Nếu các chỏm băng ở Bắc Cực và Nam Cực tiếp tục tan chảy, ngày của chúng ta có thể dài hơn 24 giờ. Đó là bởi vì Trái đất cuối cùng sẽ quay chậm hơn do sự gia tăng mực nước biển tại trục của nó, một nhà băng học đã tiết lộ.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang web khoa học đại chúng Inverse, chuyên gia khoa học Trái đất Mathieu Morlighem đã nói về việc hành tinh của chúng ta trông như thế nào vào năm 2121, sau một thế kỷ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Tin xấu là khoảng 40% dân số thế giới sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mực nước biển dâng do họ sống ở các khu vực ven biển.
Ông giải thích: "Rất nhiều quốc gia sẽ biến mất".
"Các hòn đảo ở Thái Bình Dương, chúng đã biến mất. Ai sẽ quan tâm đến những người này? Họ cần có nơi ở, và họ có văn hóa".
Khi các đại dương len lỏi vào đất liền, nước mặn sẽ xâm nhập và làm ô nhiễm một số nguồn dự trữ nước ngọt, gây ra nhiều vấn đề hơn nữa cho con người.
Giáo sư Morlighem cũng đề cập đến Dòng chảy Vịnh, một hệ thống lưu thông khổng lồ di chuyển từ Caribê đến Bắc Cực, nơi nó nguội đi và di chuyển trở lại phía nam.
Lưu thông trên đại dương có thể bị chậm lại nếu quá nhiều nước ngọt tràn vào Bắc Cực, dẫn đến việc "đóng cửa" Dòng chảy Vịnh - và đó là một tin xấu đối với châu Âu.
"Châu Âu sẽ lạnh như Montreal," ông giải thích. "Nhiệt độ ở châu Âu sẽ giảm mạnh và sẽ xuất hiện Kỷ băng hà".
Những ngày đó có thể trở nên lạnh hơn rất nhiều, nhưng liệu chúng có thể kéo dài hơn? Rất có thể, theo Giáo sư Morlighem.
Ông nói: "Một hiệu ứng thú vị khác là nếu bạn làm tan chảy băng, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến chuyển động quay của Trái đất. Nó thực sự có thể thay đổi thời lượng một ngày".
"Các tảng băng gần với trục quay của Trái đất - chúng ở xung quanh các cực. Nếu lớp bằng này tan chảy, nước sẽ chảy về xung quanh Trái đất, càng ngày càng xa trục quay. Vì vậy, Trái đất sẽ quay với tốc độ chậm hơn. Thật khó để định lượng, nhưng có lẽ dài hơn 10, 20 giây trong một ngày."
Nhiệt độ đóng băng, ngày dài hơn và sự biến mất của toàn bộ các quốc gia dưới nước - nghe có vẻ giống với khải huyền. Nhưng tin tốt là sẽ mất "hàng nghìn hàng nghìn năm" để tất cả các chỏm băng ở hai cực tan chảy hoàn toàn.
"Thế giới sẽ không kết thúc vào năm 2121," Giáo sư Morlighem nói.
"Chúng tôi nghĩ rằng nếu Greenland tan chảy ngày hôm nay, mực nước biển trên toàn cầu sẽ tăng 7,4 mét và Nam Cực là 58 mét. Như vậy, tổng cộng 65,4 mét, tức là 215 feet".
"Và nó sẽ không phân bố đồng đều trên toàn cầu vì lực hấp dẫn. Chúng ta sẽ có mực nước biển giảm xung quanh Greenland và Nam Cực, nhưng lại dâng lên ở những nơi khác."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.