Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng đất cằn thuộc bản Lè B, xã Tông Cọ, anh Quý chỉ học xong cấp 2 rồi ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. Anh Quý bảo: "Gia đình tôi là một trong những hộ đông con nhất bản. Nhà có đến 10 cái bụng ăn, bố mẹ làm ngày làm đêm cũng không đủ ăn. Mình cũng muốn học tiếp nhưng thấy ông bà tuổi cao sức yếu, mình đành từ bỏ con đường học tập ở nhà giúp bố mẹ làm nương ngô, nương sắn”.
Từ mô hình nuôi bò nhốt chuồng, anh Quý có thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm.
Sau khi lập gia đình, anh Quý ra ở riêng với 2 bàn tay trắng. Để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, anh làm rất nhiều nghề, từ nghề xe ôm, phụ hồ, buôn trâu bò, làm thuê, làm mướn… Cũng chính từ một trong những nghề này đã đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình anh đến tận bây giờ.
Ông Lò Văn Ngoạn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tông Cọ trao đổi với anh Qúy về cách chăm sóc đàn bò.
Anh Qúy kể: "Năm 2014, mình cùng mấy anh em lên Co Mạ, Long Hẹ mua bò về bán. Thấy nghề này tuy vất vả một chút nhưng thu nhập khá ổn nên mình quyết định mua bò giống về nuôi".
Tháng 5.2015, với số vốn tích góp được từ trước cộng với số tiền vay mượn từ gia đình, bạn bè, anh Quý mua 8 con bò cái về nuôi. Để có thức ăn cho đàn bò, ngoài tận dụng thức ăn từ cỏ tự nhiên anh Quý trồng thêm 5.000m2 cỏ voi.
Để cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò, anh Quý trồng 5.000m2 cỏ voi.
Nhờ được chăm sóc tốt, mỗi năm đàn bò đẻ một lứa. Hết năm 2016, đàn bò của anh Quý đã tăng lên 16 con. Đối với con đực, ngoài cho ăn cỏ, anh Quý bổ sung thêm cám ngô để vỗ béo. Đối với con cái, anh quý không bán mà giữ lại để làm giống.
“Hiện tại, đàn bò của mình là 20 con. Mình bán cả bò thịt và bò giống. Với bò giống, chỉ cần nuôi một năm là có thể xuất bán với giá từ 10 triệu đến 12 triệu đồng/con. Với bò thịt phải nuôi từ 2,5 năm đến 3 năm, bán mới được giá cao. Giá mỗi con từ 25 triệu đến 30 triệu” – ông Quý cho biết.
Để nâng cao thu nhập, anh Quý trồng thêm 130 gốc chanh leo. Mỗi năm, từ bán chanh leo, anh Quý bỏ túi 30 triệu đồng.
Theo anh Quý để đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt nên làm chuồng trại ở những nơi cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Phải vệ sinh chuồng bò, máng ăn thường xuyên và đảm bảo luôn sạch sẽ. Ngoài ra phải thường xuyên theo dõi đàn bò, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường cần phải báo ngay cho cán bộ thú y và khuyến nông đến kiểm tra và kịp thời có biện pháp xử lý.
“Trung bình, mỗi năm mình xuất bán hơn chục con bò thịt và bò giống. Từ bán bò, mỗi năm tôi thu được 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thuê người cắt cỏ và thuốc thang lãi khoảng 140 triệu đồng” – anh Quý cho hay.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lò Văn Ngoạn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tông Cọ, cho biết: Anh Quý là hội viên nông dân điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Từ những nỗ lực trong sản xuất, anh đã được Hội Nông dân tỉnh Sơn La ghi nhận và tặng giấy khen. Bước đầu, mô hình trồng cỏ voi, nuôi bò nhốt chuồng đã mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.