Giới phân tích cho rằng đây là tín hiệu cho thấy sự sẵn sàng của PLA trong việc triển khai lực lượng...
Tàu khu trục Zhoushan mang tên lửa của hải quân Trung Quốc đã chạy với tốc độ cao trong khoảng 3 tiếng rưỡi đến nơi tàu cá nước này bốc cháy vào tối 7.2 tại vùng biển nằm cách khu vực Amami - Oshima ở tỉnh Kagoshima của Nhật Bản khoảng 280 km về phía tây - tây bắc. Vụ hỏa hoạn đã khiến 6 ngư dân trên tàu thiệt mạng.
Tàu khu trục Zhoushan của hải quân Trung Quốc.
Theo truyền thông Trung Quốc và Hãng tin Kyodo của Nhật Bản, tàu khu trục Zhoushan đã đến trước 3 tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Ba tàu này trước đó đã nhận được đề nghị hỗ trợ từ phía Trung Quốc.
Chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, đại tá Lý Kiệt cho rằng, sự có mặt của tàu khu trục Zhoushan trong vụ cứu hộ trên đã cho thấy sự sẵn sàng của PLA cả trên không và trên biển sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập một Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông vào tháng 11.2013. Khu vực này bao gồm quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.
Mới đây, ý định của giới quân đội Trung Quốc muốn thành lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông đã khiến cho nhiều nước như Mỹ, Nhật, Philippines, Việt Nam... lo ngại. Đây cũng là lý do khiến hai Ngoại trưởng Mỹ và Nhật ngày 7.2 đã nhất trí là sẽ nỗ lực ngăn cản, không cho Trung Quốc mở rộng ADIZ mà Bắc Kinh đã thiết lập trên biển Hoa Đông qua các vùng biển khác, có thể là trên Biển Đông.
Báo Nhật Bản đưa tin, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chia sẻ quan điểm rằng hai nước đều không chấp nhận ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố trên biển Hoa Đông, bao trùm lên vùng quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) đang do Nhật Bản quản lý.
Bên cạnh đó, hai ngoại trưởng đã khẳng định rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ phối hợp với các quốc gia khác hiện đang quan ngại trước hành động của Bắc Kinh, để đối phó với khả năng Trung Quốc mở rộng ADIZ của họ bao trùm lên những khu vực tại Biển Đông. Tướng Không quân PK Roy thuộc Tư lệnh liên quân Ấn Độ tại Quân khu Andaman và Nicobar cũng đã lên tiếng hối thúc các nước trong vùng Biển Đông phải nhanh chóng thiết lập bộ quy tắc ứng xử để giúp cho tranh chấp chủ quyền không leo thang thành xung đột vũ trang.
Các phản ứng gay gắt nói trên đã khiến Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải lên tiếng phủ nhận thông tin được tiết lộ về phương án thành lập vùng phòng không trên Biển Đông.
Quang Minh (tổng hợp) (Quang Minh (tổng hợp))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.