Đồng Nai: Nông dân liên kết cùng doanh nghiệp trồng lúa hữu cơ có lợi nhiều bề

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 27/09/2022 18:56 PM (GMT+7)
Tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ, nông dân Đồng Nai được chuyển giao công nghệ làm lúa hữu cơ và được bao tiêu sản phẩm lúa gạo.
Bình luận 0

Trồng lúa hữu cơ nông dân được bao tiêu sản phẩm

Ngày 27/9, Sở NNPTNT Đồng Nai phối hợp với các địa phương và Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) khảo sát thực tế mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. 

Nông dân Đồng Nai trồng lúa hữu cơ, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu - Ảnh 1.

Nông dân làm lúa hữu cơ sẽ sử dụng chế phẩm sinh học thay cho sản phẩm hoá học. Ảnh: Tuệ Mẫn

Theo lãnh đạo huyện Cẩm Mỹ, thời gian qua địa phương đang tuyên truyền, vận động bà con địa phương triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, gần đây nhất có nhiều hộ dân tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ đã phối hợp cùng Tập đoàn Quế Lâm triển khai trồng thí điểm giống lúa ST24.

Giống lúa này được trồng ở vùng nguyên liệu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tiêu chuẩn 5 không (không thuốc diệt cỏ; không chất bảo quản; không thuốc trừ sâu hoá học; không dư lượng hoá chất độc hại; không chất kích thích tăng trưởng). 

Nông dân Đồng Nai trồng lúa hữu cơ, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu - Ảnh 2.

Những cánh đồng lúa hữu cơ tại Cẩm Mỹ. Ảnh: Tuệ Mẫn

Bà Đoàn Thị Như, tổ 8, ấp 9, xã Sông Ray cho biết, mặt lợi khi tham gia làm lúa hữu cơ là nông dân được kỹ sư của Tập đoàn hướng dẫn chuyển giao quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ hữu cơ, vi sinh cho sản xuất lúa. 

"Làm lúa sạch năng suất dù kém hơn cách làm lúa trước đây nhưng giá thành cao hơn, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên không lo bị thương lái ép giá. Hơn nữa sản phẩm làm ra sạch, gia đình ăn cũng an tâm và bán ra người dùng được tiếp cận lúa gạo sạch cũng tốt hơn. Về lâu dài bản thân tôi quyết định sẽ gắn bó lâu dài với việc làm lúa hữu cơ", chị Như nói. 

Khi thấy chị Như cùng những hộ dân khác thành công với cách trồng lúa hữu cơ, có nơi bao tiêu sản phẩm ổn định, nhiều bà con đã đến tìm hiểu, mong muốn được tham gia mô hình. 

Nông dân Đồng Nai trồng lúa hữu cơ, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu - Ảnh 3.

Nông dân Cẩm Mỹ phấn khởi khi làm lúa hữu cơ. Ảnh: Tuệ Mẫn

Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm cho hay: "Người nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ và làm chủ được công nghệ, quy trình sản xuất. Làm lúa hữu cơ vừa có lợi cho nông dân vừa có lợi cho người tiêu dùng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Sản phẩm sạch sẽ dễ xâm nhập thị trường hơn và giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình".

Ông Lam nói thêm, vào đầu vụ cán bộ của Tập đoàn sẽ cho nông dân sử dụng chế phẩm để xử lý rơm rạ giúp tầng đất canh tác của nông dân dày hơn, độ mùn tăng cao. Như vậy, khi gieo trồng lúa vẫn cho năng suất cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng. 

Hỗ trợ kỹ thuật và vật tư, phân bón cho nông dân

Sau khi khảo sát các ruộng lúa ở Cẩm Mỹ, ông Trần Hải Sơn - Phó Chi Cục Trưởng Chi Cục PTNT và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NNPTNT Đồng Nai) đánh giá, đây là vụ thứ 2 người dân trồng lúa theo mô hình hữu cơ và cây lúa đang tăng trưởng tốt. 

Sản xuất lúa hữu cơ nông dân phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, không sử dụng phân thuốc hoá học, giúp môi trường sống an toàn, tạo ra sản phẩm sạch. Đặc biệt, nông dân tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất và có đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa gạo. Mô hình đang thí điểm tại xã Sông Ray được Sở NNPTNT Đồng Nai và Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ 50% vật tư, phân bón cho người dân.

Nông dân Đồng Nai trồng lúa hữu cơ, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu - Ảnh 4.

Đoàn công tác đánh giá lúa hữu cơ phát triển tốt. Ảnh: Tuệ Mẫn

Trước đó, ngày 5/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm. Sau lễ ký kết, hai bên sẽ phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, ca cao, hồ tiêu, cà phê, hạt điều; sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; chăn nuôi heo, tôm hữu cơ, an toàn sinh học… 

UBND tỉnh Đồng Nai cùng với Tập đoàn Quế Lâm còn hợp tác bồi dưỡng, tập huấn về quy trình kỹ thuật, công tác quản lý các sản phẩm, xây dựng cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ. 

Tập đoàn Quế Lâm cũng từng bước chuyển giao quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ hữu cơ, hữu cơ vi sinh cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai. Khi có sản phẩm sẽ quảng bá, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, kênh phân phối các sản phẩm hữu cơ của tỉnh. 

Thời gian hợp tác để thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với tập đoàn Quế Lâm đến ngày 31/12/2025.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem