Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) hôm qua đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, bộ luật Hình sự.
Khu vực nước đầu nguồn bị ô nhiễm. Ảnh: Trần Thường
Trong buổi họp báo chiều qua, Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình - Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức nói, quá trình nắm bắt thông tin, xử lý vụ việc liên quan đến sự cố gây ô nhiễm nguồn nước cho Nhà máy nước sạch sông Đà nhận thấy có dấu hiệu hình sự. Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại điều 235, bộ luật Hình sự.
Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Đức. Ảnh: Trần Thường
Các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình đang tập trung truy xét, điều tra, làm rõ đối tượng đổ thải chất thải nguy hại gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới vụ việc, Công an tỉnh Hòa Bình chiều qua đã triệu tập 2 người được cho là có liên quan đến việc đổ dầu gây ô nhiễm nguồn nước. Do đang trong quá trình điều tra nên đơn vị chưa thể cung cấp thông tin cụ thể hơn cho báo chí, bởi có thể làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra.
Cách đây chưa lâu, người dân phản ánh việc có xe tải bơm dầu đổ trộm ra khe núi. Đêm 8/10, rạng sáng 9/10, Hòa Bình có mưa lớn, lượng dầu lớn bị đổ trộm vào khe núi đã tràn xuống suối, sau đó chảy ra kênh dẫn nước của Nhà máy Nước sạch sông Đà cách đó 800m.
Nước sạch mà nhà máy cung cấp cho nhiều hộ dân phía Tây Nam Hà Nội trở nên có mùi hôi khó chịu vì nhiễm dầu.
Suốt tuần qua, nhiều hộ dân Thủ đô khổ sở vì thiếu nước sạch để ăn uống, sinh hoạt, phải đi xin hoặc mua nước đóng bình về sử dụng.
Sáng 17/10, nước sạch sông Đà được cung cấp trở lại, nhưng công ty khuyến cáo chỉ sử dụng nước để tắm giặt, không dùng để ăn uống.
Trước đó, vụ đổ trộm 2,5 tấn dầu thải đã xảy ra tại khu vực đồi Mông, xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, cách Nhà máy nước Sông Đà khoảng 5km. Dầu thải tràn từ mặt đường xuống khe suối Trầm, theo suối Trầm dẫn vào hồ Đầm Bài - khu vực trữ nguồn nước đầu vào cho Nhà máy nước Sông Đà.
Vụ đổ trộm dầu đã gây ô nhiễm nguồn nước đầu vào, gây mùi lạ, khét lẹt nước sạch do Nhà máy nước Sông Đà cung cấp những ngày qua. Sự cố này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sạch cấp cho 25 vạn dân thủ đô Hà Nội trong 1 tuần qua.
Nhà máy nước Sông Đà đã tạm dừng cấp nước trong hai ngày 15 và 16/10 để xử lý bước đầu, chỉ mới cấp trở lại vào tối muộn 16/10.
Hơn 1 tuần qua, nhiều người dân sống tại khu đô thị Linh Đàm, chung cư Kim Văn - Kim Lũ và các khu dân cư ở Đống Đa, Thanh Trì, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... chia sẻ cảm giác hoang mang khi nhận thấy rõ mùi lạ trong nước sinh hoạt.
"Nước có mùi khét như nhựa cháy. Chúng tôi dùng nước đó nấu ăn nhưng không thể ăn được vì trong cơm và đồ ăn vẫn lưu lại mùi", một người dân phản ánh trước đó.
Tại cuộc họp báo của Bộ TN&MT sáng 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết cơ quan này đã nhận được báo cáo của Sở TN&MT Hòa Bình về sự việc. Theo đó, đơn vị này nhận được phản ánh từ người dân về việc có một xe tải 2,5 tấn bơm dầu đổ trộm ra suối Trâm vào đêm 8/10.
Ngay sau đó, khu vực này có mưa lớn khiến nguồn nước từ suối này chảy xuống dòng kênh dẫn nước vào khu vực nhà máy nước sạch sông Đà.
Ngày 9-10/10, đơn vị phát hiện nhiều vết dầu loang trên kênh dẫn nước ở khu vực nhà máy nước sông Đà và đã huy động công nhân nhà máy ra vớt dầu. Theo Sở TN&MT Hòa Bình, số dầu loang đã được thu gom và sở đã triển khai lấy mẫu nước để phân tích.
Tại cuộc họp báo trước đó tại Hà Nội, các cơ quan chức năng cho biết, từ quá trình xét nghiệm, phân tích mẫu nước lấy trong nhà máy nước mặt sông Đà, tại trạm bơm tăng áp Tây Mỗ, tại bể chứa, kết quả xét nghiệm so với quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, có một số chỉ tiêu không đạt quy chuẩn.
Các mẫu nước không đạt đạt quy chuẩn về mùi vị, mẫu nước có mùi khét. Chưa hết, trong các mẫu nước xét nghiệm đều có hàm lượng styren - chất thuộc nhóm có chỉ tiêu giám sát mức độ C - cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren được quy định tối đa 20μg/l, tuy nhiên, các mẫu nước xét nghiệm cho thấy hàm lượng cao hơn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3-3,65 lần.
Riêng mẫu nước tại các vòi sử dụng của hộ gia đình, hàm lượng styren thấp hơn ở nhà máy và các điểm chứa trung gian.
Theo chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Công ty Viwasupco phát hiện ra việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy.
Ông Chung cho biết nước từ hệ thống lọc nước này đã chảy xuống vào hệ thống nước ăn của người dân, là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.