Triển lãm “Phóng viên chiến trường”: Ký ức một thời máu và hoa

Hồng Vân - Bảo Yến Thứ sáu, ngày 17/04/2015 08:01 AM (GMT+7)
Những khoảnh khắc oanh liệt, những nụ cười và giọt nước mắt... tất cả đều có trong triển lãm “Phóng viên chiến trường” của 4 nhà báo nổi tiếng Đoàn Công Tính (báo Quân đội Nhân dân), Chu Chí Thành (Thông tấn xã VN), Mai Nam (báo Tiền Phong) và Hứa Kiểm (Thông tấn xã VN) đang diễn ra tại Hà Nội.
Bình luận 0

Tại buổi triển lãm, người xem đã được thấy một khía cạnh khác của cuộc chiến. “Mỗi bức ảnh chụp đều có ý đồ của nó, thể hiện lên được tinh thần yêu nước, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh, lạc quan tin vào một ngày mai chiến thắng của nhân dân ta và hoàn toàn không có sự dàn xếp, sắp đặt” - tác giả Chu Chí Thành chia sẻ.

img
Nhà báo Chu Chí Thành bên tác phẩm của mình. Ảnh: Hồng Vân

Hình ảnh những chiến sĩ giải phóng nở nụ cười thắng lợi trên chiếc ô tô tải cũ được quần chúng nhân dân niềm nở chào đón trong sự hân hoan. Họ đón những chiến sĩ như đón những người con, người thân yêu của mình từ cõi chết trở về. Bức ảnh phản ánh lời tiên tri thứ hai của Bác Hồ “Đánh cho ngụy nhào” thống nhất đất nước, toát lên khát vọng hòa bình giải phóng của nhân dân Việt Nam.

Có những hình ảnh cảm động về sự gặp gỡ của trung tá Nguyễn Minh Sáng và vợ là bà Nguyễn Thị Hà – cán bộ địch hậu sau 13 năm cùng bị cầm tù trong các trại giam của Mỹ Ngụy. “Tôi thực sự nghẹn ngào và xúc động khi xem lại những bức ảnh quý báu này, cảm ơn những người đồng đội tuyệt vời, vừa tham gia chiến đấu vừa ghi lại những giây phút trên chiến trường mà bản thân những người lính chúng tôi không bao giờ quên”- ông Lương Đức Nghĩa, một cựu chiến binh ở chiến trường Gio Linh (Quảng Trị) xúc động nói.

Khói bom lửa đạn không có mắt, những phương tiện kỹ thuật hạn chế, phóng viên chiến trường phải luôn ở tư thế vừa chụp vừa chạy. Để có được những bức ảnh sống động, chân thực về cuộc chiến tranh khốc liệt họ đã không ít lần phải đối diện với thần chết.

“Trong lúc tôi đang bơi vượt qua sông Thạch Hãn để vào trận địa Thành cổ có một chiến sĩ bị đuối vì trẻ quá lại người vùng núi nên bơi không được. Tôi muốn ra cứu anh nhưng lực bất tòng tâm vì lúc đó giữa sông rồi, địch bắn liên tục, dội bom, thả pháo sáng, nước sông chảy xiết nếu buông đồ ra cứu thì sợ rằng không cứu được mà thậm chí mình còn mất mạng. Tôi day dứt mãi chuyện đó”– nhà báo Đoàn Công Tính ngậm ngùi.

Những bức ảnh không chỉ là một khoảnh khắc của cuộc chiến mà còn là mồ hôi, xương máu, tính mạng của phóng viên chiến trường, vì thế 40 năm sau, nó vẫn còn nguyên không khí nóng hổi và giá trị thời sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem