Trồng thứ cam quý theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân Thừa Thiên Huế lãi cao hơn sản xuất đại trà 89 triệu đồng/ha
Trồng thứ cam quý theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân Thừa Thiên Huế lãi cao hơn sản xuất đại trà 89 triệu đồng/ha
Thu Hương
Thứ sáu, ngày 19/07/2024 18:25 PM (GMT+7)
Mô hình trồng cam Nam Đông (Thừa Thiên Huế) theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất trung bình hơn 15 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà 89 triệu đồng/ha.
Ngày 19/7, theo tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ quan này vừa tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh: "Xây dựng mô hình sản xuất cam Nam Đông theo tiêu chuẩn VietGAP" do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ chủ trì thực hiện.
Mô hình trồng cam Nam Đông theo VietGAP cho năng suất trung bình hơn 15 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà 89 triệu đồng/ha. Ảnh: CTV.
Năm 2019, cam Nam Đông đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Việc công bố nhãn hiệu tập thể cam Nam Đông giúp người dân trồng cam ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế tăng thu nhập bền vững từ sản phẩm địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa.
Từ đó, việc xây dựng mô hình sản xuất cam Nam Đông theo tiêu chuẩn VietGAP là yêu cầu cần thiết nhằm phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn, sản phẩm an toàn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho địa phương.
Qua thời gian thực hiện từ tháng 2/2021 đến đầu năm 2024, tất cả các nội dung về xây dựng mô hình sản xuất cam Nam Đông theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai đầy đủ, đạt mục tiêu, sản phẩm của dự án theo thuyết minh đã được phê duyệt và theo hợp đồng đã ký kết.
Cụ thể, đã xây dựng mô hình sản xuất 5ha cam Nam Đông đạt tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất trung bình đạt hơn 15 tấn/ha. Mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà 89 triệu đồng/ha.
Quá trình thực hiện dự án cũng đã xây dựng mô hình trồng mới 3ha cam Nam Đông có hệ thống tưới tiết kiệm nước. Mô hình này cho cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống 97%, chiều cao trung bình đạt 1,13m- 1,40m sau trồng 20 tháng.
Bên cạnh đó đã hoàn thiện quy trình sản xuất cam Nam Đông thời kỳ kinh doanh đạt tiêu chuẩn và quy trình trồng, chăm sóc cam Nam Đông thời kỳ kiến thiết cơ bản theo tiêu chuẩn VietGAP...
Theo TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án đã góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến mô hình phát triển thương hiệu cam Nam Đông, phát triển các mô hình liên kết để quảng bá, xây dựng thương hiệu vững mạnh. Mô hình đã giúp tăng năng suất, chất lượng cam Nam Đông, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.