Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hối hả xuống đồng gieo cấy lúa xuân
Sau những ngày vui xuân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đồng loạt ra đồng gieo cấy lúa xuân với tâm trạng thoải mái, vui tươi, cười nói rôm rả. Mọi người hy vọng vụ lúa xuân giành thắng lợi, thóc lúa đầy bồ.
Những ngày qua, thời tiết thuận lợi, tạnh ráo, nắng nhẹ nên rất thuận lợi cho bà con nông dân xuống đồng làm cỏ bờ, phân ô, san đất ruộng… Một số nơi ở Nam Định, nông dân xuống đồng ngay từ mùng 3 Tết Nguyên đán.
Ghi nhận tại huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định), nhiều cánh đồng đã được phủ xanh mặt ruộng. Những nhánh mạ non cao chừng 10 cm mới được bà con nông dân cấy xuống ruộng thẳng hàng tăm tắp, đang đón ánh nắng vươn lên và phát triển.
Bà Mai Thị Đông (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường) chia sẻ, vụ xuân năm nay gia đình bà gieo cấy hơn 1 mẫu ruộng. Sáng ngày mùng 3 Tết nguyên đán Giáp Thìn, gia đình bà bắt đầu xuống đồng be bờ giữ nước, làm đất, cào ruộng…
Sau khi nước trong ruộng được tháo cạn dần, gia đình bà thuê thêm 6 lao động gần nhà xuống đồng cấy mạ. Đến ngày mùng 8 Tết Nguyên đán, toàn bộ diện tích ruộng của gia đình bà được gieo cấy xong.
Hiện gia đình bà đang tranh thủ bón phân, phun thuốc trừ cỏ dại, phun thuốc trừ ốc bươu vàng… nhằm tránh gây hại đến mạ non.
"Ngay từ trong năm, khoảng giữa tháng Chạp, gia đình tôi bắt đầu lấy bùn non về nhà để gieo mạ nền. Sau hơn 15 ngày chăm sóc, bón phân, tưới nước… thì những khóm mạ cũng đủ lá, đủ ngày để xuống đồng", bà Đông cho hay.
Vụ xuân năm nay, gia đình anh Phạm Văn Điền (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường) cấy hơn 4 sào lúa. Gia đình anh cấy tay theo phương pháp truyền thống, không gieo sạ (hay còn gọi là gieo vãi - PV) trực tiếp trên đồng như nhiều nơi khác.
Sáng mùng 7 Tết Nguyên đán, gia đình anh đem mạ nền xuống đồng cấy. Anh Điền nhận nhiệm vụ kéo dây, cấy mạ theo hàng dây để phân chia ô (hay còn gọi là chia chuồng - PV), còn vợ con anh cùng nhau cấy trong ô. Gia đình anh cấy đến đâu, quấn gói đến đó.
Anh Điền bảo, cánh đồng khu vực gia đình anh thuộc đồng trũng nên bắt buộc phải cấy tay, không thể gieo vãi trực tiếp xuống đồng được, vì gieo vãi không đảm bảo, hạt giống dễ bị chết.
"Gieo vãi tuy nhàn hơn cấy tay truyền thống, nhưng độ rủi ro cao. Nếu gặp đợt rét đậm bất chợt thì cây mạ chậm phát triển, thậm chí có thể chết rét…", anh Đông nói.
Phấn đấu năng suất lúa xuân đạt trên 68 tạ/ha
Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy hơn 71.000 ha lúa, với cơ cấu giống lúa thuần chiếm 91%, còn lại là lúa lai. Trong đó, huyện Ý Yên gieo cấy trên 12.000 ha lúa, nhiều nhất so với các huyện trong tỉnh.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định thông tin, toàn tỉnh phấn đấu năng suất đạt ≥ 68 tạ/ha; sản lượng ước đạt 480.000 tấn trở lên, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 75% sản lượng; giá trị sản lượng lúa ước đạt 4.500 tỉ đồng.
Theo ông Chính, để đạt được mục tiêu trên, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân tập trung sử dụng các giống thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đối với chân ruộng nhiễm chua, mặn hoặc úng - trũng cần tăng cường sử dụng lúa lai chất lượng cao.
Bên cạnh đó, chủ động, tích cực khắc phục khó khăn, bám sát diễn biến của thời tiết, phấn đấu sản xuất vụ lúa xuân đạt kết quả cao trong mọi tình huống.
Nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản…
"Ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân xong trước ngày 25/2", ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định nói.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Nam Định nhận định, thời gian tới, các đối tượng sâu, bệnh, dịch hại nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên lúa, nhất là bệnh lùn sọc đen, lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma) vì vậy bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng.
Bên cạnh đó, bà con cần chủ động phòng trừ ốc bưu vàng, chuột… bằng các biện pháp sinh học, đảm bảo hệ sinh thái môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.