Bị can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú sau gần một năm lẩn trốn. (Ảnh: IT)
Không quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự
Theo LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), tại điều 46 của Bộ luật hình sự hiện hành có quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nhưng không có quy định nào về tình tiết đầu thú.
“Trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự định khung chỉ có quy định “người phạm tội tự thú”. Tự thú nghĩa là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú”, LS Dũng phân tích.
Vẫn theo LS Trịnh Anh Dũng, “đầu thú” là khi đã biết mình phạm tội, biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện. Trường hợp như Trịnh Xuân Thanh đã bị Cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố bị can, bị truy nã quốc tế, gần năm sau mới ra trình diện như vậy là đầu thú.
“Đầu thú không được quy định là tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật hình sự nhưng tại Công văn số 81/2002 của Toà án nhân dân Tối cao có hướng dẫn cụ thể: Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội, người phạm tội biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Nếu so sánh thì tự thú có giá trị lớn hơn nhiều trong việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với đầu thú”, LS Trịnh Anh Dũng phân tích.
Trịnh Xuân Thanh có thể tự tạo ra tình tiết giảm nhẹ cho mình
Việc bị can Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú không được quy định là tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật hình sự. (Ảnh: Dân Việt)
Trong khi đó, theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đang trong quá trình điều tra, chưa thể khẳng định các bị can phạm vào tội gì và có những tình tiết nào để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên có thể thấy trường hợp như Trịnh Xuân Thanh, ngoài tình tiết giảm nhẹ là đầu thú quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị can này có thể tạo ra các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác cho bản thân. Ví dụ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; lập công chuộc tội; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả…
“Khi người phạm có được 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 của Bộ luật hình sự, Tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật” – LS Tiến cho biết.
Theo các LS, trường hợp Trịnh Xuân Thanh đang bị điều tra về hai tội là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng (khung phạt cao nhất của tội danh này 20 năm tù) và tội Tham ô tài sản (khung hình phạt cao nhất của tội danh này là tử hình). Nếu trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xác định Trịnh Xuân Tham phạm tội Tham ô tài sản, tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy tố theo khoản 4 điều 278 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt từ tù chung thân hoặc tử hình.
Theo LS Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, tội Tham ô tài sản nằm trong nhóm tội danh về tham nhũng. Khách thể bị xâm hại của tội phạm này là tài sản của Nhà nước, nếu người vi phạm khắc phục hậu quả thiệt hại tốt thì khi ra tòa có thể mức án dành cho người đó được giảm nhẹ.
Luật sư Chi cho biết thêm, trong Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng thẩm phán có hướng dẫn áp dụng quy định một số quy định của các điều luật, trong đó có điều 278. Theo đó, người phạm tội tham ô tài sản ở vào mức phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Người phạm tội được coi là đã bồi thường một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu: Bồi thường ít nhất 1/2 giá trị tài sản bị chiếm đoạt; Đã bồi thường từ 1/3 đến dưới 1/2 giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn...đến mức tối đa).
Ngày 15.9.2016, Bộ Công an đã ra Quyết định số khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên, đồng thời ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC.
Cùng ngày Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định đối tượng đã bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã quốc tế.
Ngày 15.3.2017, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo tại vụ án lừa bán đất cho gần 500 khách hàng ở dự án khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội), ngay tại phiên xử, Tòa đã khởi tố vụ án Tham ô tài sản và xác định nghi can Trịnh Xuân Thanh có liên quan đến vụ án này.
Ngày 31.7.2017, bị can Trịnh Xuân Thanh đã đến Cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an để đầu thú sau gần 1 năm ẩn náu ở nước ngoài trốn truy nã.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.