Trồng hoa lan dần trở thành nghề nông thôn "hot" ở TP.HCM
Trồng hoa lan dần trở thành nghề nông thôn "hot" ở TP.HCM
An Hải
Thứ ba, ngày 10/09/2024 12:41 PM (GMT+7)
So với nhiều cây trồng khác, trồng hoa lan tại TP.HCM đang cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Đây là cây trồng được Thành phố khuyến khích phát triển, phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị.
Nhiều năm qua, nhờ vào việc trồng hoa lan, nhiều nông dân ở các huyện ngoại thành TP.HCM đã vươn lên làm giàu, thu về tiền tỷ mỗi năm, từ đó ổn định cuộc sống và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác tại địa phương.
Hoa lan nằm trong nhóm hoa - cây kiểng được TP.HCM ưu tiên phát triển, phù hợp với quá trình đô thị hóa của thành phố. Đây là ngành sản xuất đòi hỏi cao về công nghệ và trình độ của người nông dân. Tại TP.HCM có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển ngành này.
Nông dân Nguyễn Văn Thảo trồng hoa lan đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.G
Ông Nguyễn Văn Thảo - chủ vườn lan Thanh Diễm ở xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chuyên trồng và kinh doanh hoa lan cắt cành, lẫn bán chậu. Hiện vườn lan của ông có khoảng 50.000 cây lan Dendrobium các loại.
Ông Thảo cho biết, so với khu vực phía Bắc và phía Tây của huyện Bình Chánh, những người trồng lan như ông không nhiều. Việc phát triển nghề hoa lan càng khó khăn hơn sau 2 năm dịch bệnh Covid-19.
Với vườn lan rộng 3.000m2, doanh thu vài năm trở lại đây của vườn ông Thảo ổn định ở mức 1,5 tỷ đồng mỗi năm, chủ yếu là trồng lan cắt cành. Hiện ông Thảo đang nghiên cứu trồng lan hồ điệp theo hướng trồng cây nguyên liệu để cung cấp cho các đơn vị khác. Đây có thể xem là bước ngoặt giúp ông tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình nông nghiệp đô thị ở huyện nông thôn mới Bình Chánh.
Gắn bó với nghề trồng lan từ năm 2004, đến nay ông Thảo đã có gần 20 năm kinh nghiệm chăm sóc loại hoa nữ hoàng này. Để vườn lan phát triển tốt, mang lại năng suất cao, cũng như bảo vệ sức khỏe cho mọi người, ông đã mạnh dạn đầu tư hệ thống phun tưới tự động, máy bơm hẹn giờ, thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm… ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh thay vì phân hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không mùi, không độc hại để chăm bón.
Bằng kinh nghiệm của người trồng lan lâu năm, ông Thảo luôn biết cách chăm sóc để vườn lan cho ra những sản phẩm có chất lượng tốt, tiết giảm chi phí, đặc biệt những kinh nghiệm đáng quý này đã giúp ông vượt qua những khó khăn trong giai đoạn lao đao vì Covid-19.
Ông Thảo là một trong số nhiều nông dân của TP.HCM thành công nhờ trồng hoa lan. Hiện nay, hoa lan đang mang lại giá trị kinh tế đáng kể trong số các ngành nông nông nghiệp của thành phố. Tổng diện tích sản xuất hoa lan của toàn thành phố tính đến giữa năm 2024 là 305ha.
Cùng với trồng mai vàng, bonsai, kiểng lá... hoa lan đang là ngành nghề nông thôn có nhiều tiềm năng. Đặc biệt, những mô hình trồng lan ứng dụng công nghệ cao đang dần phổ biến, đây có thể xem là giải pháp hiệu quả để phát triển ngành hoa lan hiệu quả và bền vững hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.