Triều Tiên: 20 vạn đặc nhiệm thiện chiến

Thứ sáu, ngày 26/04/2013 08:35 AM (GMT+7)
"Lính đặc nhiệm Triều Tiên là một thành phần chủ chốt trong quân đội bên cạnh bom nguyên tử, tên lửa và pháo binh" - Kim Yeon Su, một giáo sư tại Đại học Quốc phòng Hàn Quốc đã đánh giá như vậy.
Bình luận 0

Ngày 25.4 nhân 81 năm Quân đội Triều Tiên ra đời, hãng tin AP đã có bài phân tích đánh giá về tiềm lực sức mạnh của lực lượng này - thuộc nhóm những đạo quân lớn nhất, nhưng lại bí mật nhất thế giới.

imgQuân đội Triều Tiên được đánh giá là đông, nhưng thua kém về chất lượng so với Hàn Quốc và Mỹ

Quân đội CHDCND Triều Tiên ra đời ban đầu với tư cách một lực lượng chống phát xít Nhật và hiện nằm ở trung tâm của chính sách "quân sự là số một" của nước này.

Cố lãnh đạo Kim Jong Il đã đề cao vai trò của quân đội trong 17 năm cầm quyền, thông qua việc tăng cường số lượng binh lính lên mức 1,2 triệu quân nhân. Tân lãnh đạo Kim Jong Un đã tiếp tục đề cao quân đội trong năm nay, sau khi yêu cầu việc xây dựng lực lượng "vũ khí nguyên tử".

Đạo quân bí mật này ít khi hé lộ ra ngoài chi tiết về các hoạt động của họ. Tuy nhiên dựa vào những gì đã biết, giới chuyên gia quốc tế vẫn có thể chỉ ra sức mạnh và điểm yếu của Quân đội Triều Tiên.

20 vạn đặc nhiệm thiện chiến

Các chuyên gia tin rằng chiến tranh du kích sẽ là chiến lược khả thi nhất của Triều Tiên trong trường hợp chiến tranh xảy ra, do quân đội thông thường của nước này thiếu trang thiết bị và hỏa lực. Seoul ước tính Triều Tiên có 200.000 lính đặc nhiệm và Bình Nhưỡng chưa từng sử dụng lực lượng này.

Tuy nhiên lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên đã để lại các dấu ấn nhất định. Phương Tây nói rằng năm 1968, 31 lính đặc nhiệm Triều Tiên từng tấn công phủ Tổng thống Hàn Quốc trong động thái ám sát hụt cố Tổng thống Park Chung Hee.

Năm 1996, 26 lính đặc nhiệm Triều Tiên đã xâm nhập vào khu vực đồi núi ở Đông Bắc Hàn Quốc, sau khi chiếc tàu ngầm chở họ bị hỏng. Cuộc săn lùng diễn ra sau đó đã khiến hầu hết những người lính này thiệt mạng, cùng 13 người ở phía Hàn Quốc.

"Lính đặc nhiệm Triều Tiên là một thành phần chủ chốt trong quân đội bên cạnh bom nguyên tử, tên lửa và pháo binh. Mục tiêu của họ là tạo ra càng nhiều chiến trường càng tốt, nhằm khiến đối phương rối loạn" - Kim Yeon Su, một giáo sư tại Đại học Quốc phòng Hàn Quốc nói.

Pháo binh có thể bắn tới Seoul

Triều Tiên đã nhắc nhở người ta nhớ rằng pháo binh của nước này có thể làm gì, khi nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, làm 4 người chết vào tháng 11.2010.

Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên có hơn 13.000 cỗ pháo và các khẩu đội pháo tầm xa của nước này có thể bắn tới Seoul, thành phố có hơn 10 triệu người sinh sống và chỉ nằm cách biên giới có 50km.

"Lợi thế lớn nhất của Triều Tiên là pháo binh của nước này có thể bắn phá nặng nề thủ đô Hàn Quốc" - Mark Fitzpatrick, một cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từng ước tính rằng 70% các khẩu đội pháo của Triều Tiên đặt ở vùng biên giới có thể bị vô hiệu hóa trong 5 ngày kể từ khi chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên nổ ra. Tuy nhiên Sohn Yong Woo, một giáo sư về an ninh tại Đại học Hannam của Hàn Quốc đã đánh giá ngay cả trong tình huống này, Hàn Quốc vẫn khó có thể ngăn chặn việc hàng triệu dân thường thiệt mạng bởi pháo kích, cũng như việc cuộc chiến có thể ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Thủy, lục, không quân

Tháng 3.2010, 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng tại Hoàng Hải khi tàu chiến Cheonan trở họ bất ngờ nổ tung và gãy làm đôi. Seoul đã cáo buộc tàu ngầm của Triều Tiên đứng sau vụ tấn công. Tuy nhiên Bình Nhưỡng bác bỏ sự liên quan.

Trước đó, từ năm 1999, Hải quân Hàn Quốc và Triều Tiên đã có 3 cuộc đụng độ đẫm máu trên khu vực tranh chấp ở Hoàng Hải. Các chuyên gia nói rằng thông qua những cuộc tranh chấp như thế, Triều Tiên cho thấy dù Hàn Quốc có sự vượt trội về hỏa lực và công nghệ, Triều Tiên lại có yếu tố bất ngờ. Đơn cử như việc các tàu ngầm có thể giúp Triều Tiên rải lính đặc nhiệm dọc theo bờ biển Hàn Quốc mà đối phương không hay biết.

John Pike, lãnh đạo tổ chức tư vấn Globalsecurity.org đánh giá Triều Tiên có 820 chiếc máy bay các loại. Nhưng phần lớn đều cổ lỗ và thiếu nhiên liệu, buộc không quân phải giảm bớt số chuyến bay.

"Triều Tiên sẽ không thể tổ chức chiến tranh tổng lực trong thời gian dài. Vấn đề lớn nhất là Triều Tiên có thể nhanh chóng mất quyền kiểm soát bầu trời vì sự vượt trội của không quân Mỹ và Hàn Quốc. Ngoài ra, các con số về máy bay của Triều Tiên cũng vô nghĩa vì nhiều chiếc trong đó không thể bay và phi công Triều Tiên cũng ít được huấn luyện" - Fitzpatrick nhận xét.

Hoạt động hỗ trợ hậu cần cũng là một vấn đề. Các thiết bị hạng nặng do hải quân và không quân triển khai thường cần được sửa chữa cẩn thận, đặc biệt là khi chúng phải hoạt động ở các địa hình gồ ghề như trên bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã ước tính rằng nguồn lực quân sự dự trữ của Triều Tiên sẽ chỉ đủ để đáp ứng cho từ 2-3 tháng chiến tranh.

Triều Tiên đã bù lại tình trạng thiếu hụt trang thiết bị quân sự bằng nhân lực lớn. Triều Tiên dù chỉ có 25 triệu dân, nhưng lại có tới 7,7 triệu quân dự bị.

imgLực lượng tên lửa và pháo binh là một trong những điểm sáng của quân đội Triều Tiên

Tên lửa và vũ khí hạt nhân

Triều Tiên tuyên bố nước này cần phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe chống lại "sự gây hấn" của Mỹ. Nước này đã có 3 cuộc thử hạt nhân kể từ năm 2006 và gần đây nhất là vào tháng 2.

Theo Siegfried Hecker, một chuyên gia về hạt nhân tại Đại học Stanford, Bình Nhưỡng được cho là có đủ lượng plutonium đã được làm giàu cao đủ để sản xuất từ 4-8 vũ khí hạt nhân.

Nhưng ông nghi ngờ khả năng Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ thu nhỏ vũ khí hạt nhân để gắn lên đầu đạn tên lửa. Ông cũng không tin Triều Tiên đã có khả năng tấn công phủ đầu hạt nhân nhằm vào Mỹ và cho rằng khả năng tấn công tên lửa của nước này vẫn chỉ dừng lại ở mức tầm ngắn.

Vũ khí sinh hóa

Triều Tiên bác bỏ việc nước này có các chương trình vũ khí sinh học và hóa học. Tuy nhiên Hàn Quốc vẫn tuyên bố Bình Nhưỡng đang sở hữu tới 5.000 tấn vũ khí hóa học.

Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế nói rằng dù con số Hàn Quốc đưa ra mang tính phỏng đoán cao, nhiều khả năng Triều Tiên có sở hữu một chương trình vũ khí sinh hóa nhất định. Cho dù khả năng thực sự về vũ khí sinh hóa của Triều Tiên ra sao, giả định rằng nước này có sở hữu vũ khí sinh hóa sẽ giúp tạo nên yếu tố răn đe nhất định với các kẻ thù tiềm năng.

Triều Tiên hiện chưa đặt bút ký vào Công ước về vũ khí hóa học, nhưng đã tán thành Công ước về Vũ khí sinh học và độc tố.

Theo Thể thao & Văn hóa
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem