“Trói chân” cầu thủ tới 28 tuổi, HAGL đang làm sai luật?

Chủ nhật, ngày 18/07/2021 18:10 PM (GMT+7)
Việc Công Phượng và nhiều đồng đội khác ở HAGL phải ký hợp đồng chuyên nghiệp kéo dài đến năm 28 tuổi là vi phạm luật chuyển nhượng của FIFA và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Bình luận 0

Những bản hợp đồng 8 năm

Theo Điều 2, khoản 18 Quy chế tư cách cầu thủ của FIFA thì: "Thời hạn tối thiểu của hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho tới hết Mùa giải và thời hạn tối đa của hợp đồng là năm 5 năm. Chỉ được ký hợp đồng có thời hạn khác với quy định này nếu phù hợp với luật pháp quốc gia. Cầu thủ dưới 18 tuổi không được ký hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp có thời hạn dài hơn 3 năm. Bất kỳ điều khoản nào đề cập đến một thời hạn dài hơn đều không được công nhận".

“Trói chân” cầu thủ tới 28 tuổi, HAGL đang làm sai luật? - Ảnh 1.

Công Phượng trong màu áo HAGL. Ảnh: Lê Giang.

Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi bổ sung mới nhất của VFF ban hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ban hành năm 2015, các câu lạc bộ chỉ được ký hợp đồng đào tạo với cầu thủ đến năm 21 tuổi. Khi 18 tuổi, cầu thủ có thể ký hợp đồng chuyên nghiệp, tuỳ thuộc vào thoả thuận với từng câu lạc bộ.

Trong khi đó, Bộ luật Lao động Việt Nam quy định: Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Hợp đồng chuyên nghiệp của cầu thủ Việt Nam chịu được điều chỉnh của Luật lao động và như thế, thời hạn tối đa của hợp đồng chỉ là 3 năm.

Lứa cầu thủ tốt nghiệp Học viện khóa 1 HAGL Arsenal JMG với đa số cầu thủ sinh năm 1995 như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đã sớm ký hợp đồng chuyên nghiệp từ năm 19 tuổi, khi hết tuổi đào tạo và được đưa lên thi đấu chuyên nghiệp ở V.League 2015. Tuy nhiên, HAGL đã ký hợp đồng chuyên nghiệp với các cầu thủ kéo dài đến 8 năm. Như vậy đồng nghĩa với việc, Công Phượng và nhiều đồng đội khác phải cống hiến cho HAGL đến năm 28 tuổi mới được phép chuyển nhượng tự do.

Theo cựu Giám đốc điều hành HAGL, ông Huỳnh Mau, thì đây là việc đã được phía câu lạc bộ và các cầu thủ tự thoả thuận với nhau. Bản thân các cầu thủ đã đồng ý gắn bó với đội bóng 8 năm. Trong khoảng thời gian này, đội bóng nào muốn đàm phán mua, mượn cầu thủ phải thông qua HAGL. Mọi vấn đề chuyển nhượng sẽ do câu lạc bộ đàm phán và số tiền bán cầu thủ sẽ thuộc về câu lạc bộ. Cầu thủ chuyển nhượng trong thời gian này sẽ chỉ nhận 10% tổng chi phí chuyển nhượng. Sau khi hết hợp đồng đào tạo, hợp đồng chuyên nghiệp được xem như những sự tri ân cho câu lạc bộ đã có công đào tạo.

Ảnh hưởng tới tương lai cầu thủ

Năm 2012, VFF từng đưa vào quy chế, cầu thủ sẽ phải thi đấu cho câu lạc bộ đào tạo tới năm 25 tuổi mới được tự do chuyển nhượng thay vì 23 như trước. Tuy nhiên, vì đi ngược lại với quy định của FIFA và AFC mà sau đó VFF đã phải sửa đổi. Theo lý giải của Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn thời điểm đó thì quy định mới có tác dụng khuyến khích các câu lạc bộ tập trung cho công tác đào tạo trẻ. Bởi lẽ, nhiều lò đào tạo bóng đá của Việt Nam chịu thiệt thòi do việc mất công đào tạo cầu thủ nhưng lại bị đội khác dùng tiền để chiêu mộ.

Đây cũng là một đặc thù của bóng đá Việt Nam khi cầu thủ phải thực hiện những hợp đồng trả ơn. Bởi từng có một thời, các cầu thủ Việt Nam xuất thân với hoàn cảnh khó khăn, được các câu lạc bộ cưu mang, bao bọc. Do đó mà khi trưởng thành, các cầu thủ sẽ phải cống hiến cho đội bóng đào tạo trong phần lớn thời gian đỉnh cao của sự nghiệp.

Lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều, Văn Toàn, Hồng Duy, Văn Thanh, Văn Sơn, Thanh Tùng… đã được Học viện HAGL Arsenal JMG đào đạo miễn phí trong 7 năm. Đó cũng là khoá đào tạo thuộc loại chất lượng nhất cho đến thời điểm hiện tại của bóng đá Việt Nam với giáo án chuẩn châu Âu, có các chuyên gia nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Được tuyển chọn trên khắp cả nước, đầu tư và chăm lo, nuôi dạy để trưởng thành, chính vì vậy mà về mặt tình có thể dễ hiểu vì sao bản hợp đồng chuyên nghiệp của các cầu thủ kéo dài đến 8 năm.

Nhưng về mặt lý thì đó là sự "trói buộc" sai với luật, khiến cho chính các cầu thủ chịu thiệt thòi. Nói ngay như câu chuyện chuyển nhượng của Công Phượng, cầu thủ từng sang Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Bỉ thi đấu trước đó theo dạng cho mượn. Phượng đã 26 tuổi, nếu không bị ràng buộc thì ví dụ với cái giá mua đứt 15 tỷ đồng có thể khiến cầu thủ này đổi đời và có một sự nghiệp tốt hơn. Nhiều đồng đội khác của Công Phượng cũng có giá trên dưới 10 tỷ vào thời điểm hiện tại. Thế nhưng, họ không thể tự quyết định tương lai.

Tuổi nghề của cầu thủ Việt Nam không kéo dài như các nền bóng đá phát triển. 28 tuổi có thể đã chạm mốc đỉnh cao hoặc đi xuống nên thường chỉ chơi bóng chuyên nghiệp được 3-4 năm nên cơ hội cũng không còn nhiều, thế nên sẽ là thiệt thòi và cả bất công với cầu thủ HAGL, nếu như đặt cạnh so sánh với các đồng nghiệp ở môi trường bóng đá Việt Nam hiện tại.

Trao đổi với Lao Động, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: "Ngoài việc căn cứ vào Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Quy chế tư cách cầu thủ của FIFA cần phải căn cứ vào cả Bộ luật lao động của mỗi quốc gia. Hợp đồng chuyên nghiệp kéo dài 5 năm, tuỳ theo sự thoả thuận mà các câu lạc bộ và cầu thủ có thể kéo dài hơn. Trong nhiều trường hợp, có thể là những bản hợp đồng lao động không xác định thời hạn, điều này phụ thuộc vào thoả thuận riêng của câu lạc bộ và cầu thủ".

Đăng Huỳnh (Theo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem