Trồng cây bóng mát cũng phải tính sao cho "bền"

Thứ năm, ngày 12/04/2012 18:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở thành thị cũng như ở nông thôn, khi chọn cây làm bóng mát phải chú ý tới nhiều yếu tố. Trước hết, nên chọn những cây có rễ cọc hoặc có bộ rễ phát triển mạnh. Nó giúp cho cây không bị gãy đổ khi gặp dông bão.
Bình luận 0

Ngày 3.4, tôi bay vào TP.HCM sau khi cơn bão số 1 đã đi qua được 2 ngày. Cảnh tượng vẫn còn ngổn ngang. Hơn 560 cây xanh ở các đường phố bị quật ngã, bật cả rễ lên trời. Đa số các cây bị đổ là lim xẹt, phượng và những cây có rễ ăn nông.

Có cây được 7-8 năm tuổi nhưng cũng có cây đã có thời gian lâu hơn. Nhìn cảnh tượng ấy ta thật ái ngại vì tiếc cho các cây đã mất bao công chăm sóc. Bài học này đâu chỉ dành cho đường phố ở các đô thị mà cho cả bà con nông dân chúng ta. Cây trồng quanh nhà, dọc đường làng, đường xóm, quanh ủy ban, trường học, cây làm hàng rào, cây trồng trong vườn, trong sân nhà... cũng phải luôn luôn được tính toán thận trọng. Nếu là cây lấy bóng mát thì phải mát... suốt đời!

Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, người ta đã trồng những cây xà cừ quanh bến tàu điện ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Cây lớn rất nhanh. Có cây đường kính ở gốc tới 2m! Thế nhưng, chỉ một vài cơn bão lớn, chúng đã bị lật nhào nên bây giờ hầu như không còn 1 cây xà cừ nào ở quanh Bờ Hồ. Tuy nhiên, nếu bà con để ý sẽ thấy ở đây có những cây sấu trồng từ thời Pháp nên tới nay vẫn tươi tốt, có khi đã tới cả 100 tuổi. Nếu đi dọc các phố Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng... ở Hà Nội, ta sẽ thấy toàn là những cây sấu cổ thụ ngót nghét 100 tuổi mà không có cây nào bị đổ gãy, đó là những cây có rễ cọc và có bạnh vè vững chắc. Sấu lại có lá xanh quanh năm và cho ta hàng tạ quả mỗi năm. Đó mới là cây nên trồng làm bóng mát.

Ở TP.HCM, ta dễ dàng nhận ra những cây dầu vạm vỡ, thẳng tắp, cao tới 30-40m. Nó không hề bị bão tố quật đổ, vững vàng vượt qua thời gian và vươn bóng tỏa mát thật là tuyệt vời!

Những bài học trên nhắc nhở bà con ta ở thành thị cũng như ở nông thôn, khi chọn cây làm bóng mát phải chú ý tới nhiều yếu tố.

Trước hết, nên chọn những cây có rễ cọc hoặc có bộ rễ phát triển mạnh. Nó giúp cho cây không bị gãy đổ khi gặp dông bão.

Nếu các cây đó có lá xanh quanh năm thì càng tốt. Cây có lá xanh quanh năm là cây có lá rụng quanh năm nhưng trên cây lúc nào cũng vẫn còn đầy lá, ví dụ như cây sấu. Ở ta, có nhiều cây tới mùa đông là sẽ rụng hết lá, ví dụ như cây bàng, cây phượng, lúc đó tạo ra khung cảnh trơ trọc, xác xơ...

Ở nông thôn, nếu các cây đó lại đưa tới hiệu quả kinh tế nữa thì còn gì bằng. Tôi vẫn mơ, mỗi nhà có xung quanh vườn vài chục cây lát Mehico hoặc vài chục cây mít, ở phía Nam là vài chục cây dầu rái... chỉ 10 năm sau, riêng khoản gỗ, nó cũng có thể cho ta thu được một khoản tiền không nhỏ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem