Thừa Thiên Huế: Phát hiện loài chim quý lần đầu tiên xuất hiện ở miền Trung

Trần Hòe Thứ năm, ngày 16/05/2024 05:22 AM (GMT+7)
Loài chim quý có tên là chim quắm đen đã được phát hiện tại khu vực cửa sông Ô Lâu, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là lần đầu ghi nhận thêm loài chim quắm đen, loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam ở miền Trung Việt Nam.
Bình luận 0

Ngày 15/5, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp quốc gia "Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng khu hệ chim và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn các loài chim ở vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam", nhóm nghiên cứu đã phát hiện loài chim quắm đen tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Thừa Thiên Huế: Phát hiện loài chim quý lần đầu tiên xuất hiện ở miền Trung- Ảnh 1.

Loài chim quý có tên là quắm đen đã được phát hiện tại khu vực cửa sông Ô Lâu, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lê Mạnh Hùng.

Đề tài "Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng khu hệ chim và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn các loài chim ở vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam", do Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì và Tiến sĩ Hồ Thắng chủ nhiệm triển khai thực hiện.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa tại vùng cửa sông Ô Lâu, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và vùng đầm Lập An, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Qua khảo sát đã phát hiện 14 cá thể chim quắm đen (Plegadis falcinellus) tại khu vực cửa sông Ô Lâu, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Đây là lần đầu ghi nhận loài chim này ở miền Trung Việt Nam.

Trước đây loài chim quắm đen chỉ được ghi nhận là loài định cư hiếm tại Nam Bộ và lang thang qua Đông Bắc. 

Loài chim quý này nằm trong họ cò quăm (Threskiornithidae), bộ bồ nông (Pelecaniformes), một trong những họ hiện ghi nhận nhiều loài chim quý hiếm trong Danh lục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cũng như Sách đỏ Việt Nam.

Hiện nay chim quắm đen được đánh giá có quần thể suy giảm. 

Tại Việt Nam loài chim quý này chỉ còn được ghi nhận nhiều tại một số khu vực ở Đồng bằng Sông Cửu Long, như Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Đất Mũi (Cà Mau), các sân chim Bạc Liêu, Khu bảo tồn thiên nhiên Láng sen (Long An).

Việc lần đầu tiên ghi nhận loài chim quắm đen cho thấy khu vực cửa sông Ô Lâu, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai ở tỉnh Thừa Thiên Huế có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư. 

Đặc điểm nhận dạng chim quắm đen theo sách Chim Việt Nam (Birdlife) - Nguyễn Cử, Lê Trọng Trải, Karen Phillipps - trang 38.

Loài chim quắm đen có kích thước nhỏ 64 cm. Bộ lông chim quắm đen (cò quắm) có màu đen nếu nhìn từ xa. 

Chim khi không ở thời kỳ sinh sản đầu và cổ viền trắng. Trong ánh sáng mờ có thể nhầm với loài Rẽ mỏ cong nhưng có tư thế thẳng đứng, có dáng đứng giống loài Diệc và có cánh tròn.

Đặc điểm sinh học, sinh thái:

Cò quắm đen là loài định cư. Tương đối phổ biến. Nơi ở của loài cò này được biết đến là rừng tràm, các vùng đồng cỏ và cây ngập nước, đầm lầy và hồ, vùng cây gỗ ở đồng bằng.

Phân bố:

Chim quắm đen phân bố ở Đồng bằng sông Cửu long (các sân chim, nhiều vùng rừng tràm và vùng cây gỗ). Gặp nhiều ở U Minh Thựợng, Kiên Giang, vườn chim Trà Cú, Trà Vinh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem