Tới thăm vườn nho hạ đen chín rộ, đang bước vào vụ thu hoạch của gia đình anh Vũ Hữu Việt ở thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện) ít ai ngờ rằng cây nho lại phù hợp với đồng đất Hải Dương. Theo chia sẻ của anh Việt, thấy một số người trồng nho hạ đen có hiệu quả kinh tế khá nên anh đã đi tìm hiểu thực tế. Anh đến Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, nơi bán cây giống để học hỏi quy trình kỹ thuật, cách chăm bón.
Năm 2021, anh quyết định trồng 3 sào nho hạ đen. Nhờ kỹ sư Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tư vấn kỹ thuật vườn nho lên xanh tốt. Ngay năm đầu tiên, nho đã có quả và đến nay đang cho thu hoạch ổn định.
Việc chăm sóc nho hạ đen đòi hỏi kỹ thuật cao mới có hoa, đậu quả đúng thời điểm, cho năng suất cao. Từ lúc ra hoa đến lúc thu hoạch chỉ từ 90-100 ngày nên người trồng phải nắm được thời điểm để áp dụng kỹ thuật cho chùm hoa kéo dài, đậu nhiều quả và không có hạt. Để có thể thu hoạch nho vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 thì vào khoảng 20 tháng giêng, người trồng đã phải cắt, tỉa cành để nảy hoa. Còn muốn thu hoạch nho vào tháng 12 thì tháng 8 đã phải cắt tỉa.
"Năm nay thời tiết thuận lợi nên nho cho năng suất 3-4 tạ/sào, với giá bán 100.000 đồng/kg, mỗi sào cho lãi 25 triệu đồng. So với nhiều loại cây trồng khác, nho hạ đen cho thu nhập tương đối cao", anh Việt cho biết.
Ông Vũ Viết Tá ở thôn Đồng Đội, xã Thống Kênh (Gia Lộc) cũng trồng nho hạ đen được 2 năm nay. Theo ông Tá, trong quá trình chăm sóc nho, quan trọng nhất là phải điều tiết nước tưới hợp lý. Nếu tưới ít nước thì hoa sẽ không dài, dẫn đến ít quả, năng suất giảm, còn nếu tưới quá nhiều thì nho sẽ bị bệnh vàng lá. Cây nho hạ đen nhất định phải trồng trong nhà có mái che.
"Cây nho đòi hỏi chăm sóc rất tỉ mỉ. Người trồng phải nắm chắc kỹ thuật thì nho hạ đen mới có thể cho quả, năng suất cao. Hiện nay, tôi bán 120.000 đồng/kg nho, cao hơn rất nhiều so với những loại hoa quả khác đang trồng tại địa phương", ông Tá chia sẻ.
Không khuyến khích nhân rộng diện tích trồng nho hạ đen
Nho hạ đen được đưa về Hải Dương khoảng 3 năm nay, trồng tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Thanh Miện, Kinh Môn... Dù hiệu quả nhưng theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, tỉnh không khuyến khích người dân phát triển cây này. Nguyên nhân do chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu người dân không nắm chắc kỹ thuật thì cây trồng dễ bị hỏng. Dù là loại cây trồng mới mẻ ở tỉnh nhưng thực tế nho hạ đen đã "lỗi thời" ở các tỉnh, thành phố khác, trên thị trường xuất hiện nhiều giống nho mới cho năng suất, chất lượng cao hơn.
Để trồng được nho hạ đen, người dân cũng phải học hỏi kinh nghiệm, thậm chí thuê người hỗ trợ kỹ thuật nên khá tốn kém. Ông Nguyễn Mạnh Đoàn ở thôn Cáy, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) cũng phải nhờ chuyên gia của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang về hướng dẫn kỹ thuật mới bảo đảm thời vụ, hiệu quả kinh tế.
"Do là cây mới, chỉ phù hợp thời tiết nóng nên thời gian đầu tôi phải thuê kỹ thuật, đồng thời vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Tôi cũng phải thường xuyên trao đổi với một số người đã trồng nho ở tỉnh khác để học hỏi thêm", ông Đoàn nói.
Ông Vũ Viết Tá cũng phải thuê người tư vấn kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc thì nho mới ra quả đúng thời vụ. Ông Tá cho biết cách vườn nho của ông không xa cũng có 1 vườn nho trồng 400 cây đã 2 năm nay. Tuy nhiên, vườn nho này chưa ra quả, người trồng đã không còn chăm sóc và chuẩn bị phá đi để trồng cây khác.
Anh Vũ Hữu Việt cũng đang tìm hiểu đưa nho Ngọc về trồng để vừa làm phong phú cây trồng, lại phù hợp nhu cầu người tiêu dùng.
Người trồng nên tìm hiểu thật kỹ về các giống nho có thể trồng tại Hải Dương và phù hợp xu hướng tiêu dùng. Cơ quan chức năng nên có những thông tin, định hướng chính thức để người trồng nắm được, tránh việc đầu tư lớn nhưng không hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.