“Trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hậu Giang, chắc chắn, ít có đồng chí nào hiểu đồng chí Trịnh Xuân Thanh nhiều như tôi.” và “Tôi muốn làm cho rõ, nhất là chỗ dư luận nói có tiêu cực, chạy chọt. Ông Thanh “chạy” Hậu Giang là chạy ai và “chạy” bao nhiêu?” – đó là những trần tình của ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc trả lời phỏng vấn
Chỉ Bộ Công thương và Hậu Giang thực hiện việc luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh?
Chỉ căn cứ vào Văn bản của Hậu Giang, ông Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh. Còn Hậu Giang cũng chỉ căn cứ vào Quyết định thuyên chuyển của Bộ Công thương để ra Quyết định tiếp nhận cán bộ. Vì sao trong các Quyết định trên không có các căn cứ của Ban Tổ chức Trung ương hay Bộ Nội vụ, thưa ông?
- Ban Tổ chức Trung ương đã ký Văn bản số 6149 gửi cho Hậu Giang với nội dung: Tỉnh uỷ Hậu Giang được tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 từ nguồn nhân sự theo nhu cầu của tỉnh tại Văn bản số 766. Ý thứ 2 trong văn bản 6149, đó là: Đề nghị Hậu Giang trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương để thống nhất lựa chọn nhân sự, bảo đảm đúng tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi trình HĐND bầu.
Trong Công văn số 776, tôi xin đồng chí Trịnh Xuân Thanh. Nếu anh đồng ý với Công văn 766 này, có nghĩa là anh đồng ý với đề nghị của Hậu Giang. Còn việc phối hợp trao đổi, địa phương sẵn sàng làm điều này và tôi đã chủ động làm vấn đề này.
Thời gian xin đồng chí Trịnh Xuân Thanh không phải ngắn, từ 2011 cho đến 2015. Tôi thấy có cái gì đó mập mờ, không rõ.
Ông thấy “mập mờ”, “không rõ” ở vấn đề nào, trong những văn bản nào?
- Sau khi đồng chí Lê Hồng Tịnh về Trung ương, Hậu Giang rất cần một Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giao đồng chí Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh ký một số văn bản gửi Bộ Nội vụ và Chính phủ, gồm: Văn bản ngày 20/9/2011; 4/6/2012 và 10/7/1012. Chúng tôi đã đề nghị bầu cử bổ sung đồng chí Bùi Văn Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Nội vụ, giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cả 3 Văn bản này, Chính phủ và Bộ Nội vụ đều không trả lời.
Ngày 17.10.2013, sau khi trao đổi trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi ký Văn bản số 766 gửi Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Công thương xin bổ sung một cán bộ. Tôi ghi rõ là đồng chí Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 14.1.2014, Ban Tổ chức Trung ương trả lời bằng Công văn số 6119, sau đó là Công văn số 6149. Hai văn bản này có một điểm tôi hơi băn khoăn. Giữa công văn 6119 và 6149 chỉ cách nhau mấy ngày, nhưng nơi gửi có thay đổi. Văn bản thứ 2 không gửi đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Vì sao có sự thay đổi này?
Ban Tổ chức Trung ương không tham gia vào việc này, rồi đồng chí này không phải dạng luân chuyển,.v.v…Vậy tại sao Ban Tổ chức Trung ương đồng ý cho đồng chí Trịnh Xuân Thanh vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy? Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Bộ Chính trị phê duyệt kết quả Đại hội của Hậu Giang; trong đó, có đồng chí Trịnh Xuân Thanh. Văn bản tôi còn giữ đây.
Tôi hỏi mấy anh, như vậy, chuyện này có phải chỉ giữa Bộ Công thương và Tỉnh ủy Hậu Giang làm không?
Nhưng khi nhận Quyết định của Bộ Công thương thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang, Ban Thường trực, rồi Thường vụ Tỉnh uỷ Hậu Giang không nhận ra khiếm khuyết gì hay sao, bởi luân chuyển cán bộ cấp này không thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương?
- Chúng tôi rất áy náy về việc này. Nên Thường trực Tỉnh uỷ Hậu Giang chỉ đạo đồng chí Huỳnh Thanh Tạo, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đăng ký gặp Ban Tổ chức Trung ương hỏi lại vấn đề này. Lúc đó, đồng chí Tạo gặp đồng chí Nguyễn Hoàng Việt, Phó Ban Tổ chức Trung ương phụ trách phía Nam. Đồng chí này cho rằng, vì không phải là cán bộ luân chuyển mà là cán bộ thuyên chuyển nên việc nhận và phân công nhiệm vụ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang quyết định. Sau đó, chúng tôi về làm các quy trình tiếp theo, bầu Phó Chủ tịch, đề nghị phê chuẩn, đề nghị bổ sung vào cấp ủy.
Đồng chí Trịnh Xuân Thanh không phải là cán bộ luân chuyển, không có trong danh sách của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Công tác này Trung ương biết, chứ chúng tôi làm sao biết đồng chí đó có trong danh sách hay không. Tôi có nằm trong Bộ Chính trị hay Ban Bí thư đâu mà biết được.
Còn về thẩm quyền ký văn bản của anh Vũ Huy Hoàng thuyên chuyển đồng chí Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang, đó là việc của Bộ Công thương. Tôi cũng đinh ninh, khi anh Hoàng ký văn bản này, đã có ý kiến của Ban Tổ chức và Chính phủ rồi.
Tất cả những văn bản chúng tôi gửi Bộ Công thương đều gửi cho Ban Tổ chức. Bộ Công thương gửi thông báo cho Hậu Giang, cũng đều gửi cho Ban Tổ chức. Đáng nhẽ, các anh ấy thấy việc đó giữa Bộ Công thương và Hậu Giang là sai nguyên tắc, mấy anh cũng cho ý kiến, nhắc nhở. Mấy anh không có ý kiến gì nên chúng tôi cho rằng vậy là xong rồi.
"Không ai biết rõ ông Trịnh Xuân Thanh hơn tôi!"
Mối quan hệ giữa ông với ông Trịnh Xuân Thanh như thế nào trước khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hậu Giang xin bổ sung?
- Tôi biết đồng chí Trịnh Xuân Thanh hồi còn làm Chánh Văn phòng Tập Đoàn Dầu khí. Đồng chí này vào Hậu Giang dự Lễ khởi công cở sở hạ tầng dùng chung của Nhà máy Nhiệt điện Hậu Giang, đó là lần thứ nhất.
Lần thứ 2 là dịp khởi công khu tái định cư của Hậu Giang, lúc đó, đồng chí Trịnh Xuân Thanh là Chánh Văn phòng của Bộ Công thương. Dần dần, mình tìm hiểu qua các đồng chí ở trên Trung ương, rồi các đồng chí bạn bè quen thân, kể cả đồng chí Tịnh.
Trước đây, đồng chí Tịnh cũng là người ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Trên cơ sở đó, tôi đặt vấn đề với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Tôi là người đề xuất với Thường trực, Ban thường vụ.
Tôi đi họp Quốc Hội, họp Trung ương, tôi cũng có nhiều thông tin, nhưng rất tiếc, việc làm ăn thua lỗ ở Tập đoàn Dầu khí, tôi không được nghe ai nói. Thành ra, mình có chủ quan.
Khi có nhu cầu một Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách mảng công nghiệp, ông đã xin đích danh ông Trịnh Xuân Thanh. Tại sao ông xin đích danh, có lợi ích nhóm trong việc đó không?
- Việc xin đích danh là như thế này. Nhiều người cũng nói, tại sao lại xin anh A, B. Người ta suy diễn, chắc ông này chạy chọt chỗ mình nên mình xin đích danh. Ngay từ đầu, tôi nói với các đồng chí rằng, cả 3 văn bản chúng tôi xin người địa phương nhưng Chính phủ không trả lời.
Sau đó, tôi ký văn bản đó, bởi Hậu Giang có nhà máy điện, khu công nghiệp có nhiều nhà máy lớn muốn có một đồng chí hiểu biết về lĩnh vực công nghiệp. Và qua tham khảo ý kiến anh em, thì các đồng chí giới thiệu, cung cấp thông tin về anh Trịnh Xuân Thanh. Tôi xin đích danh là để phục vụ nhu cầu của địa phương. Chỗ này không có động cơ gì khác ngoài để quản lý, điều hành các nhà máy này.
"Phương pháp tôi làm không chặt chẽ, sai"
Về nguyên tắc, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phải họp để cho ý kiến về nhân sự mới này. Nhưng Ban Thường vụ không họp. Phải chăng ông muốn tạo ra một chuyện đã rồi và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phải chấp nhận?
- Tôi cũng nói thật với các đồng chí, bây giờ, các đồng chí đặt vấn đề tại sao không họp Thường vụ. Trong Ban Thường vụ, hiểu đồng chí Trịnh Xuân Thanh, chắc chắn, ít có đồng chí nào hiểu nhiều như tôi. Dù có họp đi nữa thì khi tôi nêu ý kiến, chắc chắn ban Thường vụ cũng đồng ý thôi.
Nhưng phương pháp tôi làm không chặt chẽ, sai. Phê bình chuyện đó, tôi chấp nhận. Mình nghĩ họp cũng thế thôi vì cho rằng anh em không nắm được chuyện này bao nhiêu. Mình bị khuyết điểm chỗ này. Tôi đã làm bản tự kiểm, nêu đầy đủ hết rồi.
Bản kiểm điểm đó có những nội dung gì, thưa ông?
- Một là: Xin đồng chí Trịnh Xuân Thanh, không chỉ đạo cho cơ quan chuyên môn thẩm định; làm rõ lý lịch đồng chí Thanh, ưu điểm, khuyết điểm.
Thứ 2: Không họp Ban thường vụ để báo cáo với Ban thường vụ về đồng chí Thanh; Tiểu sử thế nào, ưu điểm, khuyết điểm thế nào để Ban thường vụ bàn bạc cho ý kiến trước khi ký văn bản, ký văn bản rồi mới xin ý kiến.
Hai nội dung đó thuộc về cá nhân tôi. Nhưng thực sự, việc thẩm định hồ sơ rất khó. Một quá trình, từ 2009 đến 2011, đồng chí Trịnh Xuân Thanh ở Tập Đoàn Dầu khí, về Bộ Công thương làm Phó Chánh Văn phòng, rồi Chánh Văn Phòng, được quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương,.v.v…
Thứ hai, nhận xét của Bộ Công thương gửi tôi lúc đó cũng ngon lành, chẳng có khuyết điểm gì hết. Những năm 2009, 2010, 2011, đơn vị đồng chí này lãnh đạo nhận 2 Huân chương Lao động, rồi Anh hùng Lao động; không nghe ai tố cáo, không nghe báo chí đưa tin; về Hậu Giang cũng êm ru làm Phó Chủ tịch, vô Tỉnh ủy, thành ra mình chủ quan.
“Tôi trách nhiệm đến đâu, xin xử lý đến đấy”
Vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, được Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo, cho thấy rõ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và việc xử lý vi phạm là không có vùng cấm, không loại trừ một cá nhân nào. Ông có suy nghĩ gì trong những ngày qua?
- Tôi nói thật các đồng chí, tôi rất vô tư, rất thanh thản, rất mong muốn làm việc này cho rõ để không những người dân, Đảng bộ Hậu Giang và Nhân dân cả nước hiểu được đúng, sai. Bây giờ, rõ ràng, ai muốn nghĩ sao cũng được! Ông Thanh về Hậu Giang lo lót cho ông Chắc 5 - 10 tỷ hay 20 tỷ gì đó cũng không chừng? Hoặc lo cho Bộ Công thương hoặc lo lót cho ai đó. Tôi nói thí dụ như vậy. Nếu kiểm tra ra, điều tra ra, ai là người tiêu cực; ai chạy, ai nhận; lúc đó, phán quyết theo pháp luật, theo quy định của Đảng.
Tôi rất vô tư, rất thẳng thắn, rất trách nhiệm. Nếu sai, sẵn sàng nhận, công tâm khách quan như Tổng Bí thư chỉ đạo. Tôi khuyết điểm đến đâu, xử đến đó. Tôi muốn làm cho rõ, nhất là chỗ dư luận nói có tiêu cực, chạy chọt. Ông Thanh “chạy” Hậu Giang là chạy ai? “Chạy” bao nhiêu? Ai chạy thì bắt tội, và bắt tội cả người nhận.
Xin cảm ơn ông.
Nhóm PV (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.