Dường như “thương hiệu” gắn liền với nhiều DNNN là làm ăn thua lỗ nhưng lãnh đạo lại hưởng lương khủng.
Ông Trịnh Xuân Thanh từ một doanh nhân “chuyển ngạch” sang làm công chức. Đây dường như là con đường an toàn cho những lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau khi phá tan tành doanh nghiệp, làm ăn thua lỗ, gây thất thoát tiền của Nhà nước lên tới con số nghìn tỷ.
Trước Trịnh Xuân Thanh đã từng có Dương Chí Dũng, sau khi phá nát Vinalines thì về làm Cục trưởng Cục Hàng hải?! Những vụ việc như thế này, nếu không bị phát giác, truy tố tới cùng thì dân chỉ biết “ngửa mặt than trời” vì tiếc cho những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình đóng thuế lại bị phung phí, không hiệu quả.
Ông Trịnh Xuân Thanh
Sau vụ việc của Vinashin, Vinalines, PVC… người dân có còn tin tưởng vào uy tín, hiệu quả kinh tế của DNNN? Rõ ràng niềm tin ấy đã bị lung lay và ngày càng giảm đi khi mà những con số khủng về thua lỗ liên tục được công bố, trong khi họ - những người lãnh đạo các DN này, lại hưởng một mức lương mà bất kỳ một công chức mẫn cán nào cũng phải mơ ước. Cụ thể, với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, một năm được trả lương lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Nói đến DNNN, nhiều người nghĩ ngay tới việc làm ăn kém hiệu quả thế nhưng, lương của lãnh đạo các DN này lại luôn ở mức “khủng”. Cho dù Chính phủ đã ban hành qui định về thang bảng lương của lãnh đạo DNNN nhưng đó chỉ là “tham chiếu” vui vui, chứ mấy lãnh đạo DN nào chịu mức lương đó. Chuyện này nói mãi rồi cũng thành nhàm. Thua lỗ thì cứ kéo dài, còn lương thì vẫn cao.
Đảng, Nhà nước và Chính phủ có nhìn ra những điểm yếu này của DNNN và người đứng đầu DN hay không? Có nhìn ra từ rất lâu rồi. Chính vì thế mà Chính phủ luôn thúc giục đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, đổi mới, sắp xếp lại DNNN. Thế nhưng, nhiều người còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa nên tiến trình này luôn bị kéo chậm lại hoặc trì hoãn. Họ đã góp phần làm méo mó nền kinh tế, khi mà những đặc quyền, đặc lợi của DNNN khiến cho thị trường không còn tuân theo quy luật cung - cầu, giá cả - chất lượng...
Theo đề án tái cơ cấu DNNN, đến năm 2020, số DNNN sẽ giảm từ 1.309 xuống còn 17 tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn Nhà nước và khoảng 200 DN trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu được đặt ra là thực hiện tái cấu trúc DNNN, trên cả nước sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các DNNN còn lại, đồng thời cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư của khu vực này.
Mục tiêu đặt ra là vậy nhưng nhiều người tin rằng, với tốc độ “rùa bò” như hiện nay, đến năm 2020 chúng ta chưa thể cán đích cổ phần hóa DNNN. Lực cản lớn nhất là “lợi ích nhóm”. Bởi lâu nay, DNNN đã trở thành mảnh đất màu mỡ, đặc quyền, đặc lợi của một số cá nhân. Những ông lãnh đạo ở đây trở thành/được đối xử như những ông “vua con”. Thế mới có chuyện, sinh nhật bố sếp, Công ty bỏ cả nửa tỷ để mua quà!
Tổng Bí thư đã có Chỉ thị yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc Trịnh Xuân Thanh và một số vụ việc khác liên quan đến các DNNN. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng đã vào cuộc. Dư luận mong rằng, sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh, chúng ta cần một cuộc "thay máu" đối với DNNN, công tác cán bộ, sử dụng người đứng đầu các DNNN cần được xem xét kỹ lưỡng hơn để tránh những thất thoát đáng tiếc như thời gian qua. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” và đừng để DNNN trở thành gánh nặng, là cái nợ của dân!
An Nhi (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.