Trồng thứ cây quý bán lá, bán hoa mà dân ở nơi này của Quảng Ninh thu hàng chục tỷ đồng

Thứ hai, ngày 31/10/2022 07:53 AM (GMT+7)
Từ sản phẩm thảo dược mọc tự nhiên trong rừng ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), đến nay trà hoa vàng đã trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) Quảng Ninh, đạt tiêu chuẩn chất lượng 4 sao, định hướng đạt tiêu chuẩn 5 sao trong năm 2022...
Bình luận 0

Với giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 15 triệu đồng/kg hoa khô, trà hoa vàng trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở huyện vùng cao Ba Chẽ. Bởi vậy, những năm gần đây, diện tích cây dược thảo này không ngừng được mở rộng.

Tính đến đầu tháng 9/2022, tổng diện tích trồng trà hoa vàng của toàn huyện đạt khoảng 205ha với khoảng 100ha cho thu hoạch, trong đó diện tích trà hoa vàng đã cho thu hoạch lá và hoa chiếm gần 50%, doanh thu từ cây trà hoa vàng hàng năm trên địa bàn huyện khoảng trên 20 tỷ đồng. 

Các địa phương có diện tích trồng và cho thu hoạch nhiều nhất là các xã Đồn Đạc, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Đạp Thanh... Ba Chẽ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển diện tích trồng trà hoa vàng lên 400ha.

Trồng thứ cây quý bán lá, bán hoa mà dân ở nơi này của Quảng Ninh thu hàng chục tỷ đồng - Ảnh 1.

Các thiếu nữ dân tộc thiểu số huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) bên cây trà hoa vàng. Ảnh: Nguyễn Hoàng - TTXVN

Với mong muốn khắc phục sự suy giảm, "chảy máu" thảo dược quý, huyện Ba Chẽ đã có nhiều cách làm thiết thực để bảo tồn chất lượng giống và phát triển vùng nguyên liệu trà hoa vàng phục vụ cho việc xây dựng sản phẩm OCOP chất lượng, phát triển bền vững. 

Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2017, huyện đã hỗ trợ 1,1 tỷ đồng cho 174 hộ tham gia dự án trồng cây trà hoa vàng tập trung.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Dược Hà Nội, hoa và lá cây trà hoa vàng bao hàm hơn 400 thành phần hóa học, không có độc và tác dụng phụ, chứa hàng chục loại axit amin rất nhiều nguyên tố vi lượng Ge, Se, Mo, Zn, V... có tác dụng bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật.

Tiếp đến, huyện đã củng cố lập hồ sơ, mở rộng vườn giống; đầu tư nâng công suất nhân giống và chất lượng cây giống bằng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới phun mù, thoát nước; định hướng và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm chủ lực thông qua liên kết với người dân. 

Ba Chẽ thành lập tổ hợp ký hợp đồng với Công ty cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh trong việc hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư đồng thời bao tiêu nguyên liệu...

Cùng đó, huyện đã xây dựng Quy hoạch Khu trung tâm sản xuất giống và chế biến tập trung cây trà hoa vàng tại xã Đạp Thanh và giao Công ty cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh quản lý khu vườn ươm, xưởng chế biến trà. 

Mỗi năm, Công ty cung ứng được trên 200.000 cây giống trà hoa vàng các loại, chế biến 30 tấn lá và 10 tấn hoa tươi.

Ngoài ra, Ba Chẽ đã tích cực, chủ động kêu gọi thu hút, vận dụng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trong lĩnh vực phát triển, chế biến dược liệu. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai xây dựng thêm các cơ sở chế biến, góp phần nâng cấp công nghệ chế biến cây trà hoa vàng sau thu hoạch, từ đó nâng cao thương hiệu, tính cạnh tranh trên thị trường.

Các sản phẩm OCOP trà hoa vàng được huyện Ba Chẽ liên tục đầu tư, nâng cao chất lượng, sản lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài sản phẩm trà hoa vàng truyền thống, hiện có nhiều sản phẩm mới như bột mát-cha trà hoa vàng, trà túi lọc... cũng được đầu tư nghiên cứu, sáng tạo. 

Theo thống kê, hiện sản lượng thu hoạch hoa trà hoa vàng tươi bình quân ở Ba Chẽ đạt 20 tấn/năm, lá trà hoa vàng tươi 65 tấn/năm.

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ cho hay, giữa tháng 9/2022, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản thông báo Quảng Ninh có thêm 11 mã vùng trồng có đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; trong đó, có 1 mã của vùng trồng trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ của Công ty cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh có quy mô 31 ha với 27 hộ tham gia trồng trà hoa vàng.

Bên cạnh việc trà hoa vàng được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận, năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt đề tài khoa học Nghiên cứu thành phần, tác dụng của trà hoa vàng.

Theo “Camellia International Journal” - Tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8%; giúp giảm tới 35% hàm lượng cholesterol trong máu (mỡ máu). Ngoài ra, còn có khả năng làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu…

Văn Đức (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem