Những ngày này đi dọc Tỉnh lộ 887B ngang qua các xã Phú Thạnh, Tân Phú, Phú Đông... thuộc huyện cù lao Tân Phú Đông, có thể thấy cây sả được nông dân trồng khắp nơi từ những ruộng sả bạt ngàn cho đến trước sân nhà, trong vườn dừa, cạnh lối đi, thậm chí dọc đường giao thông cũng được nông dân tận dụng trồng sả.
Mau chóng khấm khá
Ông Nguyễn Văn Thảo ở xã Phú Thạnh cho biết, hiện nay giá sả chỉ ở mức 4.500 đồng/kg nên với 2.000m2 đất trồng sả của gia đình vừa rồi chỉ thu được 10 triệu đồng sau 4 tháng trồng (những lúc giá sả cao thì thu nhập có thể lên tới 20-30 triệu đồng).
Tuy nhiên, đây cũng là khoản thu nhập đáng kể so với việc bỏ đất hoang trong khoảng thời gian không thể trồng lúa do thời tiết khô hạn từ đầu năm đến nay. Cũng nhờ cây sả mà gia đình ông Thảo sửa chữa được nhà cửa, trang bị đầy đủ dụng cụ sinh hoạt gia đình, con cái được học hành…
Tương tự như vậy, ông Lê Văn Một vốn là nông dân khó khăn ở xã Phú Đông đã đổi đời nhờ trồng sả. Với diện tích đất gần 4.000m2, trước đây gia đình ông mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa nhưng năng suất thường rất thấp, đời sống vô cùng khó khăn. Vào năm 2012, thấy một vài hộ gia đình trồng sả có hiệu quả nên ông Một cũng mạnh dạn lên liếp trồng sả và liên tục trúng giá từ 5.000-7.000 đồng/kg từ đó đến nay. Nhờ đó mà gia đình ông Một thoát nghèo.
Theo ông Một, kỹ thuật trồng sả không có gì khó, mùa mưa chỉ xẻ rảnh để thoát nước tránh sả bị ngập úng, còn mùa nắng thì sả có thể trồng bất cứ nơi nào. Thông thường thu hoạch sả vụ 1, bà con không nhổ tận gốc mà mỗi bụi sả để lại 2-3 tép để tiếp tục thu hoạch vụ sau. Vụ sả thứ 2 này vẫn có thể đạt năng suất như vụ 1 nếu bà con chăm sóc tốt. Cây sả thích nghi với điều kiện khô, mặn và không bị nhiều dịch bệnh như các loại hoa màu khác. Thông thường sả chỉ mắc bệnh rệp sáp và thối thân vào thời điểm sắp thu hoạch.
Bà Ngô Thị Lài - thương lái thu mua sả ở xã Phú Đông cho biết, những năm gần đây thị trường tiêu thụ sả rất ổn định. Giá sả thường dao động ở mức 5.000-6.000 đồng/kg nên nông dân trồng sả có lợi nhuận khá. Với giá sả ổn định 4.000-7.000 đồng/kg như những năm qua, mỗi ha sả trồng xen canh với lúa có thể đạt 15 tấn, lợi nhuận 50-70 triệu đồng.
Về thị trường tiêu thụ, cây sả địa phương này được thu gom chuyển về chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) để phân phối về tận các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Tạo nhiều việc làm
Không chỉ những hộ có đất sản xuất gia tăng lợi nhuận nhờ cây sả mà hàng trăm lao động ở địa phương này cũng có thêm thu nhập vào lúc nông nhàn. Nhiều chị em phụ nữ có thêm được khoản thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng do siêng nhặt sả, từ đó cải thiện được đáng kể cuộc sống gia đình.
Bà Nhung - nhân công nhặt sả ở một đại ký thu mua sả dọc Tỉnh lộ 887B cho hay, những năm trước muốn kiếm việc làm để có thể thu nhập phải đi làm công nhân ở các khu công nghiệp bên đất liền. Bây giờ nhờ cây sả mà chị em phụ nữ nơi đây chỉ cần đến các đại lý thu mua sả gần nhà làm là có thu nhập cũng không kém gì đi làm công nhân, lại có điều kiện chăm sóc con cái, gia đình.
Hiện nay, cây sả ở huyện Tân Phú Đông đã được Công ty TNHH Đức Huệ Trường Thành (TP.Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu. Bà con cũng được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn trồng sả theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để cây sả ở địa phương này tiếp tục phát triển bền vững. Đến nay, diện tích trồng sả trên địa bàn huyện đạt gần 600ha, tăng 200ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Phú Đông, cây sả đang được ngành nông nghiệp huyện khuyến khích phát triển từ diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả. Bởi, hiện nay nhu cầu tiêu thụ sả ngày càng cao, đầu ra ổn định, lợi nhuận nông dân được đảm bảo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.