Thoát nghèo nhờ trồng cỏ
Nằm giữa thung lũng, bao quanh là đồi núi, căn nhà của anh Phùng Văn Hùng ở thôn Ka Đoóng, xã Quang Phong, huyện Na Rì (Bắc Kạn) khang trang, đỏ tươi màu ngói mới. “Giờ thì gia đình mình cũng đã thoát được cái nghèo, cái đói đeo bám bao năm nay rồi. Mình cũng đã nuôi được 12 con lợn, 50 con gà, 6 con trâu và mua sắm được tiện nghi sinh hoạt trong nhà... Tất cả cũng nhờ phát triển trồng cỏ xen canh với rừng bởi từ đó mới có vốn để mở rộng đầu tư sản xuất”- anh Hùng phấn khởi chia sẻ.
|
Cán bộ khuyến nông huyện Na Rì hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ cho người dân. |
Anh Hùng cho biết, những năm trước, cứ vào mùa đông là trâu bò của bà con ở đây lại thiếu thức ăn và đối mặt với nguy cơ bị chết rét. Từ chỗ chỉ nuôi 1 con trâu cũng thiếu cỏ, sau hơn 1 năm trồng cỏ xen canh, gia đình anh Hùng đã nuôi 6 con trâu, mà vẫn thừa cỏ, thậm chí còn thu được 8 triệu đồng từ việc bán cỏ thừa.
Không chỉ có anh Hùng, nhiều hộ khác ở Na Rì từ chỗ chỉ nuôi trâu để lấy sức kéo, hiện đã đầu tư mua thêm nghé con và trâu gầy về tận dụng cỏ trồng vỗ béo trâu bò tăng gia sản xuất. Ông Hoàng Trường Giang - Trưởng nhóm trồng cỏ thôn Ka Đoóng cho biết: Đất ở đây vốn chủ yếu là bỏ hoang. Từ năm 2011, với việc hỗ trợ sản xuất theo tổ nhóm, người dân đã trồng cỏ xen kẽ với diện tích cây mỡ. Nhóm cùng sở thích trồng cỏ lúc đầu chỉ có 10 người, nhưng đến nay cả xóm đã cùng tham gia. Từ đó, đàn trâu bò cũng không ngừng tăng lên, hiện nhóm đã có 60 con trâu, bò.
Lấy ngắn nuôi dài
Ông Lèo Phương Đông - cán bộ khuyến nông xã Quang Phong cho biết, vào mùa đông, có năm rét đậm, rét hại làm trâu bò trong xã chết hơn 100 con, nhưng hiện tình trạng đó đã không còn.
Sau 3 năm triển khai Dự án 3Pad tại Bắc Kạn, đã có 593 hộ nghèo, 236 hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi, trồng rừng và cây ngắn ngày trên đất dốc...
Ông Hoàng Văn Giáp - Giám đốc Dự án 3 Pad Bắc Kạn cho biết:
“Diện tích đất bỏ hoang đất trống, đồi trọc ở nhiều vùng núi của Bắc Kạn vẫn còn khá lớn. Nhận thấy thực tế này, cùng với việc hỗ trợ vốn, Dự án 3 Pad đã hỗ trợ bà con trồng cỏ xen canh cây mỡ. Loại cây này cho giá trị kinh tế khá cao nhưng phải sau thời gian dài từ 7- 9 năm mới cho thu hoạch”.
Do đó, theo ông Giáp, để tận dụng khoảng trống về đất cũng như giúp người dân tăng thu nhập từ nuôi trâu, bò dự án đã hỗ trợ bà con mua giống cỏ Ghine về trồng xen cây mỡ. Trung bình mỗi thành viên được hỗ trợ giống và phân bón để trồng 1.000m2 cỏ.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.