Trên đỉnh Phja Khao

Ghi chép của Chiến Hoàng - Kim Kim Thứ tư, ngày 20/01/2021 06:30 AM (GMT+7)
Không ít người đã phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kì vĩ, hoang sơ, cùng với đó là những dấu tích lịch sử về hoạt động khai khoáng từ thời Pháp thuộc… khi lên đỉnh Phja Khao khám phá.
Bình luận 0

Dẫn chúng tôi lên đỉnh Phja Khao (xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) trong cái lạnh cắt da, cắt thịt là cán bộ kiểm lâm Trạm Bản Thi của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc Chu Văn Hiến cùng anh Nguyễn Văn Dư - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bản Thi.

Chạy xe trong lòng núi

Dù đã hơn 10h trưa nhưng con đường dẫn lên đỉnh Phja Khao (nơi còn sót lại nhiều vết tích khai khoáng từ thời Pháp thuộc - PV) vẫn mịt mùng sương. Chúng tôi nín thở lần theo chút ánh sáng đỏ mờ từ đèn hậu của chiếc xe người dẫn đường; gần như chúng tôi đi chỉ bằng cảm giác.

Trên đỉnh Phja Khao - Ảnh 1.

Đường lên Phja Khao phải chui qua nhiều hầm xuyên núi. Ảnh: P.V

"Bản Thi mới được công nhận thêm một di tích, nâng tổng số di tích tại xã lên 5 di tích lịch sử cấp tỉnh. Với các lợi thế như có Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Di tích cáp tời quặng, Đền Bản Thi, Đền Tiên Sơn, Nhà máy in tiền của Bộ Tài chính, xưởng Quân giới, Nha Nghiên cứu Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng, song song với đó là những món ăn nổi tiếng như gà tần, phở chua, khau nhục… của địa phương, xã Bản Thi hoàn toàn có thể phát triển du lịch.

Ông Khổng Thanh Tiềm -

Chủ tịch UBND xã Bản Thi

Điều thú vị nhất trong quá trình chinh phục đỉnh Phja Khao với chúng tôi chính là được chạy xe trong lòng núi. Để lên đỉnh Phja Khao, phải qua rất nhiều hầm xuyên núi (người Pháp gọi là Tunnel, được dân bản địa Tày hóa là "tu nền"), có hầm dài vài chục, thậm chí cả trăm mét.

Sau gần 30 phút leo đèo, chui hầm, chúng tôi cũng có mặt tại nơi gắn biển di tích cấp tỉnh: Hệ thống đường dây cáp tời quặng - chứng tích lịch sử bóc lột của thực dân Pháp đối với công nhân mỏ chì kẽm Bản Thi từ năm 1909 - 1941 trên đỉnh Phja Khao,

Sót lại trên đỉnh núi có độ cao gần 1.000m so với mực nước biển này là những cáp tời quặng, đường ray chạy goòng đã trên 100 tuổi, hun hút chạy vào mịt mùng sương, lao thẳng xuống chân núi mờ thẳm.

Đó là dấu tích còn lại của hơn trăm năm trước, khi Công ty Khai thác và luyện kim Đông Dương (Société minière et métallurgique de l'Indo-Chine) đã bỏ nhiều vốn đầu tư vào mỏ, nhất là xây dựng công trình cáp treo dài hơn 3km (có lẽ đây là hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam) và đường sắt vận chuyển quặng.

Được biết, hồi toàn thịnh, khu mỏ có tới 5.000 công nhân, 80 thư ký, đến năm 1942 chỉ còn 500 thợ và 5 người Âu quản lý. Trong vòng 27 năm (1914 - 1941), Pháp đã mang về nước trên 350.000 tấn quặng kẽm. Phja Khao là nơi mang lại lợi nhuận cho thực dân, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều thành phần phức tạp, hay xảy ra cướp bóc, chém giết.

Trên đỉnh Phja Khao - Ảnh 3.

Khu nghỉ dưỡng tại Bình Trai hiện chỉ còn là phế tích, sau 100 năm cỏ cây đã trùm kín tường. Ảnh: P.V

Tại đỉnh Phja Khao, PV may mắn gặp được Ô Kim Phòng - một người có rất nhiều tư liệu quý về ngọn núi này. Phòng chỉ cho chúng tôi cùng nhóm những người đang "trốn rét" các vị trí thực địa rồi đối chiếu với những ảnh mà Phòng đã sưu tầm, được chụp từ thời Pháp thuộc. Thời gian đã trăm năm song vẫn dễ dàng nhận diện.

Cách điểm di tích chừng 15m là một vực sâu mà theo như người dân bản địa, từ trên miệng vực không thể nhìn được tới đáy bởi quanh năm mù sương. Ô Kim Phòng và người dẫn đường cho biết, đó là nơi mà thực dân Pháp ném những cu li (coolie/phu mỏ) ốm yếu hoặc người dám phản kháng từ trên núi xuống.

