Bộ Công an thông báo bị can Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú.
Ngày 31.7, Bộ Công an cho biết, bị can Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú.
Cùng nhìn lại sự nghiệp và hành trình vướng vòng lao lý của nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Con đường công danh của Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, quê ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, đăng ký hộ khẩu thường trú tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội). Bị can 51 tuổi có trình độ Đại học kiến trúc, Kỹ sư Quy hoạch đô thị.
Trong thời gian từ năm 2007 - 2013, ông Trịnh Xuân Thanh đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC.
Sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục giữ các chức vụ Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương rồi Vụ trưởng - Ban Đổi mới Doanh nghiệp Bộ.
Tháng 5.2016, Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển về giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trên cơ sở trao đổi, thống nhất giữa Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang.
Phó Chủ tịch tỉnh sử dụng xe Lexus tư gắn biển số xanh
Đầu năm 2016, báo chí phản ánh việc Trịnh Xuân Thanh, lúc đó là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang được đưa đón bằng xe Lexus đắt tiền, chiếc xe này là xe tư nhưng gắn biển số xanh.
Trịnh Xuân Thanh được đưa đón bằng xe Lexus đắt tiền, chiếc xe này là xe tư nhưng gắn biển số xanh.
Ngoài việc sử dụng xe Lexus, báo chí khi đó còn phản ánh tình trạng thua lỗ nặng ở PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 và dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Sau đó, ngày 9.6.2016, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung báo chí, dư luận phản ánh.
Trịnh Xuân Thanh chịu trách nhiệm chính về vi phạm ở PVC
Ngày 8.9, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh (Tỉnh uỷ viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang).
Ban Bí thư biểu quyết bằng phiếu kín, với 100% phiếu đồng ý kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Trịnh Xuân Thanh.
Kết luận của Ban bí thư nêu, trong thời gian từ 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT PVC, dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh cùng Ban lãnh đạo PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm" và thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2013). Nhiều tổ chức, cá nhân trong PVC bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Ban Bí thư đánh giá là những sai phạm trên là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Mặc dù vậy, trong kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của mình.
Khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Thanh dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định của pháp luật, gây phản cảm và tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc làm đó của ông Thanh là thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Ban Bí thư kết luận ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC.
Tháng 9.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Trịnh Xuân Thanh để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trước thời điểm bị khởi tố, Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc và quốc tế đối với bị can này.
Tiếp đó, giữa tháng 3.2017, sau quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh về tội “Tham ô tài sản”.
Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn không theo đường chính ngạch
Cuối tháng 12.2016, trả lời báo chí tại Hội nghị tổng kết hoạt động công tác ngành Công an năm 2016, Thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho hay, Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn không phải qua đường chính ngạch.
Theo Thiếu tướng Các, thời điểm tống đạt quyết định khởi tố bị can thì Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn.
Trước câu hỏi báo chí đặt ra có hay không việc để lộ lọt thông tin khiến Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo quy định, khi cơ quan Công an chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không thể áp dụng biện pháp trái với pháp luật. Ông cũng khẳng định không có bất cứ bí mật nội bộ nào cũng như việc để lộ lọt thông tin nội bộ trong ngành khiến Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn.
Huỷ bỏ các danh hiệu của Trịnh Xuân Thanh và PVC
Tháng 5.2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa ký quyết định hủy bỏ Quyết định khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba đối với Trịnh Xuân Thanh.
Cùng với việc hủy bỏ danh hiệu đối với cá nhân Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng quyết định hủy bỏ danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì đối với PVC.
Ngày 31-7, thông tin từ Bộ Công an cho biết bị can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú sau gần 10 tháng bị truy nã quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.