Dòng sông nào ở Thanh Hóa gắn liền với tên tuổi bà Triệu Thị Trinh, Thái úy Lý Thường Kiệt?
Dòng sông nào ở Thanh Hóa gắn liền với tên tuổi bà Triệu Thị Trinh, Thái úy Lý Thường Kiệt?
Thứ hai, ngày 19/02/2024 18:55 PM (GMT+7)
Sông núi của vùng đất Cửu Chân, Ái Châu xưa (nay là Thanh Hóa) gắn liền công nghiệp của nhiều danh nhân, trong đó hai vị anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lý Thường Kiệt có vai trò rất đặc biệt với những dấu tích còn mãi oai linh bên bờ sông Mã, sông Lèn...
Sông núi của vùng đất Cửu Chân, Ái Châu xưa (nay là Thanh Hóa) gắn liền công nghiệp của nhiều danh nhân, trong đó hai vị anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lý Thường Kiệt có vai trò rất đặc biệt với những dấu tích còn mãi oai linh bên bờ sông Mã, sông Lèn mà mỗi khi chúng tôi về đây dâng hương đều xúc động tự hào như tiếp thêm năng lượng…
Đền thờ Bà Triệu. Ảnh: Lưu Trọng Thắng.
Từ thượng nguồn sông Mã uốn lượn dần mở rộng dịu êm xuống đồng bằng và khựng lại khi gặp dãy núi Bần phải chia làm hai nhánh tại ngã ba Bông ở tỉnh Thanh Hóa.
Một nhánh chính chảy theo hướng bắc nam gặp sông Chu cùng “dắt” nhau rẽ sang hướng đông vượt qua Hàm Rồng xuôi về Biển Đông qua cửa biển Hội Triều.
Nhánh sông còn lại khởi đi từ núi Sơn Trang chảy theo hướng đông miên man xuống Lèn hòa vào Lạch Sung đổ ra vịnh Bắc bộ tại cửa Sung.
Nhánh thứ hai từ ngã ba Bông của sông Mã đổi tên thành sông Lèn. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm của Thanh Hóa cho biết, theo sử sách từ thời Tiền Lê, một đoạn sông Lèn được Lê Hoàn cho đào để nối với các sông khác trong hệ thống kênh nhà Lê nhằm mục đích tạo tuyến giao thông thủy nối từ kinh đô Hoa Lư tới biên giới Đèo Ngang.
Ngược lòng lịch sử, sông Lèn cùng với dòng mẹ sông Mã đóng vai trò quan yếu trong hành trình dựng và giữ nước của dân tộc, gắn liền với công nghiệp của nhiều nhân vật lịch sử lẫy lừng.
Đặc biệt, sông Lèn mang nhiều dấu tích oai linh cuộc khởi nghĩa của nữ tướng Triệu Thị Trinh chống quân xâm lược nhà Ngô và 19 năm danh tướng Lý Thường Kiệt trấn thủ Thanh Hóa xây dựng, khai mở và giữ yên vững chắc cõi bờ phía Nam bấy giờ.
Sông Lèn với cuộc khởi nghĩa oai hùng của Bà Triệu
Bà Triệu, tức Triệu Thị Trinh, sinh trưởng ở vùng núi Quan Yên thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Nối chí Hai Bà Trưng, cô gái họ Triệu cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt đã nuôi chí đánh đuổi quân xâm lược nhà Ngô từ phương Bắc.
Anh em họ Triệu chỉ huy nghĩa quân rời quê nhà Quan Yên xuống núi Nưa - nơi có vị thế hiểm yếu - để lập căn cứ, mở rộng địa bàn hoạt động xuống đồng bằng.
Sông Lèn. Ảnh: Trần Đàm
Năm 248, Triệu Thị Trinh ở tuổi 19 đã cùng anh trai dựng cờ khởi nghĩa. Từ căn cứ Ngàn Nưa, nghĩa quân đã tấn công chiếm thành Tư Phố, vượt sông Mã xuống vùng đất cổ Bồ Điền bên dòng sông Lèn để xây dựng thêm căn cứ địa.
Từ đây, nghĩa quân đánh chiếm hết quận Cửu Chân đến Giao Chỉ và lan nhanh khắp các quận còn lại, giết Thứ sử Giao Châu.
Nhà Ngô liền cử viên tướng giỏi Lục Dận mang theo 8 ngàn quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Tại căn cứ Bồ Điền mà huyết mạch là sông Lèn, đã diễn ra hơn 30 trận chiến ác liệt của nghĩa quân Bà Triệu chống lại sự bao vây tấn công của giặc Ngô.
Con sông Lèn trở thành dòng bi hùng chôn vùi xác giặc và ôm trong lòng nhiều nghĩa sĩ hy sinh vì nước. Cuộc khởi nghĩa kết thúc, Bà Triệu lên núi Tùng rút gươm tự vẫn lúc mới 23 tuổi. Đó là ngày 22-2 năm Mậu Thìn - 248.
Nhân dân Thanh Hóa đã dựng ba đền thờ Bà Triệu. Riêng đền thờ ở Bồ Điền xưa bên sông Lèn, nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tương truyền khi mới dựng chỉ có 3 gian gỗ lợp bằng tranh, đến thời tiền Lý (544-602), vua Lý Nam Đế trong một lần kéo quân vào Nam chinh phạt quân Lâm Ấp đã nghỉ ở vùng này và đến đền cầu xin Vua Bà hiển linh giúp đánh giặc.
Ngày ca khúc khải hoàn chiến thắng trở về, Lý Nam Đế đã phong Bà làm thần với mỹ danh “Bật chính anh liệt hùng tài Trinh nhất phu nhân” và cấp tiền cho dân làng sửa sang ngôi đền.
Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, đền Bà Triệu còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm cùng kho tàng các sự tích, truyền thuyết, thơ ca, câu đối...
Năm 2014, Khu di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu ở Hậu Lộc được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Và sáng 11-3-2023, tại lễ kỷ niệm 1.775 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, lại được đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội đền Bà Triệu của Bộ VH-TTDL.
Dịp này, đông đảo du khách đã tìm về chiêm bái, tưởng nhớ Bà và chứng kiến một trong những nghi thức long trọng và quan trọng bậc nhất của di sản này: Lễ rước kiệu hay còn gọi là rước bóng. Đây là nghi lễ đặc sắc thể hiện rõ nhất tính thiêng hay quan niệm dân gian về sức mạnh của vị thần...
Công tích khai mở của Lý Thường Kiệt bên sông Lèn
Thái úy Lý Thường Kiệt là một trong những nhà chính trị, quân sự kiệt xuất trong lịch sử dân tộc. Năm 1082, nhận lệnh triều đình nhà Lý đi trấn thủ Thanh Hóa, khi mới đặt chân vào đất này, ông đã chọn làng Ngọ Xá để xây dựng Lương Mục Đường làm nơi ở và làm việc.
Vốn là người mộ đạo Phật, Lý Thường Kiệt đã cùng Trưởng lão Sùng Tín từ Kinh đô Thăng Long vào du hành ngược dòng sông Mã, rồi chuyển sang sông Lèn.
Khi thuyền đến ấp Đại Lý, Lý Thường Kiệt thích thú khi nhìn thấy núi Ngưỡng Sơn bên bờ sông Lèn như dải lụa mềm uốn qua những làng mạc trù phú và chọn nơi này dựng chùa Linh Xứng.
Theo nội dung Văn bia chùa Linh Xứng được đại sư Thích Pháp Bảo soạn năm 1126 trong Thơ văn Lý Trần, do GS Huệ Chi dịch, Thái úy Lý Thường Kiệt cho rằng: “Cái mà kẻ trí người nhân ưa thích là núi, là sông; cái mà thế đại lưu truyền là danh, là đạo. Nếu mở núi mà làm cho “đạo” và “danh” rạng rỡ thì không đáng quý hay sao?”.
Chùa Linh Xứng là một danh lam, nơi khai sáng đạo Phật cho xứ Thanh, với nhiều ngôi chùa lớn xuất hiện ngay sau đó, tiêu biểu như Hương Nghiêm, Báo Ân, Sùng Nghiêm Diên Thánh…
Trải qua thiên tai, chiến tranh chùa Linh Xứng bị đổ nát rồi phục dựng, duy chỉ tấm văn bia mãi trường tồn thành báu vật được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Từ văn bia đã khai mở cả một pho lịch sử cách đây hàng ngàn năm, đặc biệt là tấm lòng, tầm nhìn và công tích của danh nhân Lý Thường Kiệt.
Ngoài việc xây dựng chùa, chấn hưng Phật giáo, Lý Thường Kiệt còn có nhiều đóng góp to lớn về mọi mặt trong 19 năm trấn nhậm Thanh Hóa. Vì vậy, sau khi danh tướng qua đời, nhân dân đã xây dựng chùa Báo Ân để tưởng nhớ công ơn của ông.
Đồng thời, cũng bên bờ sông Lèn, ngay trên mảnh đất sinh thời ông chọn làm nơi “Thọ thân”, một ngôi đền thờ Lý Đại Vương cũng được dựng lên.
Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất xứ Thanh với tuổi thọ gần 1 ngàn năm. Đền rất linh thiêng, được người dân bảo vệ tôn nghiêm và sùng kính.
Nhờ có lời nguyền lâu đời truyền lại và những hiện tượng linh thiêng mà ngôi đền vẫn còn giữ được nét nguyên sơ, cổ vật không bị mất cắp như một số nơi khác.
Về đây ngắm sông Lèn êm đềm, thắp nén hương tưởng nhớ danh tướng triều Lý cũng như nhiều danh nhân khác gắn liền xứ Thanh, chúng tôi rất đỗi xúc động tự hào về các bậc tiền nhân và như tiếp thêm nguồn năng lượng mạnh mẽ cho hành trình bước tiếp.
Hàng năm, có 2 ngày lễ lớn là ngày giỗ của Thái úy Lý Thường Kiệt vào 21-6 âm lịch và ngày lễ khai ấn đầu năm vào ngày 25 tháng Giêng diễn ra tại đền cổ Lý Thọ Vương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.