Trực thăng tự chế 200 triệu của thợ rèn học hết cấp 2

Thứ bảy, ngày 11/01/2014 19:35 PM (GMT+7)
Hình ảnh chạy thử nghiệm chiếc trực thăng do anh Nguyễn Văn Thắng, Long Biên, Hà Nội, vừa đưa lên mạng đã nhận được nhiều lời tán thưởng.
Bình luận 0
Mặc dù ở lần thử nghiệm thứ 2, chiếc trực thăng tự chế mới bay lên khỏi mặt đất được 50cm, nhưng anh Thắng nhận được rất nhiều lời khen ngợi, không chỉ về sản phẩm mà họ khâm phục tinh thần sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư của anh.

Những sản phẩm từ niềm đam mê sáng tạo

Tìm về nhà anh Thắng ở phường Thượng Thanh, chúng tôi bắt gặp anh đang cặm cụi, mày mò với chiếc lốp ô tô, bên cạnh là một chiếc mô tô “hàng khủng” màu trắng, rất đẹp mắt. Anh cho biết: “Tôi đang chế tạo chiếc xe 3 bánh. Sẽ là hàng độc sau khi hoàn thiện, còn kia là chiếc mô tô tôi tự chế tạo thủ công từ trước đó, dùng để kéo trực thăng đi thử nghiệm”.

Người thợ sửa chữa xe máy này không chỉ chế tạo ra trực thăng mà còn có sáng kiến chế tạo cả xe 3 bánh. Vừa gò, hàn anh Thắng vừa kể chuyện: “Trước đây, tôi học hết cấp 2 thì nghỉ học đi làm thợ rèn. Sau đó đi làm nghề sửa chữa xe máy, làm nhiều nơi lắm. Cuối cùng tôi về nhà mở cửa hàng sửa chữa xe máy của riêng mình.

Anh Thắng bên chiếc trực thăng tự chế.
Anh Thắng bên chiếc trực thăng tự chế.

Tất cả những gì tôi làm được là từ kinh nghiệm trải qua trên 20 năm làm nghề chứ không được đào tạo qua trường lớp nào. Hiện tôi chuyên làm xe tự chế cho người tàn tật, cho các bác thương binh. Ngoài thời gian đó, tôi tự mày mò, tìm hiểu rồi chế tạo ra xe mà tôi thích, xem mình làm được đến đâu, cho thỏa mãn niềm đam mê của mình thôi".

Ý tưởng để anh chế tạo trực thăng đến từ một lần xem trên mạng, đọc báo thấy một người ở trong Nam chế tạo ra trực thăng. May mắn là vợ anh ủng hộ nhiệt tình. "Thế là tôi bắt tay vào làm, tốn nhiều công sức và chi phí nên nhiều người bảo tôi bị “dở”, không được học mà cũng đi “cướp” nghề của kỹ sư. Nhưng tôi vẫn quyết định làm bằng được.

Sau 3 tháng, tôi đã hoàn thiện chiếc trực thăng, nên cùng một số người bạn đưa ra một bãi đất trống xa khu dân cư để thử nghiệm nhưng không cất cánh được. Đến lần thứ 2 tôi tiếp tục thử nghiệm, chiếc trực thăng bay lên khỏi mặt đất được 50cm thì tôi tắt máy hạ xuống vì sợ ảnh hưởng đến người dân. Tôi ý thức được mức độ nguy hiểm, vì khi sản xuất một chiếc trực thăng để đưa vào sử dụng trong đời sống cần phải có chuyên gia kiểm nghiệm, giám sát”.

Anh Nguyễn Tiến Thành, ở quận Long Biên, cho biết: “Hôm ấy tôi tình cờ đi ngang qua chỗ chiếc trực thăng thử nghiệm, thấy người dân tụm lại đông nên cũng tò mò vào xem. Quả thật tôi rất bất ngờ, ở cùng khu với anh Thắng nhưng tôi đi làm suốt nên không biết anh đã chế tạo ra trực thăng. Tôi rất hoan nghênh tinh thần sáng tạo của một người thợ sửa chữa xe máy như anh Thắng. Theo tôi thì đó là một thành công lớn, bởi một người không được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp nào, mà có thể làm được một chiếc trực thăng nhấc khỏi mặt đất được 50cm, thì không phải thợ sửa chữa xe máy nào cũng làm được”.

Chiếc xe 3 bánh anh Thắng tự chế rất đẹp mắt, là hàng độc ở Hà Nội (dùng kéo trực thăng đi thử nghiệm). Ảnh: Lê Mận
Chiếc xe 3 bánh anh Thắng tự chế rất đẹp mắt, là hàng độc ở Hà Nội (dùng kéo trực thăng đi thử nghiệm). Ảnh: Lê Mận

Thành công nhờ niềm đam mê

Chiếc trực thăng tự chế của anh Thắng có màu vàng rất bắt mắt, chở được một người. Anh cho biết: “Trực thăng cao 2,6m, dài 6,8m, có trọng lượng 185kg, với động cơ 38kW vốn là động cơ ô tô cũ. Vận tốc cất cánh của máy bay là 700 vòng trên phút, sải cánh dài 5,6m.

Ngoài động cơ của ô tô cũ thì tất cả các bộ phận khác của trực thăng tôi đều chế tạo thủ công. Trong 3 tháng kể từ khi có ý tưởng làm, phải mất nhiều công đoạn, hàng trăm chi tiết khác nhau. Trước tiên tôi đã phác họa hình ảnh chiếc trực thăng ra giấy, sau đó liệt kê các dụng cụ cần mua, nhiều thứ không mua được thì phải tự gò, hàn.

Thép phải dùng loại có độ đàn hồi cao, chịu lực tốt để làm khung. Cánh quạt thì phải tìm loại thép dẻo làm xương sống, bên ngoài cánh phải bọc thêm một lớp inox rồi hàn lại thật kín và chắc chắn. Còn động cơ 38kW của chiếc ô tô cũ thì vòng tua ban đầu là 4.500-5.000 vòng/phút, lớn quá nên về mình phải độ xuống 700 vòng/phút.

Sau 3 tháng miệt mài, anh đã hoàn thiện chiếc trực thăng với tổng chi phí gần 200 triệu đồng.
Sau 3 tháng miệt mài, anh đã hoàn thiện chiếc trực thăng với tổng chi phí gần 200 triệu đồng.

Mua vòng bi, bánh răng xe máy về làm thành bộ phận truyền lực từ rotor cánh quạt chính dẫn đến cánh quạt đuôi. Bộ phận truyền động cơ cũng phải “chế” từ hướng dọc thành hướng ngang. Công đoạn mất nhiều thời gian là bộ phận đĩa chao, giúp trực thăng giữ cân bằng khi bay trên không. Tôi phải thử nghiệm trên máy cả chục lần mới thành công.

Sau 3 tháng miệt mài, tôi đã hoàn thiện chiếc trực thăng với tổng chi phí gần 200 triệu đồng”.

Được biết, hàng ngày cứ 6h là anh bắt đầu công việc đến tối muộn mới nghỉ, khoảng sân rộng chừng 20m2 trước cửa nhà là nơi anh làm việc, để thỏa sức chế tạo.

Anh Thắng nói thêm: “Những lần đưa đi thử nghiệm, tôi dùng chiếc xe 3 bánh tự chế của mình kéo trực thăng cùng sự giúp sức của bạn bè, đưa ra bãi đất trống, buộc một sợi dây cáp vào gầm trực thăng thật an toàn cho bản thân cũng như những người xung quanh, sau đó mới khởi động.

Hôm thử nghiệm lần thứ 2, khi trực thăng bay lên khỏi mặt đất được 50cm tôi rất vui với thành công ban đầu của mình. Tôi chế tạo ra chiếc trực thăng này là vì đam mê và muốn lượng sức mình được đến đâu, nghề của mình là nghề sửa chữa máy móc, cơ khí thì mình làm cho vui, cho thỏa sức. Tương lai tôi cũng mong muốn những sáng chế của mình được ứng dụng vào đời sống một cách an toàn và hiệu quả”.

Một người hàng xóm nhà anh Tuấn nói: “Không chỉ riêng chiếc trực thăng mà anh Thắng còn tự chế thành công xe 3 bánh hàng độc khiến nhiều người có thú “độ xe” và “chơi xe” phải mê mẩn, vì so với những chiếc mô tô 3 bánh “khủng” nhập từ nước ngoài về có giá hàng chục nghìn đô thì chiếc xe anh Thắng tự chế không thua kém độ đẹp về ngoại hình. Hiện tại đang có chiếc xe 3 bánh anh Thắng tự chế chưa hoàn thiện”.

Tuy nhiên, trong những lời khen ngợi cũng có một số ý kiến cho rằng nếu cất cánh chiếc trực thăng của anh Thắng sẽ không đảm bảo an toàn, vì thế cần có các chuyên gia giám sát, thử nghiệm chặt chẽ.

Để điều khiển trực thăng, khi máy đạt tới vận tốc 700 vòng/phút thì tay trái giữ ga, tay phải kéo cần điều khiển cất cánh để bay. Khi lên khỏi mặt đất tiếp tục kéo ga tăng tốc mạnh hơn để tăng lực nâng cho trực thăng. Hạ cánh cũng phải giữ nguyên ga ở tốc độ 700 vòng/phút cho trực thăng tiếp đất an toàn mới hạ hết ga.
Pháp Luật Xã Hội (Theo Pháp Luật Xã Hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem