Đã nắng nóng gay gắt lại còn cắt điện, người nuôi thủy sản ở Hải Dương lao đao vì cá chết

Thứ bảy, ngày 17/06/2023 16:44 PM (GMT+7)
Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều hộ nuôi thuỷ sản ở Hải Dương gặp thiệt hại lớn do cá chết và chi phí sản xuất tăng cao.
Bình luận 0

Cá chết hàng loạt

Sáng 14.6, nhiều lồng nuôi cá ở các xã An Bình, Nam Tân, Hợp Tiến (Nam Sách, Hải Dương) xuất hiện tình trạng cá chết rải rác. Đặc biệt có 2 hộ ở xã An Bình mất khoảng 20 tấn cá, ước thiệt hại hàng tỷ đồng. Cá chết chủ yếu là trắm, chép giòn, diêu hồng… trọng lượng từ 2 - 3 kg/con. Phần lớn số cá bị chết được các hộ bán rẻ cho lái buôn, còn lại đem chôn hoặc ủ phân vi sinh. 

Nguyên nhân ban đầu được xác định do trận mưa lớn đêm 13/6 kết hợp với nắng nóng kéo dài trước đó làm cho nguồn nước thay đổi đột ngột dẫn đến tình trạng cá bị thiếu ô xy. 

Trước đó, đầu tháng 6, nhiều ao nuôi của các hộ ở Hợp tác xã Thuỷ sản xã Đoàn Kết (Thanh Miện) cá chết hàng loạt. Hộ ít thì chết vài tạ, hộ nhiều lên đến vài tấn cá. Nguyên nhân do nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cá. Mặt khác, nhiệt độ môi trường tăng cao cũng khiến nồng độ oxy trong nước giảm mạnh. 

Những hộ nuôi chủ quan không bổ sung oxy cho cá kịp thời, dẫn đến cá chết hàng loạt. Theo Hợp tác xã Thuỷ sản xã Đoàn Kết, tình trạng cá chết do nắng nóng xảy ra ở gần 10 hộ nuôi, ước thiệt hại trên 100 triệu đồng.

Đã nắng nóng gay gắt lại còn cắt điện, người nuôi thủy sản ở Hải Dương lao đao vì cá chết - Ảnh 1.

Nhiều ao nuôi ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện, Hải Dương) xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt do nắng nóng.

Gia đình anh Trần Văn Hoàng ở xã Đoàn Kết bị thiệt hại nặng nhất. Do chủ quan ngắt điện máy sục oxy trong 2 tiếng đồng hồ mà gần 3,5 tấn cá đang kỳ thu hoạch của gia đình anh Hoàng nổi trắng ao. 

"Sợ máy sục oxy chạy liên tục trong thời gian dài sẽ quá tải nên tôi đã ngắt điện trong 2 giờ. Chiều tối, tôi ra kiểm tra ao đã thấy rất nhiều cá nổi trắng đầu rúc vào bờ. Gần 3,5 tấn cá hôm đó chỉ bán được với giá 10.000 đồng/kg, bằng 1/4 giá thị trường. Trừ tất cả chi phí, vụ cá này tôi lỗ khoảng 70 triệu đồng", anh Hoàng cho biết. 

Bà Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện khuyến cáo, năm nay dự kiến nắng nóng kéo dài nên người dân phải thường xuyên kiểm tra ao, nhất là ban đêm khi nhiệt độ thay đổi đột ngột. 

Ngoài bổ sung oxy cho cá bằng cách sục oxy thì các hộ nuôi nên chuẩn bị chế phẩm tăng cường oxy để sử dụng những lúc cần thiết. Vào những ngày nắng nóng gay gắt phải hạn chế việc cho cá ăn nhiều, ăn muộn và giảm lượng thức ăn; thường xuyên thay đổi nguồn nước và bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá... 

Đã nắng nóng gay gắt lại còn cắt điện, người nuôi thủy sản ở Hải Dương lao đao vì cá chết - Ảnh 2.

Nhiều ao nuôi cá lồng ở Nam Sách (Hải Dương) xuất hiện tình trạng cá chết rải rác.

Chi phí tăng cao

Nắng nóng kéo dài không chỉ gây thiệt hại cho cá mà còn khiến chi phí chăm sóc, bảo vệ đàn cá của các hộ nuôi tăng cao. Hầu hết các hộ nuôi thủy sản phải sử dụng máy sục oxy trong nhiều giờ liên tục để bảo vệ đàn cá. Việc bơm bổ sung nước hoặc thay nước cho ao cũng diễn ra với tần suất dày hơn. Những việc này khiến lượng điện tiêu thụ hằng tháng của các hộ nuôi tăng từ 50-70% so với các mùa khác trong năm.

Ông Nguyễn Văn Toàn ở thôn Tòng Hoá, xã Đoàn Kết cho biết: "Tôi có 5 sào ao mà giờ phải dùng đến 4 máy sục mới cung cấp đủ lượng oxy cho cá. Bước vào mùa nắng nóng, mỗi tháng tốn khoảng 2,5 triệu đồng tiền điện. Mặc dù đã chủ động bổ sung lượng oxy trong ao nhưng tình trạng cá chết lác đác vẫn xảy ra", ông Toàn cho biết. 

Năm nay tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên diễn ra trên phạm vi rộng. Nhiều hộ đã phải mua sắm thêm máy phát điện. "Gia đình tôi vừa phải đầu tư 50 triệu đồng mua máy phát điện để sục oxy cho cá khi mất điện. Mặc dù giá tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng rất khó để chọn được máy phát điện ưng ý do thị trường hiện khá khan hàng", ông Lương Quang Nam, xã Nam Tân (Nam Sách) cho biết.

Tình trạng cá chết do nắng nóng đã xảy ra ở nhiều nơi khiến một số hộ nuôi hoang mang, bán chạy cá. Nhu cầu của thị trường bắt đầu giảm khiến giá các loại thuỷ sản nước ngọt cũng giảm theo. Trong khi đó, giá thức ăn thuỷ sản vẫn giữ ở mức rất cao, từ 430.000-450.000 đồng/bao. Điều này đồng nghĩa với việc các hộ nuôi phải gánh thêm nhiều khoản chi phí phát sinh, làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. 


Đỗ Quyết (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem