Đặc sản Hòa Bình, ngược dòng sông Đà gặp hồ nước khổng lồ, ăn cá nướng, thịt chắc, ngọt như mì chính
Đặc sản Hòa Bình, ngược dòng sông Đà gặp hồ nước khổng lồ ăn cá nướng, thịt chắc, ăn một miếng ngọt một miếng
Thứ ba, ngày 07/01/2025 05:36 AM (GMT+7)
Có dịp ghé bến cảng Thung Nai lọt thỏm giữa lòng hồ Sông Đà, cách trung tâm TP Hòa Bình khoảng 20km, khách du lịch đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức đặc sản cá nướng trứ danh của người Mường.
Có dịp ghé bến cảng Thung Nai lọt thỏm giữa lòng hồ Sông Đà, cách trung tâm TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) khoảng 20km, khách du lịch đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức đặc sản cá nướng trứ danh của người Mường.
Độc đáo cá nướng sông Đà
Sông Đà mạnh mẽ đổ vào lòng hồ thủy điện Hòa Bình mênh mông đã trở thành môi trường sống lý tưởng cho cá tôm. Lòng hồ sông Đà có con cá lăng, cá trắm đen, cá măng... nặng hàng chục cân.
Sống trong môi trường tự nhiên, ăn phù du sinh vật trôi theo dòng nước, các loại cá ở lòng hồ sông Đà đặc biệt thơm ngon. Cá thiểu và cá măng là hai loại được săn lùng nhiều hơn cả. Thịt cá chắc, thơm, có vị ngọt, ít mỡ.
Theo tập quán sinh hoạt truyền thống, đồng bào dân tộc Mường ở vùng lòng hồ thường đánh bắt tôm, cá hàng ngày làm thức ăn.
Để có tôm cá ăn quanh năm, bà con nghĩ ra cách hun khói và nướng. Từ món ăn dân dã hàng ngày, đồng bào người Mường biến cá nướng than hoa thành đặc sản đãi khách du lịch gần xa.
Vừa thoăn thoắt lật những thanh cá vàng ruộm trên bếp than hoa, chị Bùi Thị Chung (37 tuổi) mưu sinh với nghề nướng cá ở hồ sông Đà, cho biết, để có được món cá thơm ngon, điều kiện đầu tiên phải là cá tươi.
Sau khi rửa, cá được ngâm trong nước muối cho tự sạch ruột. Tiếp đến là xát muối quanh thân rồi kẹp nướng. Cá được kẹp bằng những thanh tre tươi, nướng trên than hồng, chỉ cần đặt cá lên bếp than vài phút là đã có thể nghe tiếng cá xèo xèo và mùi thơm dậy lên.
“Công đoạn nướng cá không lâu nhưng vất vả nhất là đi lấy củi, chặt tre vì phải lên rừng mới kiếm được”, chị Chung cho biết thêm.
Cũng có người làm theo cách khác. Những con cá da bạc lấp lánh trong nước được mang lên làm sạch, kẹp trong những thanh tre nhỏ, để ráo nước rồi đem phơi nắng cho se lại.
Một góc hồ thủy điện Hòa Bình-nơi có nhiều cá tự nhiên, cá đặc sản làm nên một trong những đặc sản Hòa Bình-cá nướng. Ảnh: Đặng Tình.
Ngay từ bến thuyền, du khách sẽ thấy những giàn tre phơi cá xếp thành hàng dài, trên đó là những con cá đang săn lại, vảy vàng ánh lên.
Vào mùa Hè nắng gắt, thường chỉ qua buổi trưa đã có thể mang cá đi nướng. Những mùa ít nắng như cuối Thu hay mùa Đông, người dân phải phơi 2 - 3 ngày mới được mẻ cá, có khi đợi cá khô theo gió heo may.
Bà Bùi Thị Nhiện (53 tuổi), người phụ nữ đã bán cá nướng gần 30 năm ở Hòa Bình, còn cầu kỳ tẩm ướp các loại gia vị lấy ngay từ vườn nhà như gừng, sả, riềng, hành, hạt dổi...
Bà Nhiện tâm sự: “Khi nướng phải luôn tay quạt than và lật cá để không bị cháy cạnh hoặc ám nhiều khói sẽ mất mùi thơm tự nhiên. Dùng nẹp tre để tạo thành kẹp, với cá thiểu, cá măng, cá nheo nhỏ, mỗi kẹp chừng 8 - 10 con tùy theo kích cỡ. Với những loại cá lớn như trắm, chép, lăng..., mỗi kẹp chỉ một con. Có người lại dùng que tre tươi xiên cá thành từng xiên, mỗi xiên khoảng vài con”.
Dừng nghỉ dọc đường tham quan hồ thủy điện sông Đà, du khách có thể ngồi quanh bếp than, đợi những con cá nóng hổi vừa nướng xong còn nghi ngút khói được rút ra. Người bán hàng sẽ xẻ cá thành miếng nhỏ rồi chấm thêm chút muối ớt hoặc muối hạt dổi.
Mời khách thưởng thức đúng điệu đặc sản xứ Mường Hòa Bình, người dân sẽ bày trên lá chuối xanh để cá giữ được vị thơm đặc trưng.
Thịt cá nướng thơm nức, ăn kèm với lá sấu non, lá lốt, hay lá đinh lăng và chấm muối ớt. Cách ăn giản dị như vậy nhưng vẫn có nét rất riêng của đặc sản vùng này. Hương thơm lừng của thịt cá tươi, vị mặn mòi của muối quyện với hương tre thoang thoảng khiến du khách dù chỉ ăn một lần cũng sẽ nhớ mãi.
Nếu khách đặt mua về, người dân sẽ bọc những con cá trong lá chuối, sau đó mới lót ngoài bằng lớp giấy bạc hay giấy báo. Để cá khỏi “mất ngon”, khách mua về làm quà phải ăn ngay trong ngày.
Tùy sở thích của mỗi người mà chọn mua một hoặc nhiều xiên ăn cho đã, cho thấm thía cái vị cá của sông Đà. Giá một xiên cá thiểu khoảng 30.000 đồng. Còn cá trơn, cá lăng tùy trọng lượng, giá khoảng 150.000 đồng hoặc hơn.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang (29 tuổi), một du khách chia sẻ: “Hầu hết mọi người đều dừng lại trước những hàng cá nướng khi du lịch lòng hồ. Đó không chỉ là sự thích thú khi chiêm ngưỡng một nét văn hóa của người Mường, mà còn được thưởng thức một đặc sản dân dã, đậm đà hương vị của núi rừng Tây Bắc”.
Phát huy lợi thế du lịch
Chị Bùi Thị Chung cho biết, hiện tại chưa phải mùa cao điểm du lịch nên khách thường chỉ đông vào 2 ngày cuối tuần.
Đầu năm, nhất là thời điểm sau Tết cổ truyền là lúc hàng vạn du khách khắp các nơi trong và ngoại tỉnh đổ về khu du lịch tâm linh như Đền chúa Thác Bờ, động Thác Bờ, hang Đầu Rồng...
Dọc đường ngắm cảnh núi sông hùng vĩ, du khách chắc chắn còn bị cuốn hút bởi những sản vật của sông Đà, đặc biệt là món cá nướng.
Nắm bắt được lợi thế này, những người dân địa phương bán cá nướng tại khu vực lòng hồ cũng chuẩn bị lượng cá dồi dào để phục vụ khách du lịch đúng mùa. Vào dịp lễ hội, người dân bán cá nướng có thể thu về tới 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Du khách không chỉ được tham quan du lịch, tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng mà còn có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm hoạt động ẩm thực mang những nét đặc trưng riêng của vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Người dân địa phương có thêm nhiều cơ hội để tăng doanh thu và quảng bá cho ẩm thực địa phương.
Để quảng bá cho ẩm thực của địa phương tới du khách, nhiều nhà tàu, nhà thuyền cũng đã tư vấn giới thiệu cho các đoàn du khách thưởng thức sản phẩm cá nướng bằng cách đưa vào trong thực đơn ẩm thực của du khách ngay trên thuyền.
Ông Ngô Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch Tây Bắc, cho biết: “Ngoài những món đặc sản như gà đồi, rau rừng, măng chua, xôi ngũ sắc... cá nướng sẽ được bố trí là món chủ đạo trong thực đơn của du khách trên thuyền, để du khách có thể thưởng thức trọn vẹn nhất tinh hoa trong văn hóa ẩm thực của người dân tộc Mường”.
Đi thuyền giữa lòng hồ sông Đà, du khách có thể vừa ngồi thưởng thức món cá nướng trứ danh vừa ngắm những hòn đảo đá nhấp nhô ẩn hiện, những dải núi mờ xa.
Trải nghiệm ẩm thực thú vị này quả thực không có thú vui ăn uống nào sánh bằng trên hành trình du lịch Hòa Bình.
Nhờ du lịch phát triển mà kinh tế địa phương cũng đổi thay, đời sống người dân được nâng cao. Bà Quách Thị Kiều - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình - cho biết: “Lòng hồ Hòa Bình nằm trên địa bàn 5 huyện, thành phố với nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch.
Hiện nay tỉnh đang từng bước khai thác các thế mạnh trên vùng hồ, phấn đấu đưa khu du lịch hồ Hòa Bình phát triển xứng đáng với những tiềm năng vốn có, trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.