Quảng Ninh: Người đào sá sùng ở Vân Đồn có thể kiện chủ đầu tư khu đô thị Phương Đông?

Nguyễn Quý - Khuê Anh Thứ bảy, ngày 27/02/2021 09:07 AM (GMT+7)
Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phương Đông lấn chiếm khoảng 16.000m2 đất bãi triều, ảnh hưởng đến việc người dân khai thác sá sùng để mưu sinh.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 19/2/2021, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phương Đông (Công ty Phương Đông) đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn tại thôn Đồng Tiến, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, Công ty Phương Đông đã đổ đất ra ngoài ranh giới đất được cấp làm khu đô thị, lấp một diện tích khoảng 16.000m2 mặt bãi triều, nơi khai thác hải sản tự do của người dân, trong đó có sá sùng.

Tài nguyên bản địa này được xem như "căn cước" định danh thủy sản Vân Đồn. Ước tính khu vực này là chốn mưu sinh của khoảng 200 lao động địa phương với thu nhập khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Theo thông tin Dân Việt có được, sau khi bị xử phạt hành chính, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phương Đông đã tiến hành xúc phần cát lấn chiếm. 

Việc khắc phục này có trả lại được nguyên trạng bãi triều đang khai thác sá sùng của người dân địa phương?

Người đào sá sùng ở Vân Đồn có thể kiện chủ đầu tư KĐT Phương Đông? - Ảnh 1.

Một góc khu đô thị Phương Đông mới hình thành từ bãi triều thôn Đông Xá.

Liên quan đến vấn đề pháp lý, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Trung Phát, thuộc Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Phương Đông, ngoài mức phạt tiền 100 triệu đồng, doanh nghiệp còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng người dân địa phương lo ngại rằng, hành vi đổ đất lấn chiếm đã hủy hoại môi trường sống của nhiều loại thủy sản, trong đó có sá sùng. Quan điểm của ông như thế nào, thưa luật sư?

Theo tôi, trong trường hợp này, để xác định đúng bản chất của vi phạm, trước tiên cần xác định khu vực đất đai bị chủ đầu tư lấn chiếm thuộc loại nào. 

Nếu khu vực đất bị lấn chiếm là đất nông nghiệp thông thường, thì quyết định xử phạt hành vi lấn chiếm đất chưa sử dụng là đúng.

Nhưng nếu khu vực đất bị lấn chiếm là khu vực thủy sản tự nhiên đang sinh sống, thì không thể áp dụng việc xử phạt đất chưa sử dụng như trên.

Theo đó, quy định có liên quan đến Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 42/2019 là cơ sở pháp lý để cơ quan Nhà nước tiến hành xử lý. Bởi hành vi lấn chiếm này có thể vi phạm vào "các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản" được quy định tại Điều 7 của Luật Thủy sản 2017. Cụ thể là "hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản".

Người đào sá sùng ở Vân Đồn có thể kiện chủ đầu tư KĐT Phương Đông? - Ảnh 2.

Diện tích đất lấn chiếm từ bờ kè ra ngoài biển là nơi khai thác hải sản tự do của ngư dân Vân Đồn.

Nếu căn cứ pháp lý là Luật Thủy sản và văn bản dưới luật thì hình thức xử lý liệu có dừng lại ở vi phạm hành chính?

Hành vi này chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính hay có thể khởi tố vụ án hình sự hay không, cần tiến hành việc khảo sát thực tế, cùng với đó là thẩm định thiệt hại theo hai vấn đề.

Thẩm định thiệt hại nguồn lợi thủy sản. Thẩm định trị giá thủy sản thu được (dựa trên sự tính toán sản lượng và giá cả bán ra của lượng thủy sản bị xâm hại).

Người đào sá sùng ở Vân Đồn có thể kiện chủ đầu tư KĐT Phương Đông? - Ảnh 3.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh).

Nếu qua việc thẩm định này mà xác định đủ căn cứ về giá trị (thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng trở lên, thiệt hại thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng trở lên), hành vi vi phạm này có thể bị khởi tố vụ án hình sự theo Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung tại Khoản 62 Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2017.

Nếu hành vi vi phạm không đủ giá trị định lượng nêu trên, chỉ dừng lại ở việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo NĐ42/2019 "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản" với mức phạt cho hành vi vi phạm lần đầu từ 100 - 200 triệu đồng theo Điểm B Khoản 1 Điều 6 Nghị định 42 (vì đây là tổ chức vi phạm).

Người đào sá sùng ở Vân Đồn có thể kiện chủ đầu tư KĐT Phương Đông? - Ảnh 4.

Người làm nghề đào sá sùng ở bãi triều Đông Xá, Vân Đồn có thu nhập ổn định từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày.

Có quan điểm cho rằng truy cứu hình sự pháp nhân sẽ có ý nghĩa răn đe mạnh hơn thể nhân, nhưng dường như việc đưa pháp nhân ra pháp đình trong thực tiễn xét xử ở nước ta còn khiêm tốn?

Việc khởi tố một pháp nhân vi phạm các điều luật được quy định tại Bộ luật Hình sự sẽ phức tạp hơn việc khởi tố một cá nhân vi phạm. Bởi cơ quan tiến hành tố tụng phải làm rõ hành vi vi phạm đó là được thực hiện theo chủ trương của pháp nhân.

Trong khi đó, hành vi vi phạm thông thường sẽ do trực tiếp các nhân viên của công ty thực hiện, các chỉ đạo nếu có từ người đại diện của pháp nhân cũng rất ít chỉ đạo bằng văn bản, tài liệu đấu tranh cũng chỉ dựa vào lời khai. Nên việc đấu tranh sẽ kéo dài và phức tạp.

Và đó cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến các vụ án khởi tố pháp nhân vi phạm là rất ít hoặc không có. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không làm được, vấn đề là cũng tùy vào mức độ vi phạm mà vẫn có thể bị khởi tố.

Người đào sá sùng ở Vân Đồn có thể kiện chủ đầu tư KĐT Phương Đông? - Ảnh 5.

Sá sùng, loài hải sản được ví như vàng ròng ở Quảng Ninh.

Thưa luật sư, chủ thể nào có quyền yêu cầu thẩm định? Chi phí thẩm định do chủ thể nào chịu trách nhiệm chi trả?

Chủ tịch UBND có 7 ngày để ra quyết định xử phạt kể từ ngày lập biên bản vi phạm, vì thế trước khi ra quyết định xử phạt trường hợp phức tạp thì sẽ được kéo dài không quá 30 ngày. Vì vậy, nếu trong giai đoạn trước khi ban hành quyết định mà UBND cần thẩm định thì họ tự lập đoàn khảo sát đánh giá thực tế, thẩm định tại chỗ.

Trường hợp nếu vụ việc được chuyển cho cơ quan công an để điều tra xác minh, lúc này, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, và họ tự chịu chi phí cho việc khảo sát và thẩm định.

Người đào sá sùng ở Vân Đồn có thể kiện chủ đầu tư KĐT Phương Đông? - Ảnh 6.

Bà Hội (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) xót xa khi nhìn bãi triều, nơi bà mưu sinh với nghề đào sá sùng, bị vùi lấp.

Hành vi vi phạm của Công ty Phương Đông còn ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm lao động tại địa phương, liệu rằng những người dân phát sinh thu nhập từ bãi triều này có cơ sở để đòi bồi thường thiệt hại hay không? Nếu có thì thủ tục như thế nào, thưa luật sư?

Với quy định hiện nay, nguồn lợi thủy sản này vẫn được xem là nguồn lợi chung của mọi người. Vì loại thủy sản này chưa được liệt kê vào danh mục cấm khai thác, đánh bắt nên nó mới tạo ra kế sinh nhai của một số người.

Chính vì vậy, không thể xem hành vi vi phạm đã gián tiếp xâm phạm đến thu nhập của người dân, để từ đó họ có quyền đòi bồi thường thiệt hại do thu nhập bị mất.

Người đào sá sùng ở Vân Đồn có thể kiện chủ đầu tư KĐT Phương Đông? - Ảnh 7.

Nhiều người dân cho rằng, các giải pháp khắc phục của chủ đầu tư khu đô thị Phương Đông cũng khó trả lại môi sinh cho các loài hải sản tại đây, trong đó có sá sùng.

Chỉ khi nào, pháp luật quy định rằng nguồn lợi thủy sản như trên thuộc về những người đang khai thác nó và là nguồn thu nhập của họ, thì khi đó khả năng đòi bồi thường mới xảy ra.

Thế nhưng, để đưa ra quy định nêu trên là rất khó xảy ra, bởi bản chất của nguồn lợi này là của chung và ai cũng được quyền khai thác, không thể xem nó là của ai để bảo hộ họ trong việc xác nhận thu nhập thực tế bị mất về sau.

Đó cũng là lý do các địa phương cần xây dựng cơ chế ngành nghề đa dạng, để người dân địa phương không phụ thuộc vào việc chỉ biết tập trung khai thác nguồn lợi thủy sản có sẵn để làm nguồn sống cho chính mình.

Nhưng nếu những người dân mất đi sinh kế trên khu vực khai thác truyền thống thì có khả năng họ sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, trách nhiệm giải quyết lại thuộc về Nhà nước?

Tại điều 4 của Luật Thủy sản có ghi nhận "nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu".

Tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Như vậy, trong trường hợp này, Nhà nước có thể đứng ra với vai trò là người đại diện của chủ sở hữu để đòi lại thiệt hại do các hành vi vi phạm gây ra, sau đó nhập vào ngân sách và phân bổ cho toàn dân.

Xin cảm ơn luật sư Lê Trung Phát!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem