Nhóm PV
Chủ nhật, ngày 23/05/2021 06:30 AM (GMT+7)
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày hôm nay (23/5). Cử tri cả nước sẽ cầm trên tay lá phiếu để lựa chọn người đại biểu của mình tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Tổng Thư ký Quốc hội: Bỏ phiếu bầu không chạy theo tiến độ thời gian, mục tiêu đảm bảo phòng dịch Covid-19
12h10 ngày 23/5, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đã trả lời phỏng vấn nhanh báo chí tại tòa nhà Quốc hội thông tin về kết quả bầu cử ở các địa phương.
Ông Cường cho biết: "Đến thời điểm này, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang diễn ra theo đúng kế hoạch và hiện nay một số địa phương báo cáo đã có tới 85% cử tri đi bầu cử như ở Điện Biên, hay 84% cử tri đi bầu cử như ở Quảng Ninh, hoặc hơn 50% như của Đà Nẵng…
Cử tri và nhân dân cả nước rất phấn khởi để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình lựa chọn những đại biểu xứng đáng để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình để bầu vào Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp.
Về công tác tổ chức, có thể nói kỳ này chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tập huấn và có cả diễn tập. Chính vì thế độ chuyên nghiệp cao hơn, làm tốt hơn nhiệm vụ bầu cử của mình.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 được các địa phương triển khai rất tích cực, mục tiêu và phương châm là tổ chức thành công kỳ bầu cử nhưng phải bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân.
Về công tác truyền thông, có thể nói các cơ quan báo chí đã rất tích cực tuyên truyền từ nội dung, phương thức, cách thức, tần suất, nhờ đó tạo không khí rất phấn khởi hồ hởi trong nhân dân.
Đến thời điểm này, chúng tôi đánh giá việc tổ chức của chúng ta đang rất thuận lợi và thành công. Thời tiết khí hậu tốt, an ninh an toàn ở tất cả các điểm bầu cử, không có vấn đề gì xảy ra.
Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề nghị các địa phương không chạy theo tiến độ thời gian, mục tiêu là bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta sẵn sàng bảo đảm đúng đến 19h, thậm chí cho phép đến 21h hoàn thành việc bỏ phiếu. Nhưng không vì tiến độ mà lơ là câu chuyện phòng chống dịch.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề nghị tiếp tục thực hiện thật tốt các nhiệm vụ và tăng cường trong công tác phòng, chống dịch. Có địa phương xuất hiện tình huống F1, F2 trong ban lãnh đạo chỉ đạo bầu cử lập tức thay ngay 1 ê kíp khác để chúng ta bảo đảm thành công cho cuộc bầu cử này".
12h15:
Quảng Ngãi: Hầu hết ngư dân Lý Sơn tham gia đánh bắt ở vùng biển xa về bầu cử
Tính đến thời điểm 11h30 ngày 23/5, sau hơn 4 giờ thực hiện, tỷ lệ cử tri đã tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp của huyện Lý Sơn đạt 76%, trong đó có 2/9 điểm hoàn thành 100%.
Trưa 23/5, trao đổi với PV Dân Việt, Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết: Sau khoảng 4 giờ kể từ lúc khai mạc vào 7h ngày 23/5, đến thời điểm này, tỷ lệ cử tri đã thực hiện bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp của huyện Lý Sơn đạt 76%.
Trong số 9 điểm/8 đơn vị bầu cử của toàn huyện, hiện đã có 2 điểm bỏ phiếu đã hoàn thành 100%, gồm đảo An Bình (đảo Bé) và điểm bỏ phiếu của lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn huyện, vị đứng đầu huyện Lý Sơn cung cấp thêm.
Được biết, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, riêng huyện đảo Lý Sơn có tất cả 15.364 cử tri, trong đó có trên 20% là ngư dân làm nghề đánh bắt, khai thác hải sản tại các ngư trường xa bờ. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động của các cấp ngành, tổ chức và đoàn thể của huyện Lý Sơn, nên hầu hết ngư dân Lý Sơn tham gia đánh bắt ở vùng biển xa đã có mặt tại địa phương để tham gia Ngày hội của toàn dân.
11h40:
Gặp chứng nhân tham gia bỏ phiếu cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946
Sáng 23/5, tại điểm bầu cử số 3, nhà sinh hoạt cộng đồng số 4, phố Núi Trúc, phường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), cụ Phạm Thế Vinh, 97 tuổi, là cử tri cao tuổi nhất tham gia bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cụ Vinh cũng là người trực tiếp tham gia bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, đến nay cụ đã có 15 lần tham gia bỏ phiếu bầu cử.
Tuy tuổi cao nhưng, cụ Vinh vẫn tự mình đi tới điểm bầu cử từ rất sớm mà không cần ai trợ giúp.
"Tôi tham gia cầm súng từ những ngày đầu tiên của Cách mạng Tháng 8 tại Hà Nội. Người dân lúc đó đã mong mỏi tự do, độc lập vì đã khổ quá rồi. Ngày được cầm lá phiếu đi bầu cử năm 1946, người dân ai cũng mừng lắm vì được bỏ phiếu bầu cử trong tự do và được gặp Bác Hồ. Chẳng có gì quý giá bằng độc lập, tự do", cụ Vinh chia sẻ và bày tỏ, đất nước nay đã hoà bình, được sống và được bầu cử trong hoà bình, thống nhất là niềm vui, niềm sung sướng và hạnh phúc của cụ cho tới bây giờ.
11h20:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: "Nhân dân rất phấn khởi, hăng hái đi bầu cử"
10h sáng 23/5, tại Nhà Quốc hội, trả lời phỏng vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Hội đồng Bầu cử Quốc gia có Trung tâm điều hành và Trung tâm báo chí để nắm thông tin, tình hình bầu cử từ các phương.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, qua báo cáo từ 63 tỉnh, thành cho thấy việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND diễn ra theo đúng kế hoạch. Tất cả mọi khu vực bầu cử đều được tổ chức rất đúng pháp luật, bảo đảm trang trọng và công việc diễn ra thuận lợi.
"Chưa có bất kỳ vấn đề gì các địa phương đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải xử lý và hướng dẫn", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đúng 7h sáng 23/5, hầu hết các địa điểm tổ bầu cử trên cả nước tiến hành khai mạc trọng thể, long trọng. Các lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương, Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, giới chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, thanh niên đủ 18 tuổi lần đầu đi bầu cử hầu hết được mời bầu lá phiếu đầu tiên.
"Không khí bầu cử hết sức vui vẻ. Nhân dân rất phấn khởi, hăng hái đi bầu cử. Qua báo cáo sơ bộ của các địa phương cho thấy một số tổ bầu cử đã có 100% cử tri đi bầu.
"Những số liệu đầu tiên chúng tôi nhận được là 23 đơn vị bầu cử ở Bạc Liêu, 10 đơn vị bầu cử ở Vĩnh Phúc đã có 100% cử tri đi bầu", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, một đơn vị bầu cử trong lực lượng công an ở Trà Vinh đã hoàn thành 100% cử tri đi bầu từ 6h50 để quay trở lại với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở các khu vực bầu cử.
Với những nơi đang thực hiện cách ly y tế, Hội đồng Bầu cử Quốc gia có 10 văn bản hướng dẫn chi tiết cho các địa phương nên mọi việc vẫn diễn ra thuận lợi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết thêm, tình hình bầu cử ở các khu vực cách ly rất tốt, kể cả những nơi diễn biến phức tạp như Bắc Giang và Bắc Ninh. Nhất là hôm qua (22/5), những khu vực bỏ phiếu sớm ở Bắc Ninh diễn ra rất tốt, đạt 100% cử tri đi bầu.
"Ngày hôm nay, các địa phương cũng báo cáo tại các khu vực giãn cách, cách ly, tại khu vực phong toả, việc tiến hành bầu cử bảo đảm quyền bầu cử của nhân dân được thực hiện rất tốt. Hầu hết 100% cử tri tham gia bỏ phiếu", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
11h15:
Nhiều cử tri Đất Mũi vượt khó, đi vỏ lãi tới bầu cử
Sáng 23/5, trong không khí ngày hội toàn dân diễn ra ở mọi miền, tại điểm cực Nam của Tổ quốc ở ấp Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), bà con địa phương cũng nô nức đi bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ấp Mũi - nơi đặt mốc tọa độ GPS-0001, đánh dấu điểm cực Nam Tổ quốc trên đất liền thuộc Đơn vị bầu cử số 8, tổ bầu cử số 12 của xã Đất Mũi. Điểm bầu cử này có 1.155 cử tri tham gia bỏ phiếu ở đây.
Điểm bỏ phiếu này càng thêm đặc biệt vì được bố trí dưới chân cột cờ Hà Nội nằm ở Mũi Cà Mau. Bao quanh không gian bỏ phiếu là những tán rừng đước, rừng mắm mang nét đặc trưng của vùng đất bãi bồi ven biển của địa phương.
Ban tổ chức bắt đầu chương trình vào lúc 7h. Tuy nhiên, nhiều cử tri đến từ rất sớm để thực hiện quyền chọn người đại diện cho mình. Vì điều kiện ở xa, nhiều cử tri đến điểm bỏ phiếu bằng vỏ lãi.
Tất cả cử tri tham gia bầu cử đều thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19.
Cử tri Huỳnh Thành Công (78 tuổi; ngụ ấp Mũi, xã Đất Mũi) cho biết, ông đã thức từ rất sớm, đến điểm bầu cử để tìm hiểu thông tin đại biểu ứng cử để đưa ra quyết định trong việc chọn lựa đại biểu trong thẻ cử tri.
"Tôi tự hào khi là một trong những công dân được thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình tại vùng đất cực Nam thiên liêng của Tổ quốc. Tôi hy vọng những đại biểu trúng cử sẽ thực hiện đúng lời hứa với người dân để cùng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh", ông Công phấn khởi nói.
Tiếp lời ông Công, cử tri Trương Văn Đậu (74 tuổi) chia sẻ: "Tôi chỉ còn 1 chân, nếu không đến điểm bầu cử cũng có người đưa thùng phiếu đến tận nhà để bỏ phiếu. Tuy nhiên, tôi muốn đến tận nơi để sự lựa chọn được công tâm và tận hưởng không khí phấn khởi của ngày hội toàn dân".
11h00:
Đà Nẵng: Nhiều cụ tuổi xưa nay hiếm vẫn mặc đẹp, chống gậy đi bỏ phiếu
Đến 10h30 sáng cùng ngày (23/5), công tác bầu cử trên địa bàn Đà Nẵng vẫn đang diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo quy định.
Đánh giá sơ bộ buổi bầu cử đến 10h sáng 23/5, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, tất cả 525 điểm bầu cử trên địa bàn thành phố đều diễn ra lễ khai mạc và triển khai bầu cử bảo đảm đúng thời gian quy định, quy trình bầu cử từ 7h sáng, dự kiến kết thúc vào lúc 19h cùng ngày.
Đặc biệt, trên địa bàn Đà Nẵng dù thời tiết khá nắng nóng, nhưng nhiều cụ ông, cụ bà đã gần 100 tuổi vẫn đi thực hiện quyền công dân của mình.
Cụ Dương Quang Bằng (SN 1931, trú 212 đường Quang Trung, quận Hải Châu) chia sẻ: "Ngày hội bầu cử 5 năm mới có 1 lần nên tôi phải đi để bỏ phiếu bầu chọn cán bộ có đức có tài lãnh đạo địa phương, lãnh đạo đất nước phát triển bằng bè bằng bạn. Dù hơi mệt nhưng tôi rất vui mừng, phấn khởi".
Lớn hơn cụ Bằng 8 tuổi, cụ Nguyễn Văn Nuôi (SN 1923, trú K14/20 đường Hải Phòng, quận Hải Châu) dù chân đi tập tễnh nhưng vẫn chống gậy tới điểm bầu cử đúng giờ mà tổ bầu cử nơi cư trú hướng dẫn để bỏ phiếu.
Ông Vũ Quang Hùng (Bí thư quận Hải Châu) chia sẻ: "Thực sự kính nể các cụ, tuổi cao nhưng trách nhiệm rất lớn. Các cụ dù đến cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn không quên nghĩa vụ của mình. Các cụ tuổi lớn nhưng tinh anh, minh mẫn và luôn muốn chung tay xây dựng nước nhà phồn vinh".
10h05:
Đồng Nai: Mang thùng phiếu đến từng nhà cử tri khu vực đang bị phong toả do có ca nhiễm Covid-19
Tại Đồng Nai, sáng 23/5, cùng với cả nước, các khu vực bỏ phiếu ở tỉnh Đồng Nai đã đồng loạt tổ chức khai mạc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, ở cấp tỉnh có 20 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 14 người ứng cử do địa phương giới thiệu. Các cử tri sẽ tiến hành bầu 12 đại biểu/20 người ứng cử.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, từ hơn 5h sáng, nhiều cử tri tại Đồng Nai đã đồng loạt đến các khu vực ghi trên phiếu cử tri để bầu cử. Không khí tại Đồng Nai vui tươi, cờ hoa rực đỏ khắp phố phường. Bên cạnh việc bỏ phiếu, tại các điểm bầu cử yêu cầu cử tri đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Đặc biệt đối với khu vực đang bị phong toả do có ca nhiễm Covid-19 tại TP.Long Khánh, cán bộ phục vụ bầu cử cũng đã mang thùng phiếu đến từng nhà để cử tri có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Cử tri Nguyễn Thị Uyển Nhi (ngụ TP.Biên Hoà) vui vẻ nói: "Việc lựa chọn ra các đại biểu xứng đáng với niềm tin của cử tri thông qua lá phiếu là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, của từng địa phương… Tôi đã đọc kỹ, tìm hiểu kỹ về các ứng viên để quyết định bầu ra những người ưu tú vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026".
Là cử tri trẻ lần đầu được đi bỏ phiếu, anh Hoàng Công Tiến (Đồng Nai) xúc động chia sẻ: "Tôi đã bỏ phiếu cho các ứng viên với chương trình hành động thiết thực. Tôi hy vọng họ sẽ là người có tài, có tâm, giúp cử tri nói lên được tiếng nói của mình".
9h30:
Đại tá công an hơn 90 tuổi vượt 80km về Hà Nội bỏ phiếu bầu
Cụ Dương Lê Phẩm (tên thường gọi là Lê Tuấn) sinh năm 1928, năm nay 93 tuổi, 73 năm tuổi Đảng, hộ khẩu thường trú ở nhà tập thể E1 Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Cụ nguyên là Trưởng phòng của Cục Pháp chế và Cải cách hành chính (Bộ Công an).
Cụ Phẩm cho biết, do vợ đã qua đời nên cụ đã lên sống ở phường Tiêu Sơn, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (quê của cụ) để trông nom cửa nhà.
Cụ Phẩm cho biết, sáng 23/5 là ngày bầu cử, cụ đã chuẩn bị bộ quần áo lễ phục của ngành, dậy sớm và xuất phát từ TP.Sông Công lúc 5h kém để về khu vực bỏ phiếu số 4 phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân lựa chọn những người tiêu biểu vào cơ quan dân cử.
Ở kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, cụ Phẩm đã được chứng kiến, tuy nhiên lúc đó chưa đủ tuổi nên cụ chưa đi bỏ phiếu. Bắt đầu từ kỳ bầu lần thứ 2 (1960) và cho đến kỳ bầu cử thứ 15 (14 lần) cụ đều đi bỏ phiếu.
9h00:
Bầu cử tại bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 lớn nhất cả nước
Ông Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết: "Bệnh viện có 3 hòm phiếu, 1 hòm phiếu đặt bên ngoài dành cho những người làm hành chính, bảo vệ... không tiếp xúc với bệnh nhân. Hai hòm phiếu đặt bên trong sẽ được thành viên tổ bầu cử đưa đến từng khu vực "đệm" của các khoa để nhân viên y tế đang làm công tác điều trị và bệnh nhân tham gia bỏ phiếu.
Ở đó, nhân viên y tế sẽ tham gia bầu cử trước, sau đó thành viên tổ bầu cử sẽ mặc trang phục bảo hộ đầy đủ để đưa lá phiếu và hòm phiếu đến giường bệnh cho bệnh nhân bỏ phiếu. Bệnh nhân sẽ đeo khẩu trang, khử khuẩn trước khi tham gia bỏ phiếu. Để đảm bảo phòng dịch, mỗi bệnh nhân sẽ được đưa một cây bút riêng và sau khi bỏ phiếu xong sẽ thu bút và tiêu hủy. Mỗi lần di chuyển hòm phiếu đến các khoa thì hòm phiếu cũng phải đảm bảo được khử trùng cẩn thận".
Theo ông Cấp, bệnh viện có 376 cán bộ, nhân viên bệnh viện sẽ tham gia bỏ phiếu; 47 bảo vệ, công nhân vệ sinh, nhà ăn; 274 bệnh nhân/tổng số 356 bệnh nhân (trừ các bệnh nhân dưới 18 tuổi, bệnh nhân nặng thở máy, ECMO, bệnh nhân là người nước ngoài) sẽ thực hiện quyền cử tri.
8h40:
Chia sẻ của cựu binh hơn 60 năm tuổi Đảng
Có mặt tại điểm bầu cử số 2 phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP.Hà Nội từ sáng sớm 23/5, ông Nguyễn Tiến Tá (87 tuổi, công tác trong quân đội, đã hơn 60 năm tuổi Đảng) vô cùng phấn khởi.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Tá cho biết đã tham gia rất nhiều cuộc bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhưng đây là lần vô cùng đặc biệt. Năm nay, cử tri cả nước tham gia bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, vừa phải đảm bảo an toàn vừa đảm bảo tốt công tác bầu cử.
"Phải nói thật chúng ta đang sống trong thời kỳ đất nước phát triển không ngừng. Cả hệ thống chính trị vào cuộc chăm lo đời sống cho người dân. Người dân được đi bầu cử bày tỏ nguyện vọng tới các đại biểu nhiệm kỳ mới. Hôm nay, tôi dậy từ rất sớm để chuẩn bị. Các đại biểu nhiệm kỳ lần này ông đều đã nghiên cứu rất kỹ và có sự lựa chọn và kỳ vọng họ sẽ có những đột phá chăm lo cho đời sống người dân, đưa đất nước ngày càng phát triển vững mạnh", ông Tá chia sẻ.
8h15:
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bầu cử tại Bình Dương
Tại Bình Dương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và ông Trần Văn Nam - Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương đã cùng với cử tri ấp Phú Thuận (xã Phú An, TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) dự lễ khai mạc, bỏ những lá phiếu đầu tiên ở Bình Dương.
Ngày hội bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp ở Bình Dương có trên 1,7 triệu cử tri đi bầu tại 1.100 khu vực bỏ phiếu.
8h00:
Gần 750.000 cử tri TP.Đà Nẵng thực hiện quyền bầu cử
Đúng 7h ngày 23/5, gần 750.000 cử tri TP.Đà Nẵng bắt đầu thực hiện quyền dân chủ bỏ lá phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội và cơ quan quyền lực ở địa phương.
Lãnh đạo Thành uỷ, UBND, HĐND TP.Đà Nẵng đã đến dự khai mạc và thực hiện quyền công dân của mình.
Theo đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tham gia bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 1 (phường Thạch Thang, quận Hải Châu). Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 6 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Lương Nguyễn Minh Triết bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 11 (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).
Công tác bầu cử ở các điểm bầu cử của Đà Nẵng được kiểm soát chặt chẽ. Các thùng phiếu trước giờ cử tri tiến hành bỏ phiểu được tổ bầu cử kiểm tra và niêm phong đúng theo luật định.
7h50:
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bỏ phiếu tại phường Tân Định, quận 1, TP.HCM
7h50 sáng 23/5, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hoàn thành việc bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 7 - Trường Mầm non Hoa Quỳnh (đường Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM). Ông là cử tri đầu tiên bỏ lá phiếu bầu ĐBQH và HĐND các cấp tại điểm bỏ phiếu này.
Từ 6h30, ông Sang đã đi bộ đến điểm bỏ phiếu, được đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào khu vực bỏ phiếu.
Ngay khi tới điểm bầu cử, nguyên Chủ tịch nước đã ân cần hỏi thăm bà con nhân dân và động viên các thành viên tổ bầu cử, lực lượng bảo vệ, phục vụ làm tốt công việc, đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.
7h40:
TP.HCM: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng bỏ phiếu ở quận Phú Nhuận
6h45 sáng 23/5, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - đã đến khu vực bỏ phiếu số 71 (phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM). Điểm bỏ phiếu số 71, phường 15, quận Phú Nhuận, TP.HCM, có tổng số gần 1.200 cử tri bỏ phiếu bầu. Đây là một trong những điểm bỏ phiếu đông cử tri đến nhất của quận Phú Nhuận. Nhân viên tổ hậu cần kiểm tra và niêm phong thùng phiếu.
Lúc 7h10, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cũng đã bỏ lá phiếu đầu tiên tại khu vực bỏ phiếu số 11.
Cũng trong sáng nay, nhiều cử tri trên địa bàn quận Phú Nhuận đã đi bỏ phiếu từ sớm để thực hiện nghĩa vụ công dân để bầu chọn ra đại biểu có đức, có tài vào Quốc hội và HĐND các cấp.
7h35:
Hải Phòng: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ cảm xúc đặc biệt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có mặt tại điểm bỏ phiếu số 1 thị trấn An Lão (huyện An Lão, TP.Hải Phòng) lúc 6h40 sáng 23/5. Sau khi kiểm tra lần cuối công tác bầu cử, trò chuyện cùng người dân, ông đã hoàn thành trách nhiệm công dân của mình.
Chia sẻ cảm xúc sau khi bỏ phiếu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ông đã thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân ở Hải Phòng, cũng là lần đầu tiên trên cương vị của Chủ tịch Quốc hội.
Ông Huệ cho biết đây là kỳ bầu cử đặc biệt, diễn ra lúc dịch Covid-19 phức tạp. Bản thân ông hồi hộp từng ngày, từng giờ về sự kiện này.
Cũng trong sáng 23/5, ông Lê Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - dự khai mạc và bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại Tổ bầu cử số 1, phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền).
7h30:
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bầu cử tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 3, TP.HCM
Đúng 7h sáng 23/5, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã dự lễ khai mạc ngày hội bầu cử tại Điểm bầu cử số 34 (Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 3, TP.HCM).
Ngay từ sáng sớm, các cử tri đã đến thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế và chuẩn bị thực hiện quyền công dân của mình.
Sau khi thực hiện các thủ tục cần thiết như đọc các quy định khi bỏ phiếu, kiểm tra và niêm phong thùng phiếu, ông Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ lá phiếu đầu tiên.
Sau khi dự lễ khai mạc tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 3, Chủ tịch UBND TP.HCM đã quay về TP.Thủ Đức để thực hiện quyền công dân của mình.
7h10:
Hơn 5 triệu cử tri Hà Nội thực hiện quyền bầu cử
Sáng nay (23/5), hơn 5 triệu cử tri Hà Nội thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là ngày hội toàn dân nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ghi nhận của PV Dân Việt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 17, phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 5 phường Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội).
7h00:
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đã tới điểm bầu cử
6h35 ngày 23/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có mặt tại khu vực bỏ phiếu số 4 của phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
6h30 ngày 23/5, tổ bầu cử số 18, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ đã khai mạc và tiến hành bỏ phiếu bầu cử. Tới dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây cũng là nơi ông ứng cử ĐBQH.
Hôm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có mặt tại điểm bầu cử số 41, khu phố 7, thị trấn Củ Chi (TP.HCM) từ rất sớm, gặp gỡ bà con nơi đây và chuẩn bị lá phiếu đi bầu.
Từ 6h sáng 23/5, hàng chục cử tri đã tập trung về khu phố 7, thị trấn Củ Chi để chuẩn bị cho việc bầu cử ĐHQH, đại biểu HĐND các cấp.
Cử tri Lê Minh Long cho biết: Ông rất hãnh diện khi đây là lần đầu tiên ông bỏ phiếu bầu cử ĐHQH mà có ứng cử viên là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. “Tôi đặt niềm tin lớn vào Chủ tịch nước. Tôi sẽ bỏ phiếu bầu ông. Hy vọng sau khi trúng cử ông sẽ thực hiện những điều như trong chương trình hành động mà ông đã trình bày với cử tri chúng tôi".
Tại điểm bầu cử này, 7h10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là người đầu tiên bỏ phiếu thực hiện quyền công dân bầu ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tiếp đó là phu nhân Chủ tịch nước Trần Nguyệt Thu và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lần lượt bỏ phiếu bầu.
Trước khi tham gia bỏ phiếu bầu cử, Chủ tịch nước đã cùng các đại biểu thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại văn phòng khu phố.
6h50:
Sẵn sàng mọi phương án
Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cương, cuộc bầu cử lần này có 3 điểm mới trọng tâm.
Thứ nhất, công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ sớm. Hội đồng Bầu cử Quốc gia, nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã được thành lập và kiện toàn từ sớm. Công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước.
Thứ hai, cơ cấu, thành phần số lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Số lượng ĐBQH chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu HĐND các cấp giảm đều từ 5 - 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính.
Thứ ba, công tác chuẩn bị bầu cử được diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đã chủ động phòng chống dịch bệnh và lên phương án cho những tình huống phát sinh.
Công tác chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất và chuẩn bị các phương án bầu cử trong các tình huống khẩn cấp đã được dự lường.
Để đảm bảo an toàn cho cử tri và thành viên tổ bầu cử trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn rất chi tiết quy trình 5 bước thực hiện công tác bầu cử tại khu vực cách ly tập trung, nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc địa bàn bị phong tỏa.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi bỏ phiếu ngoài nơi cư trú
Theo danh sách 49 ứng cử viên ĐBQH do Ủy ban bầu cử TP.Hà Nội công bố, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phân bổ ứng cử ở đơn vị bầu cử số 1 gồm các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được phân bổ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 10, TP.HCM, gồm huyện Củ Chi và Hóc Môn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính được phân bổ ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 1, TP.Cần Thơ (gồm quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền).
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 TP.Hải Phòng.
Khác với kỳ bầu cử lần trước, bốn vị lãnh đạo cấp cao bỏ phiếu tại nơi cư trú, trong lần bầu cử này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi bỏ phiếu tại TP.Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bỏ phiếu tại TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại TP.Hải Phòng, và Thủ tướng Phạm Minh Chính bỏ phiếu tại TP.Cần Thơ.
Việc lãnh đạo đi bỏ phiếu ở một số địa phương gắn liền với việc đi kiểm tra, chứng kiến giờ khai mạc, không khí của ngày bầu cử, mang ý nghĩa vừa đi kiểm tra vừa động viên các địa phương trong ngày bầu cử.
Bầu 500 ĐBQH từ 866 ứng viên
Theo thông tin từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tính đến thời điểm này, tổng số ứng cử viên ĐBQH khóa XV là 866. Từ 866 ứng viên này, cử tri sẽ bầu 500 ĐBQH khóa XV.
Tính theo cơ cấu ứng viên, phụ nữ gồm 393 người (45,38%); người dân tộc thiểu số 185 người (21,36%); người ngoài Đảng 74 người (8,55%); tái cử: 204 người (23,56%); người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 224 người (25,87%). Số người tự ứng cử là 9 người.
Với HĐND, tổng số đại biểu cấp tỉnh được bầu theo luật định 3.726 người; cấp huyện là 22.952 người và cấp xã có 242.312 người.
Theo thống kê, toàn quốc có tổng cộng 69.198.594 cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu.
Trước đó, ngày 22/5, nhiều địa phương như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Định... ở một số điểm bầu cử đã hoàn thành bầu cử sớm.
Ngày 23/5 là một ngày rất trọng đại của đất nước ta, ngày mà 69.198.594 cử tri cả nước sẽ tới 84.767 khu vực bầu cử thực hiện quyền làm chủ, trực tiếp cầm lá phiếu để tự lựa chọn đại biểu của mình tại Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta và tại Hội đồng nhân dân các cấp - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Sự lựa chọn của cử tri hoàn toàn quyết định người ứng cử nào trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo hành lang pháp lý, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đóng góp rất lớn vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ở từng tỉnh, thành phố trên cả nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta tổ chức một cuộc bầu cử trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, chưa có tiền lệ. Đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Để chuẩn bị cho công tác bầu cử, các phương án bảo đảm an ninh an toàn cho người dân đã được chuẩn bị chu đáo, công phu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.