Đăng ký nhiều tuần mới được học phòng máy
Cho rằng khi được xem các thước phim lịch sử, các em thường nhớ sâu, nhớ lâu hơn việc học chỉ thông qua trang sách nhưng em Giang Thị Mộng Thư, học sinh (HS) lớp 7/6 Trường THCS Tân Tạo (Bình Tân, TPHCM) bày tỏ ở trường mình, muốn được học ở phòng máy, các em phải đăng ký từ nhiều tuần trước mới để có điều kiện xem các clip, bộ phim về tư liệu lịch sử.
Sau ý kiến của Mộng Như, nhiều HS cũng chia sẻ về tình trạng học Sử “chay” như quá ít tư liệu, hình ảnh để các tiếp cận với vấn đề lịch sử. Chưa kể, nhiều hình ảnh trong lịch sử rất mờ, không giúp các em hiểu được sự kiện. Thành ra, nhiều bạn có yêu thích Sử cũng trở nên ngán ngại với môn học này.
Nhiều học trò chia sẻ việc dạy học môn Sử còn khô khan, không hấp dẫn.
Đi tham quan, tìm hiểu tại các di tích lịch sử, bảo tàng là một cách học sinh Sử hiệu quả. Nhưng một số HS cho hay, hiện nay ở trường chỉ một số bạn là đội viên, HS tiêu biểu mới được chọn để tham dự, các em còn lại không có điều kiện tiếp cận là một thiệt thòi.
Minh Thư, đến từ một trường THCS ở quận 4 đặt vấn đề về phương pháp dạy học Sử chưa hấp dẫn. Ở trường, các em được học theo hoạt động sân khấu hóa, hóa vai vào nhân vật của các tác phẩm văn học, HS rất thích nhưng môn Sử lại chưa áp dụng. Theo Thư, môn Sử càng cần áp dụng theo hoạt động này để giúp HS háo hức và hiểu rõ từng vấn đề, sự kiện, nhân vật.
Sắp tới, TPHCM sẽ tiếp tục xây dựng thêm các bảo tàng, nhà trường và các bảo tàng sẽ xây dựng nhiều chương trình phối hợp để đưa HS đến với bảo tàng và đưa bảo tàng đến với HS.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, hứa với các em thiếu nhi sẽ chỉ đạo các trường thực hiện hoạt động đưa HS đi tham quan bảo tàng, di tích hiệu quả hơn. Trong đó sẽ tập trung giải quyết triệt để các vấn đề về kinh phí, thời gian tổ chức và đi phải đạt kết quả.
Học trò yếu kỹ năng ứng xử
Đại diện HS Trường THCS Lê Quý Đôn bày tỏ hiện nay nhiều bạn đến trường với tác phong, lời ăn tiếng nói rất lếch thếch, tóc tai nhuộm đủ màu…, không phù hợp với lối sống của học trò và ảnh hưởng đến môi trường học đường.
Em Lê Ngọc Kim Như, lớp 8 ở quận Tân Phú cho rằng văn hóa xếp hàng của giới trẻ hiện nay rất đáng ngại, ít người chấp hành và biết nhường nhịn nhau.
Theo Như, vấn đề này trước hết các trường phải thật nghiêm khắc để rèn văn hóa, kỷ luật cho học trò. Đặc biệt, các em phải được thực hiện nghiêm từ nhỏ ngay trong môi trường học đường.
Kỹ năng ứng xử kém của thế hệ trẻ cũng là lo ngại của nhiều học trò.
Nêu ra thực tế nhiều HS khi gặp khó khăn về tâm lý, cuộc sống thường sa vào tiêu cực như chán nản, bỏ học, thậm chí nhiều bạn tìm đến cái chết là băn khoăn của em Trần Thu Phương, lớp 72, Trường THCS Trần Gia Thiều, quận Tân Bình.
Cô học trò đề xuất các trường phải chú trọng hơn nữa đến tâm lý HS, trường nào cũng cần có phòng tâm lý để HS tìm đến những lúc gặp khó khăn để tránh những hậu quả đáng tiếc.
“Học trò đang rất xa với với các kỹ năng ứng xử trong cuộc sống. Việc dạy học kỹ năng hiện nay không thiết thực, không gắn liền với thực tế nên HS thiếu kỹ năng sống trầm trọng”, em Trương Thị Phương, HS Trường THPT Chánh Hưng nói.
Từ vấn nạn đạo đức, ứng xử của HS, một nam sinh đề xuất với lãnh đạo cần xem lại cách dạy học môn Giáo dục công dân. Hiện nay, môn học này không được chú trọng, chỉ toàn học lý thuyết chứ chưa thật sự tác động đến các em.
Lãnh đạo TPHCM chúc mừng các em thiếu nhi nhân dịp đầu năm mới.
Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ thiếu nhi đầu năm mới là hoạt động được TPHCM tổ chức hàng năm nhằm tạo môi trường giúp lãnh đạo thành phố lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng và những đề xuất thiết thực của thiếu nhi thành phố trong việc học tập và vui chơi.
Đồng thời, thông qua buổi gặp gỡ, lãnh đạo thành phố trao đổi, nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu của thiếu nhi thành phố trong giai đoạn hiện nay về những vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của thiếu nhi.
Năm nay, có 155 đại biểu thiếu nhi đại diện cho thiếu nhi TPHCM tham gia buổi gặp gỡ.
(Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.