Triều Tiên kiếm đâu hàng tỷ USD cho tham vọng hạt nhân?

Đăng Nguyễn - Washington Post, Reuters, ABC News Thứ ba, ngày 13/09/2016 18:55 PM (GMT+7)
Mặc dù bị trừng phạt kinh tế ngặt nghèo, Triều Tiên vẫn có nhiều cửa kiếm tiền phục vụ chương trình hạt nhân rất tốn kém.
Bình luận 0

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đứng trước lệnh trừng phạt kinh tế của Liên Hợp Quốc và nhiều khó khăn nội bộ, Triều Tiên vẫn tập trung nguồn lực vào chương trình hạt nhân nhằm đối phó với Mỹ và Hàn Quốc, các nước Bình Nhưỡng coi là thù địch.

Chính phủ Hàn Quốc ước tính Triều Tiên đã tiêu tốn từ 2,8-3,2 tỷ USD cho chương trình hạt nhân. Mặc dù các chuyên gia cho rằng, rất khó để có thống kê chính xác vì tính chất bí mật của chương trình này.

Năm 2011, Triều Tiên được cho là đã tiêu tốn 700 triệu USD cho chương trình hạt nhân. Con số này đã tăng lên 1,5 tỷ USD trong vụ thử hạt nhân lần 3 năm 2013. Trong khi đó, chỉ riêng chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ năm 2011 đã đạt mức 61,3 tỷ USD.

Bán vũ khí, chuyển giao công nghệ hạt nhân

img

Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh.

Các quốc gia đang phát triển ở Trung Đông và châu Phi thường là đối tác mua vũ khí của Triều Tiên, chủ yếu là tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Từ những năm 1980, Triều Tiên trở thành đối tác cung cấp vũ khí thường xuyên cho Iran. Doanh số tăng đáng kể trong cuộc chiến Iran - Iraq, Bình Nhưỡng đã thu về 800 triệu USD chỉ riêng trong năm 1982.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng chuyển giao nguyên liệu, công nghệ hạt nhân vốn bị cấm cho Iran và Syria

Bình Nhưỡng yêu cầu Iran trả tiền mua vũ khí bằng đồng USD, tạo thành nguồn cung cấp ngoại tệ chủ lực. Thỏa thuận buôn bán chỉ chấm dứt vào năm 2006, sau lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.

Năm 2007, nguyên liệu có thể được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho tên lửa Scud bị phát hiện đang trên đường tới Syria. Cuối năm 2012, hải quan cảng Busan (Hàn Quốc) chặn tàu Triều Tiên vốn đang trên hành tới Syria, chở hơn 445 xylanh than chì có thể dùng trong sản xuất tên lửa đạn đạo.

Năm 2009, Thái Lan chặn một máy bay từ Bình Nhưỡng chở 35 tấn vũ khí thông thường, bao gồm các tên lửa đất đối không. Chính quyền Thái Lan nói người nhận số vũ khí này là Iran, đối tác thương mại tên lửa và vũ khí lớn nhất của Triều Tiên.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng cố gắng bán tên lửa tầm ngắn và rocket từ thời Liên Xô đến cho các khách hàng ở châu Phi.

Giao thương với Trung Quốc

img

Thương lái Trung Quốc chuẩn bị hàng hóa gửi sang Triều Tiên.

Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Triều Tiên, đóng vai trò quan trọng trên phương diện ngoại giao và kinh tế của Bình Nhưỡng. Thành phố vùng biên Đan Đông là trung tâm giao thương giữa hai nước.

Theo thống kê, Trung Quốc đóng góp tới hơn 90% tỷ trọng thương mại Triều Tiên, hơn một nửa trong số này đến từ Đan Đông.

Bất chấp lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc hồi đầu năm nay, giao thương giữa hai nước vẫn bùng nổ. Phóng viên ABC News ghi nhận, chỉ trong 2 giờ, có tới 100 xe tải chở hàng hóa được thông quan qua Triều Tiên mà không hề bị kiểm tra.

Trung Quốc cũng bị nghi chuyển giao cho Triều Tiên thiết bị sử dụng trong lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu. Bắc Kinh không thể trừng phạt mạnh tay với Bình Nhưỡng vì lo ngại những bất ổn khó lường, dẫn đến làn sóng người tị nạn tràn qua biên giới.

Ước tính Triều Tiên năm 2015 đã thu về 225 triệu USD từ hoạt động thương mại với đối tác lớn nhất trong khu vực.

Khu công nghiệp chung Kaesong

img

Nhân viên an ninh Hàn Quốc hôm qua đứng gác trên con đường dẫn vào khu công nghiệp chung Kaesong.

Chính phủ Hàn Quốc hồi đầu năm nay nghi ngờ rằng, 70% số tiền trả lương cho công dân Triều Tiên bằng đồng USD và chi phí khác ở khu công nghiệp chung Kaesong được Triều Tiên sử dụng cho chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa.

Chính phủ và các công ty Hàn Quốc đã đầu tư 829 triệu USD vào khu Kaesong, bao gồm 553 triệu USD bằng tiền mặt từ hơn một thập kỷ trước. Hơn 120 công ty Hàn Quốc đã tuyển dụng khoảng 54.000 lao động Triều Tiên làm việc tại Kaesong, tiền lương khoảng 160 USD/tháng và thấp nhất là 70 USD/tháng.

Triều Tiên cũng bị nghi tịch thu đồng USD mà các công nhân nhận được và phát lại cho công nhân bằng nội tệ. Việc quy đổi cũng dựa trên tỷ giá mà Triều Tiên quy định.

Năm ngoái, Triều Tiên thu về 120 triệu USD từ Kaesong. Hàn Quốc đã đóng cửa khu công nghiệp này kể từ hồi tháng 2.

Xuất khẩu lao động

img

Các cô gái Triều Tiên biểu diễn tại một nhà hàng ở phía bắc Trung Quốc.

Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 5, Mỹ và Hàn Quốc đang chịu sức ép trước việc hạn chế Bình Nhưỡng xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Hiện có ít nhất 50.000 người Triều Tiên đang làm việc ở hàng chục quốc gia nước ngoài. Khoảng 80% số lao động này làm việc tại Nga và Trung Quốc, trong các khu công nghiệp dệt may, công trường xây dựng hoặc đốn củi ở Siberia.

Ngoài ra, có các bác sĩ Triều Tiên làm việc tại Campuchia và Libya, xây tượng, làm nghề điêu khắc ở Senegal và Namibia. Ngoài ra, có một số người làm việc tại Mông Cổ và Qatar. Những người Triều Tiên thường làm việc tại nước ngoài trong 3 năm và chịu sự giám sát chặt chẽ.

Những người này chỉ được nhận một phần ba tổng số thu nhập mà họ kiếm được, ví dụ 100$ cho mức lương 300$ của công nhân thợ may ở Trung Quốc, phần còn lại nhà nước Triều Tiên thu trực tiếp. Trung tâm thống kê về nhân quyền Triều Tiên ở Hàn Quốc ước tính, chính quyền Kim Jong-un nhận được 300 triệu USD mỗi năm theo cách này.

Các chuyên gia nhận định, Triều Tiên ngày càng phụ thuộc vào nguồn lao động ở nước ngoài để thu ngoại tệ, sau khi phải hứng chịu lệnh cấm xuất khẩu tài nguyên như than đá và quặng sắt từ Liên Hợp Quốc hồi tháng 3 năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem