Trồng sứ lạ, to như cây Bao Báp châu Phi, dân ở đây kiếm bộn tiền

Thứ năm, ngày 08/08/2019 19:10 PM (GMT+7)
Nổi tiếng với sự nhanh nhẹn và nhạy bén trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian gần đây, nhiều nông dân Sa Đéc (Đồng Tháp) chuyển sang trồng cây sứ (cây hoa sứ) cho thu nhập cao. Không những hấp dẫn người mua với bộ sưu tập nhiều giống sứ mới lạ mà chính kỹ thuật trồng sứ “không giống ai” của nông dân Sa Đéc đã cho ra đời nhiều kiệt tác độc- lạ, hấp dẫn du khách khi tới thành phố hoa.
Bình luận 0

Sứ “chân dài” mang vẻ đẹp của cây Bao Báp

 Nếu ai đã từng biết đến cây Bao Báp (một loại cây biểu tượng của lục địa châu Phi), ắt hẳn sẽ cảm thấy rất thú vị khi được tận mắt chiêm ngưỡng những cây “sứ chân dài” của nông dân Trần Duy Phong, ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc (Đồng Tháp).

“Sứ chân dài” có hình dáng bên ngoài thon cao, thẳng tắp, khác hẳn với hình dạng bên ngoài của họ hàng nhà sứ, những cây “sứ chân dài” trong vườn của anh Phong nhìn tựa những cây Bao Báp ở châu Phi, nhưng chỉ khác là kích thước nhỏ gọn gấp nhiều lần so với cây bao báp ở lục địa đen.

img

Sứ “chân dài” có hình dáng độc đáo giống cây Bao Báp ở châu Phi. 

Năm 2015, anh Phong chuyển một phần diện tích vườn sang trồng sứ. Tuy nhiên, anh Phong nhận thấy trồng sứ với kỹ thuật truyền thống không mang lại giá trị kinh tế cao, anh Phong tìm chọn những giống sứ mới nổi trội về hình dáng bên ngoài để chế tác ra những cây sứ có hình dáng khác thường. Kéo rễ của cây sứ dài ra để làm thân là một trong những kỹ thuật lạ đời được anh Phong áp dụng.

 Chia sẻ về bí quyết kéo chân dài cho cây sứ, anh Trần Duy Phong tâm sự: “Không phải giống sứ nào cũng có thể kéo chân ra cho dài được, tuy từng giống sứ có đặc điểm sinh trưởng khác nhau mà mình chế tác cho phù hợp. Ví dụ giống sứ có rễ cái to khỏe thì có thể tuyển chọn để làm sứ “chân dài”, còn giống sứ có đặc điểm rễ xòe thì để tạo tác sứ bonsai rễ xòe. Phần lớn các giống sứ trong vườn hiện nay đều được nhập từ Thái Lan”.

 Ngoài việc tìm chọn giống sứ phù hợp để chế tác thì kỹ thuật, sự tỉ mẩn của nhà vườn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo anh Phong sứ sau khi gieo hạt khoảng 8 tháng bắt đầu nhổ lên, cắt tỉa hết phần rễ chỉ để lại một rễ cái to, thẳng.

Sau đó rễ này sẽ được buộc cố định vào 1 thanh tre, phần đuôi rễ sẽ được cắm lơ lửng vào trong một cái chai nhựa để rễ cái này mọc ra rễ mới, khi phần rễ mới mọc ra đủ lớn thì tiếp tục nhổ lên, quá trình như vậy sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi nào cây có chiều cao đủ theo độ cao mong muốn. Một cây sứ “chân dài” được đánh giá là đạt chuẩn, theo anh Phong cần có thân cân đối, suông, thẳng, vỏ trên cây mượt mà và có màu xanh.

 Với kỹ thuật trồng sứ độc - lạ của mình, anh Phong đã giúp gia đình “bỏ túi” mỗi năm khoảng trên 1 tỉ đồng. Hiện tại, những kiệt tác sứ “chân dài” của anh Phong được mối lái khắp nơi trong cả nước đến đặt hàng. Ngoài sản phẩm sứ “chân dài”, hiện anh Phong cũng đang nghiên cứu, sáng tạo thêm một số giống sứ khác.

 Sứ ghép hút hồn người chơi hoa

 Với sự nhạy bén và chịu khó, những năm qua, nhiều nông dân Sa Đéc đã lai tạo và cho ra đời nhiều giống hoa sứ có màu sắc độc đáo, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người chơi hoa khi đến với thành phố hoa Sa Đéc.

 Theo ông Bùi Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Sa Đéc, mô hình trồng sứ xuất hiện ở địa phương cách đây khoảng 10 năm. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây trồng sứ trở thành xu hướng mới của nông dân trồng hoa. Nhờ giá sứ những năm gần đây khá tốt nên nhiều nhà vườn cũng chuyển sang trồng hoa sứ thay cho những giống hoa khác. Với đặc tính dễ trồng, không quá khó trong khâu chăm sóc nên nhiều nhà vườn đã mạnh dạn chuyển sang trồng sứ trong những năm gần đây.

img

Nhiều giống hoa sứ mới không ngừng được lai tạo bởi nông dân trồng hoa ở Sa Đéc.

Tuy nhiên, không phải sứ nào cũng hút hàng, để níu chân người tiêu dùng, nông dân Sa Đéc luôn phải thay đổi và thích ứng liên tục. Ngoài việc sáng tạo ra những loại hình bonsai mới cho cây sứ thì khâu lai tạo ra những giống hoa sứ mới có màu sắc và hình dáng hoa độc đáo cũng là thế mạnh của nhà vườn TP Sa Đéc.

 Theo Hội Sinh vật cảnh TP Sa Đéc tại ở địa phương có khoảng trên 100 giống sứ. Tùy nhu cầu khác nhau của khách hàng mà nông dân Sa Đéc tạo tác, chăm sóc phù hợp. Tùy từng lứa tuổi, giống sứ, và yếu tố nghệ thuật mà sứ có giá bán khác nhau. Sứ cây con nguyên liệu hiện có giá từ 22.000-25.000 đồng/cây.

Giá sứ ghép chồi khoảng 2 tháng tuổi có giá dao động từ 55.000- 60.000 đồng/chậu. Sứ trưởng thành có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/chậu, tùy giống sứ. Đặc biệt đối với những giống sứ hiếm, nghệ thuật, giá mỗi cây khoảng vài chục triệu đồng cho đến khoảng 100 triệu đồng/cây.

 Theo bà con trồng sứ ở làng hoa Sa Đéc, sứ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp trồng và chưng ở nhiều khu vực khác nhau từ hộ gia đình cho đến công viên, khu du lịch, resort... nên được ưa chuộng.

Tuy nhiên, nhiều nhà vườn cũng cho rằng, để trụ với nghề trồng sứ lâu dài đòi hỏi phải bỏ thêm nhiều công sức hơn cho từng sản phẩm. Bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay càng ngày càng hiện đại, người chơi hoa không những chỉ thưởng thức cái đẹp đơn thuần mà còn cảm nhận sự tinh tế trong từng tác phẩm hoa kiểng.

Vân Khánh (Báo Cần Thơ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem