Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong bối cảnh giá cà phê đang tăng cao, nông dân canh tác cà phê tại Tây Nguyên đang dốc sức chăm sóc loại cây này, làm sao cho năng suất cao và có tính bền vững.
Đến thăm vườn ông Lương Văn Sức tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai trong những ngày giá cà phê tăng cao, niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt rạng rỡ của ông.
Mô hình trồng cà phê xen sầu riêng giúp tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Video: Quang Sung
Ông Sức cho biết, ông trồng cà phê và sầu riêng cũng đã 10 năm. Từ năm 2015 ông trồng 1.500 gốc cà phê. Đến năm 2016, nhờ những kiến thức học hỏi được trên thông tin đại chúng và từ những nông dân khác, ông Sức quyết định trồng xen 160 cây sầu riêng vào vườn cà phê, khoảng cách giữa hai cây sầu riêng là 9m, giữa hai cây cà phê là 3m.
“Tôi nghĩ rằng trồng xen canh bất kỳ một cây gì, không chỉ riêng sầu riêng và cà phê đều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì trên cùng một diện tích, mình lại có được hai loại cây trồng. Do đó hiện nay tôi có tổng 4,5ha đều trồng xen canh”, ông Sức nói.
Mỗi năm, với diện tích 1ha, ông Sức thu được từ 4,5 - 5,5 tấn nhân cà phê. Riêng sầu riêng, năm vừa rồi ông thu được hơn 8 tấn. Năm nay, ông Sức quyết định tham gia mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đang được triển khai tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
“Tôi quyết định tham gia chương trình này vì mong rằng, từ mô hình mình sẽ được các nhà khoa học hỗ trợ bà con những kỹ thuật, chăm bón, quản lý dịch bệnh được tốt nhất để cây có năng suất cao nhất. Đặc biệt là đối với vườn cây cà phê xen sầu riêng mà tôi đang trồng”, ông Sức cho biết.
Đánh giá về vườn của ông Sức, TS Tôn Nữ Tuấn Nam - nguyên Trưởng phòng Khoa học Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, đây là một vườn trồng xen canh tốt, tương đối đúng mật độ.
“Mô hình này đem lại sự sản xuất lâu dài bền vững cho cả hai loại cây. Đây là mô hình hai cây lâu năm kết hợp, có sự tương tác, cây này giúp đỡ cho cây kia. Cây sầu riêng sẽ là cây che bóng cho cây cà phê, do đó cây cà phê cũng sản xuất bền vững và ổn định. Cây sầu riêng sẽ vươn cao lên trên cây cà phê, do đó chúng sẽ thu được lợi nhuận ở một khoảng không gian khác, trên cùng diện tích”, TS Nam nhận xét.
Làm sao để tối ưu năng suất khi cà phê trồng xen với sầu riêng?
Tuy nhiên, theo ông Sức, trồng xen hai loại cây cũng có những vấn đề bất cập. Ví dụ như cây sầu riêng trong giai đoạn ra hoa cần được cắt nước, trong khi đó cây cà phê giai đoạn ra hoa thì phải tưới.
Về vấn đề này, TS Nam cho biết, hai loại cây trồng này có nhu cầu về phân bón và nước tưới khác nhau. Đặc biệt trong mùa khô, khi cây cà phê cần nước tưới để ra hoa, cây sầu riêng cũng đang trong giai đoạn ra hoa. Với những vườn trồng xen, người nông dân thường canh sao để đợt tưới đầu tiên của cây cà phê cũng là đợt tưới đầu tiên của cây sầu riêng.
“Đợt đầu của cây cà phê cần tưới nước rất nhiều, từ 450 - 500 lít, nhưng cây sầu riêng sau đợt ngắt nước để ra hoa, khi tưới lại chỉ tưới nhấp với lượng nước ít. Bình thường tưới khoảng 300 lít thì bây giờ chỉ tưới khoảng 100 lít. Chu kỳ tưới của cây cà phê 25 - 30 ngày, chu kỳ tưới của cây sầu riêng cứ 5 - 7 ngày tưới một lần, tưới phủ đều mặt tán”, TS Nam chia sẻ.
Cũng theo TS Nam, trong mùa khô, việc bón phân cho hai loại cây trên cũng khác. Loại phân bón cho cây sầu riêng trong giai đoạn này là loại phân có tác dụng nuôi hoa, để hoa to khả năng đậu quả tốt.
“An toàn nhất là bón loại phân ba số bằng nhau, mà nông dân hay nói là phân cân bằng. Khi những đầu hoa to bằng đầu đũa, thì nên phun thêm phân bón lá. Vì đối với cây sầu riêng, phân bón lá cực kỳ quan trọng để đối phó với nhiều tình huống khác nhau. Bên cạnh nước tưới, phân bón thì cần chú ý đến việc tỉa hoa, tỉa từ lúc hoa còn nhỏ, không để quá nhiều hoa trên một cành để đảm bảo dinh dưỡng để nuôi cây và đậu trái”, TS Nam khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.