"Âm khí nặng nề lắm, mùa đông cũng như mùa hè, khi nào cũng có cảm giác lạnh dọc sống lưng dù đã đứng cách mép vực cả vài mét. Theo một số cụ cao niên trong vùng thông thạo Phja Khao, dưới đáy vực có rất nhiều xương người" - Ô Kim Phòng cho biết thêm.

Ô Kim Phòng hiện đang giữ trong tay hơn 300 bức ảnh được chụp từ thời Pháp thuộc. Những tư liệu ảnh có được, Ô Kim Phòng luôn sẵn sàng chia sẻ với địa phương và những người thích khám phá, tìm hiểu về hoạt động khai khoáng cũng như vùng đất, con người nơi đây.

"Vịnh Hạ Long trên cạn"

Theo Ô Kim Phòng, vùng này từng được tác giả Nhật Nham Trịnh Như Tấu tả trong du ký "Từ Hanoi đến Hồ Ba Bể" in 14 kỳ trên Tri tân Tạp chí năm 1943 như sau: "Trên Phja Khao, hiện ra một cảnh tượng rất đẹp. Sau khi những lớp quặng bao bọc núi đá đã khai thác, trên một khoảng đất bằng phẳng, còn trơ lại nhiều ngọn núi đá nhấp nhô như các núi đá trong vịnh Hạ Long. Vì vậy, người Pháp đặt tên nơi này là "Baie d' Along terrestre" (Vịnh Hạ Long trên cạn) mà dân vùng này gọi các núi ấy là "Phja Khao" (núi bạc), vì đêm đến có ánh bạc từ núi phát ra...".

Trên đỉnh Phja Khao - Ảnh 4.

Để đến được một vị trí cáp tời quặng khác, chúng tôi phải bám dây lần qua vách núi mà đi. Ảnh: P.V

Giữa trưa mà đỉnh Phja Khao sương mỗi lúc một dày đặc hơn. Sương chạy tràn từ chân núi lên, vón thành từng vốc nặng trĩu rồi rơi xuống, bung ra như những chùm pháo. Một thiếu nữ trong đoàn "trốn rét" co ro, miệng phả khói chẳng khác nào vừa rít căng điều thuốc lào chính hiệu Tiên Lãng, miệng xuýt xoa, đúng là đẹp quên về!

Sau gần một giờ đồng hồ trải nghiệm trên đỉnh Phja Khao, chúng tôi xuôi dốc, cất xe trong một hầm xuyên núi, lần bộ tìm đến những đường cáp tời quặng, đường ray goòng khác theo hướng Bình Trai (nơi được mệnh danh Đà Lạt của Bắc Kạn).

Tại đây vẫn còn phế tích khu nghỉ dưỡng của thực dân Pháp, đúng như Trịnh Như Tấu mô tả: "Vì địa thế giữa miền rừng núi, nên phần nhiều các nhà xây trên đỉnh núi hoặc lưng chừng đồi, xếp thành từng hàng từ trên cao xuống… miền này ở trên cao lại cách Chợ Điền 7 cây số, là nơi đặt công ty khai mỏ kẽm, vừa là nơi khí hậu mát mẻ của nhân viên mỏ dưỡng nhàn".

Để đến được đó, chúng tôi phải leo đá, bám dây rừng mà đi. Thi thoảng lại bắt gặp những vết chân lạ mờ mờ trên lá khô. Cán bộ kiểm lâm trong đoàn cho biết, đó là vết đi của những con sơn dương.

"Trong những lần tuần rừng, chúng tôi gặp khá nhiều những tảng đá to phẳng luôn nhẵn mòn vết nằm nhai lá cây của chúng" - cán bộ kiểm lâm kể.

Theo Chu Văn Hiến, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc rất đa dạng về động thực vật. Ở đây có cả voọc, vạc hoa, những loài có tên trong Sách đỏ đặc biệt cần được bảo vệ trước nguy cơ tuyệt chủng.

Đã thấy Bình Trai mơ màng phía dưới mà đi vã cả mồ hôi chân vẫn chưa chạm tới. Bình Trai mùa này tuy chưa phải đẹp nhất bởi những cánh đồng ngô mướt mắt bao bọc, ôm lấy những nóc nhà của đồng bào Dao cùng phế tích khu nghỉ dưỡng đã lụi tàn sau vụ thu hoạch, nhưng Bình Trai vẫn đủ khiến những đôi mắt phải mơ màng.

Tường nhà, bếp, phòng ăn khu nghỉ dưỡng được xây dựng cách đây cả 100 năm giờ chỉ còn là phế tích, cây đã mọc kín vách tường tạo nét cổ kính, rêu phong. Khác với vẻ đẹp trên đỉnh Phja Khao, ở Bình Trai là sự thanh bình, tĩnh tại, cái sự tĩnh tại chốn thâm sơn cùng cốc mà các bậc túc nho xưa vẫn chọn làm chỗ ẩn mình.

Động thực vật tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc cùng những chứng tích, nét đẹp của Phja Khao, Bình Trai… thực sự là báu vật. Có điều,vẫn đang như nàng công chúa ngủ trong rừng, giấc ngủ trăm năm đang cần người đánh thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem