Trồng loài nấm linh chi quý hiếm dưới những khu rừng keo, một doanh nghiệp ở Đồng Tháp tạo thu nhập 10 triệu/m2
Trồng loài nấm linh chi quý hiếm dưới những khu rừng keo, một doanh nghiệp ở Đồng Tháp tạo thu nhập 10 triệu/m2
K.Nguyên
Thứ năm, ngày 04/04/2024 18:41 PM (GMT+7)
Để khai thác giá trị đa dụng của rừng, một doanh nghiệp có trụ sở ở Đồng Tháp đã triển khai mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng ở nhiều địa phương. Thực tế cho thấy, mô hình này có thể giúp nông dân có thu nhập 10 triệu đồng/m2.
Chia sẻ tại tọa đàm: Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức chiều ngày 4/4, ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH hệ sinh thái The VOS (có trụ sở tại Đồng Tháp) cho biết, để khai thác giá trị đa dụng của rừng, tạo thu nhập cho người dân dưới tán rừng, công ty thực hiện mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán keo lai ở nhiều địa phương.
"Bình thường, người dân trồng cây keo lai chỉ khoảng 5 năm là thu hoạch, nhưng chỉ cần cây keo lai phát triển đến 8 năm tuổi thì giá trị tăng gấp đôi, Trong 3 năm chờ gỗ lớn, người dân làm gì để sống, giải pháp của chúng tôi là trồng nấm linh chi dưới tán keo lai, thời gian 4 tháng có thể thu hoạch, như vậy một năm có thể thu hoạch 3 lần. Theo tính toán, 1m2 trồng nấm linh chi có thể cho thu hoạch 10 triệu đồng", ông Thế nói.
Được biết, tại Đồng Nai, Công ty TNHH hệ sinh thái The VOS đã hợp tác với Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc triển khai dự án trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo lai với quy mô ban đầu khoảng 230ha. Các hộ dân tham gia chương trình sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ về giống nấm, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm…
"Nấm linh chi trồng dưới tán rừng của chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận cho ra dược liệu cao hơn từ 1,5-2 lần so với nấm linh chi cùng loại ở một số nước trên thế giới, đã được xuất khẩu sang Mỹ", ông Thế thông tin thêm.
Đây cũng là mô hình Công ty Lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang) thực hiện để khai thác giá trị đa rụng của rừng. Bên cạnh việc phát triển các loài dược liệu dưới tán rừng như trồng cây xạ đen, kim ngân, bò khai, công ty còn cắt khúc gỗ keo lai, đem hấp rồi cấy nấm linh chi thành công. Điều đại diện Công ty Lâm nghiệp Yên Thế băn khoăn chính là đầu ra cho các sản phẩm này.
Theo GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, tương lai của ngành gỗ không chỉ là chế biến, xuất khẩu gỗ mà nghiên cứu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng của rừng, tập trung vào các loài dược liệu, cây bản địa với những tính năng sinh học riêng biệt. "Đó chính là một trong những con đường làm giàu bền vững từ rừng, bên cạnh khai thác các giá trị từ du lịch sinh thái rừng", ông Điển nhấn mạnh.
Là một trong những doanh nghiệp tổ chức rất thành công các tour leo núi xuyên rừng, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Green Forest, các tour du lịch trong rừng ngày càng được ưa chuộng khi xu hướng con người muốn tìm đến những không gian xanh. Hiện, công ty này có tới 375 poster chuyên tham gia dẫn khách du lịch trải nghiệm các cung đường khám phá rừng già, leo núi Putaleng (Lai Châu).
Trong khi đó, ông Vũ Đức Quyền, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết, các tour tuyến du lịch của vườn chủ yếu dựa vào cộng đồng dân cư bản địa sống gần rừng, chính người dân tham gia như những hướng dẫn viên du lịch xuyên qua các tuyến rừng già, giới thiệu các món ăn ngon, nét văn hóa đặc sắc.
Được biết, ngày 29/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừngđến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngườ idân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng; phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong nước đáp ứng tối thiểu 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững.
Đề án đưa ra nhiệm vụ phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng.
Để thực hiện hiệu quả Đề án quan trọng này của ngành lâm nghiệp, ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng để khai thác giá trị đa dụng của rừng, phát triển du lịch dưới tán rừng cần “4 C”. Một là các chính sách cho thuê dịch vu môi trường rừng phát triển du lịch cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa. Hai là hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nếu quá khó khăn trong phát triển cơ sở hạ tầng thì cũng khó có thể thu hút được du khách.
Ba là yếu tố con người. Con người vừa là chủ thể, vừa là động lực. Họ cần được đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức để họ tin tưởng, tự tin là có thể làm được. Bốn là công nghệ và trong thời đại chuyển đổi số thì các ứng dụng công nghệ về marketing, bảo tàng điện tử… nếu áp dụng tốt cũng sẽ mang đến trải nghiệm tốt cho du khách.
"Đề án của Chính phủ hướng tới mục tiêu hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị sinh thái nhân văn, tri thức bản địa từ đó phát triển rừng bền vững để tái đầu tư cho bảo tồn, cải thiện sinh kế cho chủ rừng", ông Lượng nhấn mạnh.
Đối với mục tiêu trồng rừng gỗ lớn được nêu trong đề án của Bộ NNPTNT, theo ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hiện cả nước mới có khoảng 500.000 ha trồng gỗ lớn. Không phải diện tích rừng trồng nào cũng có thể phát triển gỗ lớn. Nhiều địa phương có diện tích rừng lớn nhưng do lập địa, đất đai khó phát triển gỗ lớn.
Vấn đề thứ hai là loài nào có thể phát triển gỗ lớn. Thay cho trước đây chỉ phát triển trồng loại cây phát triển nhanh, sớm có tán rừng, ngày nay thị trường có nhu cầu về những loài gỗ riêng. Do đó, về kỹ thuật đầu tiên phải xác định là trồng loài nào phù hợp với lập địa và thị trường.
Ông Trần Lâm Đồng cho rằng, Việt Nam rất phong phú về các loài keo hay nhiều loài bản địa rất tốt, cần lựa chọn được loài nào có thể phát triển thành gỗ lớn, ứng phó được thiên tai như mưa bão lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.