Buộc phải làm trái quy định!
Bà Hà Thị Anh Thư-Bí thư huyện Bình Sơn cho rằng, trong điều kiện thực tế của Quảng Ngãi hiện nay, tỉnh ban hành và thực hiện "Quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố; cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố" với quy định cán bộ sinh từ năm 1975 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy liệu có quá khắt khe?
Trong khi đó, theo bà Anh Thư, quy định gần đây nhất của T.Ư chỉ yêu cầu trình độ tốt nghiệp đại học trở lên. Từ 2015 đến nay, tỉnh lại ra nhiều văn bản và chủ trương (5 lần) thay đổi quy chuẩn cán bộ, vì lý do gì mà phải cấp thiết như vậy?
"Theo tôi, việc đề ra tiêu chuẩn bổ nhiệm nhằm tạo điều kiện cho cán bộ phát triển, cần quan tâm nhiều đến hiệu quả và chất lượng công việc được giao; đạo đức, sự cống hiến và sáng tạo, người dân có hài lòng với năng lực làm việc của cán bộ hay không, đừng quá đặt nặng về tiêu chuẩn đại học chính quy hay tại chức", Bí thư huyện ủy Bình Sơn nói.
Bà Anh Thư, Bí thư huyện Bình Sơn (trái), một trong số những người không đồng tình với tiêu chuẩn mà tỉnh đã đề ra về tiêu chuẩn bằng ĐH chính quy. (Ảnh: CTV)
Còn ông L.T - Trưởng phòng của một cơ quan trực thuộc tỉnh kể rằng, trong bộ phận của ông, có trường hợp cán bộ đại học tại chức nhưng năng lực và hiệu quả làm việc rất tốt. Tuy nhiên không thể quy hoạch, bổ nhiệm vì vướng quy định trên.
"Trong khi đó, một cán bộ khác đại học chính quy làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" nhưng được quy hoạch, bổ nhiệm. Như vậy liệu có công bằng?" - ông L.T đặt câu hỏi.
Một cán bộ ở huyện miền núi Tây Trà than thở: "Vừa rồi, địa phương có 4 trường hợp bổ nhiệm trưởng, phó phòng ban trực thuộc là đại học tại chức. Tuy nhiên với điều kiện xa xôi, đầy khó khăn như Tây Trà, biết tìm đâu ra người có đại học chính quy mà bổ nhiệm, phải chấp nhận sai với quy định thôi".
Nhiều huyện chấp nhận vi phạm chuẩn bổ nhiệm để có người quản lý, làm việc.
Ngăn ngừa "thạc sĩ giấy"
Trái ngược với quan điểm trên, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với chủ trương này của tỉnh Quảng Ngãi. Lý do đưa ra là số cán bộ sinh từ năm 1975 trở về sau lớn lên trong điều kiện đất nước đã hòa bình, độc lập và phát triển thì không thể học tại chức hoặc trung cấp rồi bổ túc lên và sau đó xin ngân sách hoặc tự bỏ tiền lấy bằng thạc sĩ. Học hành theo kiểu "9 + 3" cũng ra thạc sĩ, rồi cũng được bổ nhiệm làm lãnh đạo như người đại học chính quy như vậy khó mà chấp nhận.
"Trong số trên 1.000 thạc sĩ của tỉnh hiện nay (cao hơn gấp 4 lần so với thời điểm năm 2010), tôi được biết rất nhiều cán bộ đại học tại chức từ xa lấy bằng thạc sĩ bằng cách ghi danh, nộp tiền và đến lớp ngồi dăm hôm rồi thi. Như vậy làm sao có trình độ, năng lực để bổ nhiệm. Thạc sĩ kiểu đó mà làm lãnh đạo thì cơ quan chỉ có nghèo, phá sản" - ông K.V, lãnh đạo một huyện đồng bằng cho biết.
"Cùng giữ nguyên tiêu chuẩn trên, tỉnh cũng nên bổ sung thêm quy định thời gian tốt nghiệp đại học chính quy cụ thể để ngăn thạc sĩ "giấy" lại rủ nhau học lại chính quy tốn thêm tiền của, thời gian. Riêng với các huyện miền núi, cần có quy định nới lỏng hơn so với đồng bằng và thành thị", vị lãnh đạo này hiến kế.
Như đã phản ánh đến tháng 8.2017, tuy sửa đổi hạ mốc năm sinh (tính từ năm 1975, thay cho 1965 trở về sau), nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn giữ tiêu chuẩn phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy mới được bổ nhiệm và thăng chức. Theo đó, nhiều trưởng, phó phòng ban của cấp huyện đã là thạc sĩ nhưng bằng tốt nghiệp đại học là tại chức từ xa nên phải đăng ký học lại đại học chính quy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.