Cha mẹ cần làm gì để con không bị cuốn theo 'Thử thách Momo'
Trẻ tử vong do 'Thử thách Momo': Cha mẹ cần làm gì trước những cạm bẫy trên thế giới mạng?
Minh Nguyệt
Thứ bảy, ngày 28/11/2020 08:51 AM (GMT+7)
Vụ việc bé trai 8 tuổi tử vong xảy ra tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về "Thử thách Momo" - trò chơi đầy nguy hiểm trên mạng xã hội.
Ngày 26/11, Công an tỉnh Đồng Nai thông tin, một bé trai 8 tuổi tử vong xảy ra tại huyện Trảng Bom, nghi liên quan tới trò chơi trên mạng xã hội Youtube mang tên "Thử thách Momo".
Theo đó, ngày 21/11, cháu L. ngồi xem tivi tại phòng khách cùng mẹ, anh trai và em trai của mình, sau đó vào nhà vệ sinh. Đến khoảng 21h cùng ngày, do không thấy cháu L. ra khỏi nhà vệ sinh nên mẹ cháu nói anh trai của L. gọi nhưng không thấy trả lời.
Dự tính có điều chẳng lành, người mẹ nhờ người phá cửa nhà vệ sinh thì thấy cháu L. treo lơ lửng ở sát tường. Sau khi bế ra khỏi nhà vệ sinh, cháu L. đã không còn thở, gia đình đưa đi cấp cứu nhưng cháu đã tử vong trước đó.
Gia đình cho biết, cháu L. không có bệnh tật gì nhưng thường ngày cháu rất hiếu động, khi chơi đùa thì thích móc áo, quần đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng. Nghi vấn ban đầu, cháu L. tử vong với tình trạng như trên có thể do học theo "Thử thách Momo" trên mạng xã hội.
Trước đó, vào tháng 10/2020, một bé gái 5 tuổi tại TP.HCM cũng đã tử vong sau khi xem và làm theo video hướng dẫn trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên Youtube.
Theo lời cha mẹ em (quận Tân Phú, TP.HCM), vào thời điểm xảy ra sự việc, D vừa xem xong một video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng. Tò mò, D đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà làm theo. Khi được người nhà phát hiện, bé D đã trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi.
Tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng làm theo trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube. Gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, hai chân bé cách mặt đất một đoạn khá xa, người tím ngắt, ngất lịm. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, bé K đã may mắn giữ được tính mạng.
Chia sẻ sau đó, K cho biết em đã nhiều lần xem trò chơi "chết đi sống lại" trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ, nhưng vẫn thở được mà không chết, bởi vậy bé đã làm theo.
Những video mang tên "Thử thách Momo" (Momo challenge) có nội dung độc hại xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội YouTube. Tất cả những video này đều có thử thách, yêu cầu trẻ phải làm theo. Khi trẻ em xem video trên kênh này, có thể liên lạc với Momo - một phụ nữ có hình dáng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi. Nhân vật này sẽ điều khiển trẻ thực hiện những thử thách đáng sợ, kết thúc bằng việc tự sát.
Thách thức mang tính toàn cầu
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động thương binh và xã hội) cho biết: "Hiện tại, Bộ Thông tin truyền thông đã xây dựng Đề án Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Đề án đề cập tới nhiều vấn đề như truyền thông cho cha mẹ, giáo viên, cho chính trẻ em; cho tới các giải pháp về kỹ thuật cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng...
Đó là giải pháp về lâu dài, còn từ trước tới nay chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để mở những chiến dịch truyền thông về nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn trên môi trường mạng cho cha mẹ, thầy cô giáo. Các sản phẩm đầu ra từ Cục trẻ em; Hội đồng đội; Viện nghiên cứu gia đình và phát triển bền vững... khá nhiều và đều đặn.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ mạng ở Việt Nam như Vinaphone; Mobiphone cũng đã đưa ra một số giải pháp kỹ thuật để sàng lọc thông tin; tìm kiếm những thông tin xấu...Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã làm việc phá được nhiều vụ án liên quan tới xâm hại trẻ em; mua bán trẻ em trên môi trường mạng".
"Thách thức lớn nhất hiện nay là những nhà cung cấp dịch vụ đưa ra nội dung không phù hợp hướng tới trẻ em như Youtube, Tiktok. Chúng tôi cũng đã có những đấu tranh với họ để bảo vệ quyền trẻ em, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn bởi nó liên quan tới các tập đoàn xuyên quốc gia. Đây là vấn đề không chỉ của một đất nước, một khu vực nói riêng mà mang tính toàn cầu " - ông Nam chia sẻ.
Cha mẹ cần làm gì để con tránh những cạm bẫy trên thế giới ảo?
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, một trong những biện pháp hiệu quả, trước mắt và cũng là lâu dài chính là truyền thông về kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ em. Nó như một liều vaccine để trẻ phòng ngừa cho trẻ em, tránh khỏi những thông tin độc hại trên môi trường mạng.
"Lớp trẻ hiện tại rất giỏi và nhạy bén với công nghệ thông tin, bởi vậy giải pháp cấm đoán chỉ càng khiến con cái thêm xa cách cha mẹ. Tôi nghĩ phụ huynh chỉ cần chỉ dạy cho con kiến thức, kỹ năng để các con nhận biết được đâu là vấn đề tốt, vấn đề xấu, khi nào có thể bị xâm hại, bị bóc lột...mà phòng tránh.
Vấn đề cốt lõi là phải thiết lập mối quan hệ tin tưởng, gắn bó giữa cha mẹ và con cái, để con cái có thể chia sẻ với cha mẹ mọi chuyện. Từ đó, chúng ta có thể nắm bắt, ngăn chặn kịp thời khi con có dấu hiệu vướng vào khủng hoảng. Nếu để trẻ em bị dụ vào môi trường kín và bị phong tỏa bởi mạng xã hội thì rất khó để con cái rút ra".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.