Ngày 22.9, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị khu vực phía Bắc, góp ý vào dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Theo đó, nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, nên truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng, nếu đó là phương tiện kiếm sống chính…
Trao đổi tại cuộc họp, ông Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp - cho hay, trong lần tổng hợp ý kiến lần này, rất nhiều đơn vị, bộ ngành cho rằng, cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản, dù giá trị dưới 2 triệu đồng (đạo luật hiện hành, chỉ truy cứu khi khối tài sản từ 2 triệu đồng trở lên).
Kèm theo đề xuất này, các báo cáo thể hiện, khối tài sản này phải đảm bảo tiêu chí là phương tiện kiếm sống chính của bị hại và gia đình họ, hoặc có giá trị lớn về tinh thần đối với chủ tài sản.
Để những đề xuất nói trên có tính thuyết phục, ông Tụng dẫn chứng ra hàng loạt các vụ trộm cắp chó, gây bức xúc, bất bình, thậm chí đảo lộn cuộc sống của nhiều hộ dân, thường được gọi nôm na là “cẩu tặc”.
Theo đó, thông thường, những chú chó này, nếu định giá sẽ thường dưới mức 2 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở nhiều tỉnh thành, như Nghệ An, Phú Thọ… nhiều hộ gia đình vô cùng bức xúc, thậm chí có dấu hiệu căm phẫn khi địa phương thường xuyên xảy ra các vụ trộm chó.
Hai người trộm chó bị bắt giữ.
Đặc biệt nguy hiểm, ở một tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, hồi cuối năm 2014, đã có cháu bé 2 tuổi tử vong do ăn phải bả chó do “cẩu tặc” dùng làm mồi bắt chó. Trước thực tế đó, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, khi áp dụng quy định truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trộm cắp nói trên (nghĩa là trộm một con chó cũng có thể ngồi tù), sẽ góp phần bình an cho xã hội cũng như hạn chế những bất bình trong nhân dân.
Dù phần lớn ý kiến đóng góp đồng tình với đề xuất này, song cũng không ít bộ ngành khẳng định, nên giữ mức 2 triệu đồng, như đại diện ngành TAND, các địa phương Đồng Nai, Hà Tĩnh, Nam Định…
Thậm chí, có đại biểu còn cho rằng, với tình trạng trượt giá đang diễn biến với tốc độ lớn, việc quy định mức 2 triệu đồng được xem là quá nhỏ, cần đẩy lên 5 triệu đồng mới phù hợp. Theo phân tích của đại biểu này, việc áp chuẩn quá thấp, vô hình trung sẽ làm gia tăng lượng án hình sự, gây áp lực lớn cho các cơ quan tố tụng.
Ủng hộ nhóm ý kiến trên, Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án TAND Tối cao - phân tích, bản chất của việc xây dựng Bộ luật Hình sự cũng như các hệ thống pháp luật khác, đó chính là tính răn đe và nhân văn. Răn đe để phòng ngừa tội phạm và nhân văn thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng trong các chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực thi pháp luật.
Theo ông Độ, khi bổ sung cho tội danh này cần hết sức cân nhắc, bởi có nhiều tình huống, có khi họ rơi vào tình trạng quá đói khổ, đã có hành vi trộm cắp những tài sản nhỏ để sống qua ngày. Nếu áp dụng ngay việc xử lý hình sự, có lẽ sẽ là hơi nặng với hành vi này. Theo ông Độ, nên chăng, sẽ nâng mức lên 5 triệu đồng và xử lý hành chính lần đầu, có tái phạm, sẽ xem xét truy cứu hình sự.
Bảo Thắng (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.