự phát triển tâm lý chưa phù hợp.
Nguyên nhân là do ở độ tuổi này, trí tưởng tượng trẻ rất phong phú. Đôi khi, đứa trẻ bịa chuyện theo trí tưởng tượng chứ không hẳn là biạ chuyện… Bởi bản thân đứa trẻ đọc quá nhiều truyện tranh, phim viễn tưởng, những hình ảnh “ siêu thực” được lặp đi lặp lại trong não của trẻ đến một lúc nào đó làm trẻ huyễn hoặc, mơ tưởng mình giống những nhân vật trong truyện, trong phim…Mục đích của việc bịa chuyện nhằm lôi kéo mọi người, gây sự chú ý của mọi người khiến trẻ tự hào khi thấy mình nổi bật hơn các bạn.
Ngoài ra cũng có một số trường hợp trẻ bịa chuyện, nói dối một cách có ý thức. Nguyên nhân là do trẻ sợ. Ví dụ nó đã có một kinh nghiệm trước đó rồi, bé làm hư hỏng như vậy thì bố mẹ có một thái độ rất nghiêm khắc, thậm chí la mắng trẻ một cách thậm tệ. Và để thoát khỏi tình trạng tệ hại như vậy thì trẻ phải nghĩ ra một cách gì đó khác hơn để mà tránh tội cho mình. Cho nên, người lớn phải phân biệt lúc nào là biạ chuyện thật sự, lúc nào là không ý thức.
TS Bưởi cho biết, trong suốt 43 năm làm nghề với thời gian dài tại khoa thần kinh bệnh viện trường ĐH Y Hà Nội, bà đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ thích bịa chuyện này cho thấy khi trẻ đã ý thức với mỗi lời nói, hành vi của mình khi được bố mẹ uốn nắn thì chứng “bịa chuyện” không còn.
“Không có bằng chứng nào cho thấy thói quen bịa chuyện của trẻ là tiền đề cho chứng “hoang tưởng” về sau. Tuy nhiên, đối với cha mẹ nếu con mình có hành vi này cũng không nên bỏ qua. Bởi việc bịa chuyện được lặp đi lặp lại thường xuyên mà không được can thiệp kịp thời sẽ rất dễ tạo thành hành vi nói dối”- TS Bưởi nói.
TS Bưởi cũng cho biết thêm thường những đứa trẻ hay bịa chuyện thường có những khiếm khuyết về tâm lý, trẻ thường kém tập trung, giảm sự chú ý và kết quả học tập giảm sút. Vì thế, phần lớn, khi cha mẹ thấy con mình bịa chuyện, thì lập tức cho rằng các em nói dối, lên án hành động đó và la mắng các em. Thậm chí còn xử phạt và đe doạ khi thấy các em tiếp tục có hành vi bịa chuyện.
Tuy nhiên, theo TS Bưởi thì đây là sai lầm mà bố mẹ mắc phải. Cha mẹ cần phải có một thái độ tích cực và giúp trẻ phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng. Cần lập ra một thời gian biểu cụ thể, ở đó hướng trẻ đến những hoạt động thể lực (các câu lạc bộ võ thuật, cầu lông, bơi lội, đàn…) nhằm hạn chế trẻ xem ti vi, chơi Ipad, máy tính… và đọc những quyển truyện không phù hợp.
TS Bưởi nhấn mạnh: Mỗi khi phát hiện trẻ bịa chuyện cha mẹ cần phải đối thoại với trẻ để tìm hiểu xem các em muốn gì khi kể câu chuyện bịa ấy. Và điều quan trọng hơn cả là phải giữ thái độ bình thường, không làm căng thẳng tình huống câu chuyện, tránh có thái độ lên án và xử phạt để từ đó phân tích, giải thích cho trẻ việc bịa chuyện có thực sự “tốt” như trẻ mong đợi hay không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.